Xã hội

Phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ

Trong tháng 6-2018, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho 731 trường hợp bệnh nhi bị tai nạn thương tích.

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Toàn đang thăm khám cho bệnh nhi m.q. (ngụ phường Tân Hòa, tp.biên Hòa). Ảnh: H.DUNG
Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Toàn đang thăm khám cho bệnh nhi m.q. (ngụ phường Tân Hòa, tp.biên Hòa). Ảnh: H.DUNG

Theo các bác sĩ trực tiếp điều trị cho các bệnh nhi, những tai nạn thường gặp như: trẻ bị tai nạn giao thông khi đi xe đạp, ngồi chung xe máy với cha mẹ; ngã do trèo cây, đùa giỡn; bỏng nước sôi; đuối nước…

* Nhiều ca bệnh nặng

Bệnh nhi M.Q. (11 tuổi, ngụ KP.4, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) đang được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức ngoại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Mai Thị Hà, mẹ bệnh nhi T.K. (7 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tà Lài, huyện Tân Phú), cho hay: “Từ hôm con trai nhập viện, cả 2 vợ chồng tôi phải bỏ công việc để vào bệnh viện chăm con. Số tiền chi phí đi lại, ăn uống tốn kém rất cao. Tôi chỉ mong con mau lành bệnh để về nhà”.

Theo bà Lê Thị Tiên, mẹ của bé Q., do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình rời quê Cà Mau khăn gói lên TP.Biên Hòa làm thuê ở xưởng gỗ và dựng lán ở trong xưởng vài năm nay. Chiều 15-6, bé Q. đang ngồi vo gạo nấu cơm bên ngoài lán thì bất ngờ bị cây lớn đổ đè lên người. Gia đình lập tức đưa bé vào viện cấp cứu.

Bác sĩ CKI Nguyễn Văn Toàn, Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, người trực tiếp điều trị ca bệnh này, cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hôn mê, được bác sĩ chẩn đoán bị đa chấn thương, vỡ lún sọ hở, giập não diện rộng, gãy kín 1/3 giữa xương đùi trái. Sau khi được sơ cứu, chụp CT, X.quang, siêu âm, bệnh nhi được chuyển vào phòng mổ để bác sĩ vừa truyền máu vừa mổ cầm máu trong vòng 5 giờ.

Hiện tại, bệnh nhi khuyết sọ và đang được tiếp tục theo dõi. Trong vài ngày tới chân phải của bệnh nhi sẽ được mổ xuyên đinh kết hợp xương đùi, đồng thời sẽ vá sọ nhân tạo.

Còn bệnh nhi T.B. (14 tuổi, ngụ xã Lộ 25, huyện Thống Nhất)  nhập viện do bị tai nạn giao thông trong khi đang đạp xe trên đường. “Hôm đó là chủ nhật. Em chở em trai đi lễ ở nhà thờ, có đi lấn làn nên bị xe máy tông từ phía sau. Sau khi bị tông xe, em lơ mơ và không nhớ được những gì xảy ra tiếp theo” - T.B. cho biết.

Đều nhập viện trong tình trạng gãy tay trái do đi xe đạp bị té, 2 bệnh nhi T.K. (7 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tà Lài, huyện Tân Phú) và D.Đ. (8 tuổi, ngụ ấp Ngũ Phúc, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) đang nằm điều trị tại Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Phụ huynh của 2 bệnh nhi cho hay sau khi được nghỉ hè, các bé có nhiều thời gian ở nhà nên hay đạp xe vòng quanh khu vực sinh sống. Vì cha mẹ đều bận làm việc nên nhiều khi không quán xuyến được các bé, dẫn đến bị tai nạn đáng tiếc. Cả 2 bé đều phải mổ để cố định xương, dự kiến mất vài tháng mới liền vết thương.

* Phòng tránh hậu quả đáng tiếc

Nhiều trường hợp trẻ em không có người lớn trông chừng, với bản tính hiếu động, tò mò, các em rất dễ gặp phải tai nạn thương tích. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ có người lớn trông nhưng do một phút lơ là, bất cẩn cũng gây nên thương tích cho trẻ. Đó là trường hợp của một bé trai 9 tháng tuổi, ngụ xã An Hòa, TP.Biên Hòa. Bé ở nhà với ông bà ngoại, trong lúc ông bà không để ý, bé với tay lấy ấm nước trà nóng làm đổ rồi ngồi lên chỗ nước nóng gây bỏng nặng từ mông xuống 2 bàn chân.

Phụ huynh bệnh nhi D.Đ. (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) phải xin nghỉ việc nhiều ngày tại công ty để chăm sóc con bị gãy tay tại bệnh viện.
Phụ huynh bệnh nhi D.Đ. (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) phải xin nghỉ việc nhiều ngày tại công ty để chăm sóc con bị gãy tay tại bệnh viện.

Bác sĩ  Nguyễn Văn Toàn cho biết hè là dịp trẻ được nghỉ học ở trường nên có nhiều thời gian vui chơi tại nhà. Tuy nhiên, do cha mẹ bận đi làm nên nhiều trẻ không được trông nom cẩn thận. Trong tháng 6 vừa qua, tại Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng tiếp nhận rất nhiều ca bệnh, đặc biệt từ các huyện chuyển lên do bị tai nạn giao thông, chấn thương đầu, té cầu thang, té võng…

Những trường hợp bệnh nặng như bệnh nhi M.Q., ngoài chi phí điều trị khá lớn (khoảng vài chục triệu đồng), tiên lượng sẽ để lại những di chứng não về sau, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Trong khi đó, bệnh nhi này không có thẻ bảo hiểm y tế, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

Để phòng tránh những tai nạn thương tích đáng tiếc có thể xảy ra, người lớn cần chú ý cất những bình nước nóng xa tầm tay trẻ; chú ý các công trình xây dựng có kính vỡ có thể gây nhiều tổn thương mạch máu nếu trẻ đụng phải. Phụ huynh cần nhắc nhở trẻ tránh xa ao, hồ; che chắn cầu thang trong nhà, phòng trọ để trẻ không leo lên; khi đi ra ngoài đường, nếu không thật sự cần thiết thì hạn chế cho trẻ đi theo hoặc đội mũ bảo hiểm cẩn thận cho trẻ khi ngồi trên xe máy.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,137,142       19/1,161