Xã hội

Chủ động phòng chống dịch bệnh

So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn tỉnh năm nay đều giảm, không ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh cúm A (H1N1/H5N1/H7N9), bệnh tả, bạch hầu.

 Cán bộ y tế hướng dẫn người dân đổ bỏ nước trong các vật đựng nước là điều kiện cho muỗi sinh sản tại KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa).
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân đổ bỏ nước trong các vật đựng nước là điều kiện cho muỗi sinh sản tại KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa).

Những địa phương thực hiện tốt công tác phòng dịch là TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Tân Phú.

* Phun thuốc diệt muỗi khi có nguy cơ cao

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn cho biết, đề phòng dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng có thể bùng phát, ngay từ đầu năm trung tâm đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tuyên truyền cho người dân. Việc cấp tờ rơi, treo băng-rôn, đến tận các khu nhà trọ để tuyên truyền… góp phần nâng cao nhận thức của người dân.

Ngoài ra, huyện Long Thành còn phối hợp với Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh tiến hành giám sát sớm sốt xuất huyết, Zika, có ca nào sẽ xử lý ngay ca đó, không để lây lan. Các xã, thị trấn cùng ra quân diệt lăng quăng (bọ gậy), đo chỉ số muỗi ở những xã có nguy cơ cao. Khi nhận thấy chỉ số muỗi cao, huyện chủ động tiến hành phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng ngay chứ không cần chờ đến khi có ca bệnh xuất hiện mới tiến hành phun thuốc.

Đặc biệt, ngành y tế huyện Long Thành cũng như các địa phương khác trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT huyện tổ chức tuyên truyền trong trường học, cấp phiếu khảo sát cho học sinh. Chính quyền địa phương cũng ký cam kết với các hộ gia đình cùng nhau tham gia phòng chống dịch bệnh. “Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức giám sát điểm ở thị trấn Long Thành, đặt bẫy muỗi để diệt muỗi, hạn chế tình trạng muỗi sinh sản, gây bệnh” - bác sĩ Văn cho hay.

Ngành y tế huyện Trảng Bom cũng xác định tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh nên có nhiều biện pháp để phòng trừ. Theo bác sĩ CKI Nguyễn Hồng Tảo, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, do đặc điểm trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp kéo theo đó là hàng loạt nhà trẻ, trường học nên huyện đã tiến hành chiến dịch diệt lăng quăng, thanh khuẩn môi trường cho các trường học, nhóm trẻ công lập và tư thục; tuyên truyền để học sinh tham gia diệt lăng quăng tại nhà, đổ bỏ những chum vại, vật dụng chứa nước có thể phát sinh lăng quăng. Với những xã trọng điểm thường có số ca mắc bệnh cao và phức tạp như: Hố Nai 3, Bắc Sơn, Bình Minh và thị trấn Trảng Bom đều có đội ngũ cộng tác viên y tế hoạt động thường xuyên. Các trạm y tế cũng kịp thời kiểm soát những ổ dịch nhỏ, chủ động dập dịch ngay khi mới có dấu hiệu. Nhờ đó, số ca mắc sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em được nuôi dạy trong các nhà, nhóm trẻ tư thục dành cho con công nhân lao động giảm đi rõ rệt.

* Kiểm soát tốt hơn dịch bệnh

Công tác y tế dự phòng những tháng đầu năm đã được ngành y tế chủ động, phối hợp tốt. Tuy nhiên, để kiểm soát được dịch bệnh thì các đơn vị liên quan cần nỗ lực hơn nữa, nhất là phải nâng cao được nhận thức để người dân tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh cho chính mình, người thân và cộng đồng.

Thăm khám cho trẻ đến tiêm chủng tại Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam tại phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa).
Thăm khám cho trẻ đến tiêm chủng tại Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam tại phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa).

Đặc biệt, một số địa phương như TP.Biên Hòa, các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu là những nơi tập trung đông công nhân lao động sinh sống trong các khu nhà trọ. Môi trường sinh hoạt ẩm thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Ngoài ra, hiện nay thời tiết thay đổi thất thường như mưa trái mùa, nắng nóng kéo dài cũng là môi trường để các bệnh truyền nhiễm phát triển, gây khó khăn cho công tác dự báo và xử lý dịch. Do vậy, công tác phòng chống dịch không được lơ là, chủ quan.

Công tác tiêm chủng mở rộng cũng được ngành y tế quan tâm. Hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vaccine được thường xuyên theo dõi, bảo trì, bổ sung thay thế, cung ứng vaccine, vật tư tiêm chủng đầy đủ, kịp thời.

“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong những tháng cuối năm là đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là những dịch thường xảy ra trong mùa mưa như: sốt xuất huyết, Zika, sốt rét, tiêu chảy, cúm A. Do vậy, công tác giám sát, phát hiện, xử lý các ổ dịch… sẽ được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa” - Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải nhấn mạnh.

Ngày 28-7, Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) tổ chức khai trương Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC tại phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa). Đây là đơn vị đầu tiên thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực dự phòng tại Đồng Nai.

Trung tâm có 50 phòng khám, tiêm; khu vực chờ tiêm, phòng chức năng dành cho mẹ và bé sơ sinh, khu vui chơi, bãi đậu xe… với tổng diện tích 4,5 ngàn m2, ước tính có thể phục vụ từ 1,5-2 ngàn người/ngày.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc hệ thống VNVC cho biết đây là trung tâm tiêm chủng vaccine thứ 5 của hệ thống trên cả nước. Trung tâm cung cấp đầy đủ các loại vaccine cho trẻ em và người lớn, kể cả những vaccine khan hiếm trên thị trường như: vaccine 5 trong 1 Pentaxim, vaccine 6 trong 1 Infanrix Hexa, Hexaxim, vaccine ngừa phế cầu, khuẩn Synflorix, vaccine ngừa viêm gan A, phòng cúm, bệnh dại. Khách hàng của trung tâm được cấp miễn phí một mã số định danh. Dựa vào mã số này, trung tâm sẽ nhắc lịch tiêm tự động, thông báo tình hình dịch bệnh đến khách hàng.

Trung tâm tiêm chủng vaccine VNVC làm việc vào tất cả các ngày trong tuần. Người dân có thể đặt lịch tiêm chủng qua Tổng đài 18006595 hoặc đăng ký tại website:http://baodongnai.com.vn/https://vnvc.vn/

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,134,033       4/955