Xã hội

Liên kết đào tạo nguồn nhân lực: Thiếu những mô hình bền vững

Đồng Nai hiện có 67 cơ sở đào tạo nghề nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hàng năm.

Giáo viên Trung tâm đào tạo nghề công nghiệp TGA của Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành) giới thiệu những sản phẩm do sinh viên chế tạo ra trong quá trình hợp tác đào tạo cùng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành). Ảnh: C.NGHĨA
Giáo viên Trung tâm đào tạo nghề công nghiệp TGA của Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Khu công nghiệp Long Thành) giới thiệu những sản phẩm do sinh viên chế tạo ra trong quá trình hợp tác đào tạo cùng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành). Ảnh: C.NGHĨA

Ông Quách Thành Ninh, Trưởng phòng Nhân sự Công ty hữu hạn công nghiệp Kaifa (thuộc Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom), cho biết: “Doanh nghiệp rất muốn tuyển dụng nhân viên kỹ thuật đã qua đào tạo bài bản, khi tiếp nhận có thể làm được việc ngay. Nhưng điều này rất khó do chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo cho sinh viên chưa “ăn khớp” với công nghệ của doanh nghiệp đang áp dụng. Muốn có những nhân viên kỹ thuật làm được việc, doanh nghiệp thường phải mất nhiều thời gian đào tạo lại từ kỹ thuật đến kỹ năng làm việc…”.

* Tránh lãng phí

Ông Ninh cũng cho hay công nghệ của doanh nghiệp ngày càng hiện đại và có chuyên môn hóa sâu, trong khi đó chương trình đào tạo nghề của các cơ sở lại chậm đổi mới, thậm chí lạc hậu. Vì thế, khi tiếp nhận học viên mới tốt nghiệp vào làm việc, doanh nghiệp không dám bố trí học viên đứng ngay vào dây chuyền sản xuất vì khả năng nắm bắt công nghệ mới của học viên rất hạn chế, mà phải đào tạo thêm nhiều kiến thức thực tế và kỹ năng, thậm chí đào tạo lại từ đầu, dẫn đến lãng phí thời gian, chi phí cho cả doanh nghiệp và học viên. Anh Nguyễn Văn Hải, sinh viên Khoa Cơ điện Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai (TP.Biên Hòa) thực tập tại Công ty TNHH Taekwang Vina (thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 2), cho biết chương trình đào tạo kéo dài trong 3 năm nhưng lại chỉ có 3 tháng thực tập tại doanh nghiệp. Thời gian thực tập như vậy theo anh Hải là quá ít, chưa kịp nắm bắt nhiều vấn đề đã hết thời gian. Anh Hải nhận định: “Một tuần thực tế ở doanh nghiệp có khi bằng cả tháng học ở trường. Do đó nếu được nhà trường liên hệ cho sinh viên đi thực tập sớm và nhiều hơn trong doanh nghiệp thì khi ra trường sinh viên mới đỡ bị doanh nghiệp “chê” vì yếu tay nghề lẫn kỹ năng”.

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho biết: “Đồng Nai có nhiều lợi thế lớn trong đào tạo nghề khi có nhiều khu công nghiệp cần nhiều lao động qua đào tạo. Vấn đề là có thêm các mô hình hợp tác hiệu quả giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để có thể tận dụng được công nghệ sản xuất, tận dụng được cán bộ, chuyên gia giỏi của các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào công tác đào tạo nghề. Cần làm cho chương trình đào tạo với công nghệ doanh nghiệp ứng dụng sát với nhau hơn”.

Dù Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi (ở xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) có vị trí đắc địa, kết nối được với nhiều khu công nghiệp lớn như: Hố Nai, Sông Mây, Bàu Xéo, Giang Điền… thế nhưng ông Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Sinh viên vẫn chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực. Chúng tôi vẫn phải nghe những lời than phiền của doanh nghiệp tiếp nhận sinh viên về vấn đề yếu kiến thức, thiếu kỹ năng và đang từng bước cải thiện dựa trên những góp ý thẳng thắn của doanh nghiệp”.

Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, mỗi năm các doanh nghiệp của tỉnh cần khoảng 11 ngàn người đã qua đào tạo trình độ từ trung cấp đến cao đẳng, nhưng 67 cơ sở đào tạo mới chỉ đáp ứng được 3.600 người (khoảng 30%). Một thực tế khác, trong khi các cơ sở đào tạo nghề trình độ trung cấp và cao đẳng tuyển sinh ngày một khó khăn thì tình trạng học viên bỏ học giữa chừng lại rất đáng báo động.

Số liệu thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết tỷ lệ học viên hệ cao đẳng nghề bỏ học giữa chừng hiện vào khoảng 40%, còn ở hệ trung cấp nghề lên đến 60%. Đây là một lãng phí lớn, bởi phần lớn học viên các trường nghề hàng năm đều được tỉnh dùng ngân sách để hỗ trợ kinh phí đào tạo.

* Cần hợp tác thực chất

Việc hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp được coi là mối liên hệ sống còn, có ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng sinh viên, học sinh và chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Khi hợp tác, cơ sở đào tạo sẽ tiếp thu được công nghệ mới của doanh nghiệp để cải tiến chương trình đào tạo. Còn khi doanh nghiệp bắt tay với cơ sở đào tạo cùng đào tạo nhân lực sẽ có được nguồn nhân lực được “chuẩn hóa” sát với công nghệ và văn hóa của doanh nghiệp ngay từ đầu, đồng thời không tốn kinh phí đào tạo lại sau tiếp nhận.

Tuy nhiên, theo ông Mao Quốc Trung, Trưởng phòng Dạy nghề của Sở Lao động - thương binh và xã hội, hiện chưa có nhiều mô hình hợp tác đào tạo có chiều sâu giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ yếu đến tuyển học viên năm cuối, khi học viên chuẩn bị tốt nghiệp. Còn quá ít doanh nghiệp đặt hàng đào tạo hay tham gia trực tiếp vào việc góp ý chương trình đào tạo của các cơ sở, ít có các hoạt động chuyển giao công nghệ, tài trợ thiết bị, học bổng cho học viên… Những hạn chế đó tồn tại là do một phần khả năng nhạy bén trong hợp tác của các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp còn thấp và doanh nghiệp chưa đánh giá cao khả năng đào tạo của các cơ sở.

Theo ông Bạch Hùng Trường, chuyên gia cao cấp Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, cần phải có sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp theo từng đơn hàng đào tạo nhân lực để đào tạo đúng mục đích và đúng địa chỉ ngay từ đầu. Sẽ là lãng phí và không xác định được phương hướng cho người học nếu đào tạo mà không biết sẽ đi về đâu. Khi có sự hợp tác, nhà trường có thể chỉ cần đảm trách khâu đào tạo lý thuyết, trong khi đó học viên có thể thực hành ngay tại doanh nghiệp với các công nghệ hiện đại. Doanh nghiệp tiếp nhận các học viên vốn đã làm quen với công nghệ tại chính công ty mình rồi sẽ không còn phải lo đào tạo lại.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,143,262       2/992