Xã hội

Nhân Ngày Dân số thế giới 11-7: Để phát triển bền vững

Ở ấp Phú Kiên (xã Phú Bình, huyện Tân Phú), ai cũng cám cảnh trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Ka Liên - một gia đình có đến 7 đứa con nheo nhóc, luôn sống trong cảnh thiếu trước, hụt sau.

Ở ấp Phú Kiên (xã Phú Bình, huyện Tân Phú), ai cũng cám cảnh trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Ka Liên. Cuộc sống gia đình có đến 7 đứa con nheo nhóc nên luôn trong cảnh thiếu trước, hụt sau.

2 con của chị Bùi Thị Thanh và anh Trương Trọng Hòa (bên phải - phường Long Bình, TP.Biên Hòa) thường xuyên được cha mẹ cho đi học nâng cao các kỹ năng, tham gia các hoạt động sôi nổi. Ảnh: A.YÊN
2 con của chị Bùi Thị Thanh và anh Trương Trọng Hòa (bên phải - phường Long Bình, TP.Biên Hòa) thường xuyên được cha mẹ cho đi học nâng cao các kỹ năng, tham gia các hoạt động sôi nổi. Ảnh: A.YÊN

Ngoài gia đình chị Ka Liên, nhiều gia đình khác ở ấp Phú Kiên cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự vì sinh quá 2 con.

* Những mảng đối lập

Chị Ka Liên cho biết mình lấy chồng từ khi còn rất trẻ. Do không được học hành gì nên chị không có kiến thức về kế hoạch hóa gia đình, không biết cách tránh thai hiệu quả. Mặt khác, với quan niệm phải có con trai nên 2 vợ chồng “cố nặn” cho được một đứa.

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết: “Việt Nam hiện đã vượt con số 93 triệu dân. Mục tiêu của Đảng, Nhà nước đến năm 2025 sẽ ổn định ở mức 104 triệu dân. Để đạt được mục tiêu này, mỗi cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ phải có trách nhiệm với đất nước, chỉ nên có từ 1-2 con để đảm bảo điều kiện nuôi dạy cho tốt, tránh trường hợp những đứa trẻ sinh từ thứ 3 trở đi phải chịu thiệt thòi về mặt vật chất cũng như sự chăm sóc của gia đình, xã hội”.

Không có nghề nghiệp, cả 2 vợ chồng chị Ka Liên chỉ trông chờ vào mấy đồng công làm mướn nên không đủ ăn, thường xuyên phải đi vay nợ. Căn nhà cấp 4 gần 10 người đang ở cũng là nhà được cấp theo Chương trình 134 của Chính phủ (chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn). Các con chị không được học hành đến nơi đến chốn, không có điều kiện để phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Trong khi đó, gia đình chị Bùi Thị Thanh và anh Trương Trọng Hòa (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. 2 cậu con trai 10 tuổi và 14 tuổi được cha mẹ đầu tư cho phát triển.

“Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, tôi luôn dành thời gian để chăm sóc, vui chơi, làm bạn với con. Ngoài việc cho các con học tiếng Anh, tin học, vợ chồng tôi cũng chú trọng cho các con tham gia chơi các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe như: bơi, đá banh, đánh cờ, tham gia các hoạt động dã ngoại” - chị Thanh bộc bạch.

Còn anh Hòa chia sẻ, mặc dù rất muốn có thêm một cô con gái nhưng cả 2 vợ chồng thống nhất không sinh thêm để ổn định kinh tế gia đình, dồn lực để chăm lo cho 2 cậu con trai một cách tốt nhất có thể.

* Thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình

Chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm nay là Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Kim Tuyến, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Đồng Nai, cho biết thực hiện chương trình cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí, trong 6 tháng đầu năm 2018, chi cục đã cấp 4,5 ngàn vòng tránh thai, 1,8 ngàn lọ thuốc tiêm, 40 que cấy và 55 ngàn bao cao su cho người dân trong tỉnh.

Bên cạnh đó, chi cục tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình. Kết quả, có gần 198 ngàn người thực hiện các biện pháp tránh thai. Số trẻ được sinh ra hơn 18,7 ngàn trẻ, giảm 718 trẻ so với cùng kỳ năm 2017.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các buổi nói chuyện về giới tính khi sinh tại cộng đồng; xây dựng và duy trì câu lạc bộ không sinh con thứ 3, câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển; tổ chức hội nghị biểu dương gia đình sinh con một bề là gái nhưng không sinh con thứ 3, sống tốt, học giỏi” - bà Tuyến cho hay.

Hiện tỷ lệ thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình hiện đại trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này đạt 77,9%. Số cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên còn 5,4%, thuộc nhóm thấp trong cả nước. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%. Số con trung bình của mỗi cặp vợ chồng là 1,67 con, dưới mức sinh thay thế (2 con).

Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cũng cảnh báo xu thế đang diễn ra là nhiều gia đình muốn sinh thêm con thứ 3 khi kinh tế đã ổn định, phát triển, đặc biệt là những gia đình có 2 con “một bề”. Mặt khác, sang năm 2019 là năm “heo vàng” nên dự báo tỷ lệ sinh có thể tăng lên so với năm 2018. Do vậy, ngành y tế khuyến khích những cặp vợ chồng chưa sinh đủ 2 con nên sinh đủ 2 con.

Những cặp vợ chồng đã có 2 con nên tự giác thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo số con trung bình của các cặp vợ chồng theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nếu không thay đổi tư tưởng và nhận thức, phải có bằng được con trai thì trong tương lai sẽ dẫn đến thừa nam thiếu nữ, mang lại những hệ lụy không tốt cho xã hội, đặc biệt liên quan đến an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, nòi giống.

Để nâng cao chất lượng dân số, phải chăm sóc tốt sức khỏe bà mẹ trước, trong, sau sinh; tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi đầy đủ các loại vaccine phòng chống bệnh; quan tâm chế độ dinh dưỡng và các yếu tố liên quan đến vấn đề vệ sinh; góp phần phát triển thể chất cho trẻ, phát triển kinh tế gia đình để phát triển bền vững, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, đất nước giàu mạnh, văn minh.

An Yên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,137,147       16/1,161