Xã hội

Người gieo chữ nơi làng bè

17 tuổi, Trần Thị Thúy mới được biết đến con chữ, biết cách cầm bút để đồ từng nét chữ trên cuốn vở tập viết lớp 1. Có được điều này là nhờ vào lớp học tình thương do đại đức Thích Chơn Nguyên, trụ trì đạo tràng Liên Sơn (ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) lập nên ngay trên làng bè tổ 13.

Đại đức Thích Chơn Nguyên dạy học cho các em ở khu làng bè tổ 13 (ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán).
Đại đức Thích Chơn Nguyên dạy học cho các em ở khu làng bè tổ 13 (ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán).

Lớp học đã đem kiến thức không chỉ cho 30 trẻ em không được đến trường mà còn có 10 người ở độ tuổi 50-60 chưa từng biết chữ ở làng bè có 34 hộ dân này.

* Gian nan lập lớp

Nói về lớp học nơi làng bè do đại đức Thích Chơn Nguyên thực hiện, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Ngô Văn Sơn cho hay: “Lớp học đã giúp cho việc học tập của các em nơi làng bè ở địa phương được thuận lợi hơn rất nhiều”.

Vừa cầm tay gò chữ cho học sinh mới nhất của lớp là Nguyễn Văn Nhóc (14 tuổi), đại đức Thích Chơn Nguyên vừa cho hay, lớp học được lập hơn 1 năm nay. Những ngày mới lập lớp khó khăn đủ điều, nhất là những đứa trẻ thấy học chữ nhọc nhằn đã trốn ở nhà không chịu đến lớp, nhưng giờ thì tất cả đã ổn định.

Theo đại đức Thích Chơn Nguyên, một lần đi tìm hiểu hoàn cảnh của bà con làng bè, ông biết được làng bè có nhiều em ở độ tuổi khác nhau do điều kiện khó khăn, không có giấy tờ tùy thân nên chưa được đến trường để biết chữ. Từ đó, ông quyết tâm mở lớp dạy cho các em bằng nguồn tiền làm vườn của mình và vận động các mạnh thường quân. Ban đầu, lớp được dạy nhờ trên nhà bè một hộ dân với 5 em. Rồi nhiều em muốn học quá nên lớp lên đến 30 em.

Ông Nguyễn Văn Thêm (51 tuổi), Tổ trưởng tổ 13 cho hay: “Khi lớp học đông hơn, đại đức Thích Chơn Nguyên tìm mua 1 nhà bè cũ có diện tích rộng với giá 65 triệu đồng. Đại đức Thích Chơn Nguyên bỏ tiền, bà con làng bè xúm vô giúp sức gia cố, trang trí thêm cho nhà bè rộng, gọn gàng”. Khi đã có nơi cố định để duy trì lớp học, đại đức Thích Chơn Nguyên mở rộng lớp cho những người lớn tuổi. Riêng mấy em nhỏ còn được lo ăn uống 2 bữa trưa và chiều. Em Trần Thị Cầm (8 tuổi) cho hay: “Được thầy Thích Chơn Nguyên dạy học chữ nên con vui vì có thể cầm truyện tranh đọc, chứ khi trước con toàn nhìn hình”.

* Kết nối mọi người

Không chỉ dạy chữ, dạy hát cho trẻ em làng bè, đại đức Thích Chơn Nguyên còn chỉ cho các em nhiều kỹ năng sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh. Trong đó, đáng chú ý nhất là tập cho các em không nói tục và giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn ở sạch sẽ. Đại đức Thích Chơn Nguyên kể: “Những ngày đầu đi học mấy đứa nhỏ rất hay nói tục. Vì vậy, tôi đề ra nội quy, mỗi lần có em nào nói tục, tôi phạt đứng tại chỗ. Những lúc mấy đứa nhỏ ngủ trưa, tôi nhờ người trông coi giùm lớp để chèo xuồng tới từng nhà bè nói với cha mẹ các em không dùng từ ngữ tục để nói chuyện khi có mặt con trẻ. Đến bây giờ không còn em nào nói tục nữa mà cha mẹ các em cũng giảm hẳn”.

Theo bà Nguyễn Thị Nga (60 tuổi) có cháu học trong lớp của đại đức Thích Chơn Nguyên, nhờ đại đức hướng dẫn mà cháu bà ăn ở vệ sinh. Mỗi ngày 3 lần trong lớp đại đức Thích Chơn Nguyên đều bắt buộc mấy đứa nhỏ đánh răng. Bàn chải, kem đánh răng đại đức Thích Chơn Nguyên chuẩn bị sẵn trên bè. Đại đức cũng không cho mấy đứa nhỏ quăng rác xuống hồ mà bỏ vào nơi cố định để đem lên bờ xử lý. Về nhà, mấy đứa nhỏ còn hướng dẫn lại cho ông bà, cha mẹ.

Cũng từ khi có nhà bè do đại đức Thích Chơn Nguyên mua mà cả làng bè mới có nơi sinh hoạt, vui chơi chung với nhau. “Chìa khóa “nhà” đại đức Thích Chơn Nguyên giao lại cho tôi giữ. Vì nhà bè này có diện tích lớn nhất nên mỗi tối mọi người từ bè nhà mình tập trung qua đây coi tivi, nói chuyện. Mấy đứa nhỏ chạy nhảy, ca hát với nhau thoải mái” - ông Nguyễn Văn Thêm cho biết.               

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,123,204       8/821