Xã hội

Giúp trẻ khiếm thính hòa nhập cộng đồng

Dù nằm khuất trong một con hẻm trên đường Trần Quốc Toản (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa) nhưng Nhóm khiếm thính Hoa Lan của Dòng nữ tỳ thánh thể đã trở nên quen thuộc với nhiều phụ huynh, học sinh trong và ngoài tỉnh từ 25 năm qua.

Một tiết học ngoại khóa của học sinh Nhóm khiếm thính Hoa Lan.
Một tiết học ngoại khóa của học sinh Nhóm khiếm thính Hoa Lan.

Nữ tu Nguyễn Thị Thanh Thúy, phụ trách Nhóm khiếm thính Hoa Lan, kể năm 1993 khi thấy một số cháu khiếm thính trên địa bàn phường Bình Đa không thể đến trường học bình thường như các bạn cùng trang lứa, nhà dòng đã xin phép địa phương mở lớp, nhận các cháu vào học với mong muốn giúp trẻ khiếm thính cũng biết đọc, biết nói như bao trẻ em khác, đồng thời giúp phụ huynh có nơi gửi con, yên tâm đi làm.

Những ngày đầu tiên khi trẻ khiếm thính đến lớp, trẻ hay sợ sệt, né tránh. Các nữ tu cũng là các cô giáo phải làm quen với trẻ trước, kiên nhẫn, nhẹ nhàng, yêu thương, gần gũi các cháu...  Đến khi các cháu thấy không còn khoảng cách với cô nữa, lúc đó các cháu mới chịu giao tiếp với cô.

Sau khi trẻ chịu giao tiếp, các cô tiến hành xếp lớp cho trẻ, bắt đầu từ mẫu giáo 1, mẫu giáo 2; rồi dự bị 1, dự bị 2; sau đó bước vào lớp 1, cứ thế học cho đến khi hết chương trình tiểu học. Việc xếp lớp cho học sinh khiếm thính không theo độ tuổi của học sinh mà theo khả năng nhận thức, vì có cháu được cha mẹ đưa đến trường lúc 5 tuổi, có cháu 7-8 tuổi mới được đến trường. Các cháu được học theo chương trình của Bộ GD-ĐT, nhưng trong quá trình dạy, giáo viên dành nhiều thời gian để dạy nói cho học sinh và dạy về ngôn ngữ ký hiệu.

Hiện nay, Nhóm khiếm thính Hoa Lan có 90 học sinh, độ tuổi từ 5-16 tuổi, chia ra thành 10 lớp. Dạy trẻ khiếm thính mất nhiều thời gian, do đó trung bình mỗi lớp chỉ có 7-8 học sinh, lớp nhiều nhất là 12 học sinh.

Trước đây, Nhóm khiếm thính Hoa Lan có nhận học sinh khiếm thính ngoài tỉnh, nhưng nay chỉ nhận học sinh của địa phương vì không đủ lớp học.

Ngoài học văn hóa, học sinh khiếm thính còn được học vi tính, vẽ và một số môn khác, từ đó giúp các em sau khi học xong phần nào có thể hòa nhập cộng đồng, tự tìm kiếm công việc cho bản thân. Đến nay có rất nhiều em đã đi làm trong công ty, lập gia đình có cuộc sống ổn định và một số quay trở lại giúp đỡ trường. Như Đình Thụy, học sinh cũ của Nhóm khiếm thính Hoa Lan, chiều thứ tư hàng tuần đều đến giúp đỡ các nữ tu dạy vi tính cho học sinh. Đình Thụy hiện đã có vợ và 2 con. Vợ của Thụy cũng là học sinh khiếm thính từng học ở Hoa Lan.

Quỳnh Trang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,146,447       5/891