Xã hội

Bệnh liên quan đến tiêu hóa thường gặp

Chế độ ăn uống thất thường, chưa đảm bảo vệ sinh cộng với, sinh hoạt chưa khoa học là những tác nhân gây nên nhiều bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

 Bác sĩ khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang thăm khám cho một bệnh nhân bị bệnh liên quan đến tiêu hóa.
Bác sĩ khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đang thăm khám cho một bệnh nhân bị bệnh liên quan đến tiêu hóa.

Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh tiêu hóa. Dưới đây là chia sẻ của bác sĩ Đinh Cao Minh, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện đa khoa Đồng Nai về những bệnh liên quan đến đường tiêu hóa thường gặp; cách chữa trị cũng như phòng bệnh.

* Ngộ độc thức ăn

Người bị ngộ độc thức ăn sẽ có những biểu hiện ngay sau khi ăn thức ăn hoặc từ 3-6 giờ sau đó như: chóng mặt, hoa mắt, đau bụng từng cơn, ói mửa, tiêu chảy. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thức ăn là do ăn phải thức ăn bị cũ, ôi thiu, bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng.

Có 2 dạng ngộ độc thức ăn, do độc chất (sẽ biểu hiện sớm) hoặc do vi trùng, vi khuẩn (khoảng 6-12 giờ sau ăn sẽ bị sốt, tiêu lỏng nhiều lần/ngày, đi tiêu có đàm, ra máu, ói nhiều lần). Nếu bị tiêu lỏng quá nhiều lần, người bệnh dễ bị biến chứng do mất nước điện giải dẫn đến trụy tim mạch, huyết áp tụt.

Những người dễ bị ngộ độc thức ăn nhất là người có tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng, ăn thức ăn cay nóng gây đau vùng trên rốn, ợ nóng, ợ chua; những người có tiền căn viêm tụy, ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ, đạm; những người bị xơ gan, ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn gây ói nhiều, ói ra máu.

* Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Những năm 1970-1980, bệnh trào ngược dạ dày thực quản xuất hiện nhiều ở các nước phương Tây do thói quen ăn bơ sữa, chất béo nhiều. Tuy nhiên những năm gần đây, bệnh này xuất hiện nhiều ở khu vực châu Á và đang có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân do người dân ăn nhiều dầu mỡ, có thói quen ăn cay, uống nước có ga; ăn xong thì nằm ngủ/làm việc liền; uống nhiều rượu bia.

Triệu chứng của bệnh: đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, đau vùng trên rốn, trong đó ợ nóng và ợ chua là 2 triệu chứng điển hình của bệnh. Ngoài ra, còn có một nhóm triệu chứng khác xuất hiện ở ngoài thực quản như: nuốt vướng, nghẹn, ho kéo dài, tức ngực, khó thở.

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường sẽ hỏi bệnh kỹ để dự đoán bệnh. Sau đó sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế axit trong vòng 2 tuần. Nếu triệu chứng bệnh giảm thì không cần nội soi, bởi nội soi chỉ phát hiện được khoảng 50% tổn thương ở thực quản. Chỉ tiến hành nội soi khi bệnh nhân có những triệu chứng báo động như: ói ra máu, đi cầu ra máu, sụt cân bất thường, thiếu máu…

Điều trị bằng cách: ăn uống đúng giờ, ăn không quá no, ăn xong không nằm xuống ngay, giảm bớt đồ ăn chứa nhiều bơ sữa, thức ăn chua, hạn chế rượu bia. Người béo phì nên tăng cường vận động để giảm cân, không mặc quần quá chật, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Với những bệnh nhân phải sử dụng thuốc kéo dài thì ban đêm nên nằm đầu cao hoặc nghiêng về một bên để hạn chế bị trào ngược dạ dày.

* Bệnh trĩ

Bệnh trĩ là bệnh được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ ở mô xung quanh hậu môn. Có 2 loại trĩ là trĩ nội và trĩ ngoại. Trĩ nội gây chảy máu nhưng không đau. Trĩ ngoại gây đau nhưng thường không gây chảy máu nhiều như trĩ nội.

Những người mắc bệnh trĩ thường có tính chất gia đình, do thói quen ăn uống ít chất xơ, uống không đủ nước nên bị táo bón kéo dài, những người làm những công việc phải ngồi nhiều như: tài xế, công nhân, bác sĩ ngoại khoa, phụ nữ sau sinh, người bị nhiễm trùng hậu môn. 

Khi bị bệnh trĩ, bệnh nhân thường thấy đau trực tràng, chảy máu trực tràng, đầy trực tràng, táo bón, sa búi trĩ, chảy máu hậu môn, chảy máu khi đại tiện.

Trong số các nguyên nhân gây bệnh thì táo bón lâu ngày rất dễ dẫn đến bệnh trĩ. Bệnh táo bón ngày càng trẻ hóa do người dân không có thói quen đi cầu đúng giờ. Do đó, có khi người bệnh muốn đi cầu vào những thời điểm như đang trong giờ làm việc, đang đi trên đường… sẽ có tâm lý nhịn, nín đi cầu. Đến khi qua cơn thì lại không muốn đi cầu nữa. Lúc này, việc gắng sức khi rặn để tống phân ra có thể tạo sức ép lên các tĩnh mạch bị giãn và dẫn đến trĩ.

Phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ bằng cách tập thói quen đi cầu đúng giờ, tốt nhất là vào sáng sớm sau khi ngủ dậy và trước khi đi học, đi làm. Tạo thói quen ăn nhiều rau củ quả, uống đủ nước, tăng cường vận động. Đặc biệt, ngoài bệnh trĩ thì những người bị táo bón thường xuyên sẽ dễ bị ung thư đại tràng, trực tràng. Táo bón lâu ngày dễ dẫn đến bị rách ruột, rách hậu môn.

* Bệnh viêm đại tràng

Bệnh có các biểu hiện như đau bụng, đi ngoài phân nát, lỏng, có khi xen kẽ táo bón và tiêu lỏng, phân có thể có nhầy máu hoặc không; mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng.

Những nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm đại tràng: căng thẳng do stress, uống nhiều rượu bia, ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn.

Bệnh diễn tiến một cách âm thầm nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bệnh nhân sẽ dễ bỏ qua những triệu chứng ban đầu như: đầy bụng, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy. Nhưng càng về sau, khi những tổn thương ở niêm mạc đại tràng nghiêm trọng hơn thì các triệu chứng này sẽ trở nên rõ rệt, dai dẳng và thường xuyên tái phát khiến cho người bệnh mệt mỏi, ăn uống kém, giấc ngủ không ổn định… Tình trạng này kéo dài sẽ làm cho cơ thể người bệnh gầy sút, sức khỏe suy kiệt, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Chữa trị bằng cách tiến hành nội soi, xét nghiệm nếu có tế bào viêm, máu trong phân. Điều trị bằng thuốc, ổn định tâm lý, tránh căng thẳng, stress.

* Viêm loét dạ dày

Có 2 nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày là do vi khuẩn HP và do những nguyên nhân khác như: thuốc, rượu bia.

Điều trị bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh nếu do vi khuẩn HP gây ra. Nếu do nguyên nhân khác như stress thì tìm cách thư giãn. Có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên cứ đến ngày thi cử bị căng thẳng dẫn đến bị loét dạ dày.

Người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý, chú ý ăn chín uống sôi, nhai kỹ thức ăn, có chế độ sinh hoạt khoa học, hạn chế thuốc lá, rượu bia, chất kích thích.

Trước thực trạng các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, ruột, dạ dày ngày càng nhiều, bác sĩ Đinh Cao Minh đề xuất cần có một hệ thống nguồn cung cấp thức ăn sạch cho người dân. Bên cạnh đó, để phòng bệnh, người dân cần ăn chín, uống sôi, thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế đồ cay, nóng, thức uống có ga, có cồn. Khi bị bệnh thì không tự ý dùng thuốc mà phải đi khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ có chuyên môn. Người dân cũng nên thường xuyên tập thể dục, thể thao, ăn nghỉ đúng giờ. Đặc biệt nên “sống chậm” hơn để hệ tiêu hóa không bị quá tải.

Hạnh Dung (ghi)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,116,903       1/945