Xã hội

Chữa trị nhiều ca bệnh khó

Thời gian qua, Bệnh viện quân y 7B (TP.Biên Hòa) đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng và rất khó… nói.

Thời gian qua, Bệnh viện quân y 7B (TP.Biên Hòa) đã tiếp nhận và điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng và rất khó… nói.

Bác sĩ Đinh Sỹ Hòa thăm khám cho bệnh nhân N.V.P. Ảnh: H.DUNG
Bác sĩ Đinh Sỹ Hòa thăm khám cho bệnh nhân N.V.P. Ảnh: H.DUNG

Bác sĩ Đinh Sỹ Hòa, Trưởng khoa Ngoại chung Bệnh viện quân y 7B cho biết, nhờ sự “hợp đồng
tác chiến” giữa các khoa trong bệnh viện mà việc chẩn đoán, điều trị bệnh cho bệnh nhân diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả cao.

* Những ca bệnh nguy hiểm

Sau gần 1 tháng cấp cứu, điều trị tại bệnh viện, cuối tháng 9 vừa qua, bệnh nhân T.V.C. (35 tuổi, ngụ xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đã được xuất viện, có thể đi lại bình thường và sức khỏe tương đối ổn định.

Anh C. là thợ cưa, trong quá trình đưa gỗ vào máy cưa, do thao tác sai kỹ thuật nên bị cây gỗ đâm mạnh vào bụng. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bụng cứng, da, niêm mạc nhợt do mất máu. Các bác sĩ cho bệnh nhân chụp X-quang, chụp CT và tiến hành nội soi ổ bụng thì phát hiện dạ dày bệnh nhân bị vỡ cả 2 bên với mức độ rất nặng. Kèm theo đó là dịch ruột tiêu hóa, bã thức ăn, máu chảy nhiều trong ổ bụng nhiều khiến không thể mổ nội soi. Các bác sĩ quyết định tiến hành mổ hở cấp cứu, khâu vết thương vỡ, rửa ổ bụng, đặt ống dẫn lưu… Sau 2 giờ, ca mổ đã thành công. Do vết thương quá nặng nên bệnh nhân C. được theo dõi hậu phẫu tại bệnh viện trong thời gian dài. Ngày anh C. xuất viện, bác sĩ Hòa dặn dò anh C. nên ăn thức ăn lỏng, nhiều bữa để dạ dày thích ứng dần, đồng thời giữ liên lạc với bác sĩ để được tư vấn, tái khám.

Trước đó, các bác sĩ cũng đã cấp cứu kịp thời một trường hợp bệnh nhân nữ bị vỡ thai ngoài tử cung. Bệnh nhân 39 tuổi bị đau dữ dội vùng bụng bên phải, nhập viện trong tình trạng da, niêm mạc nhợt, vã mồ hôi, huyết áp tụt, chướng bụng, đi không vững.

Các bác sĩ đã tiến hành nội soi kiểm tra tổn thương bên trong và phát hiện bệnh nhân bị chảy khoảng 2 lít máu, túi thai làm tổ ở eo vòi tử cung bị vỡ. Đây là vị trí rất khó để xử trí trong chuyên môn.

Bác sĩ quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân, tiến hành nội soi, hút bớt máu tụ, kẹp, đốt bằng dao điện, thắt chỉ ở túi thai, khâu vết thương khống chế chảy máu, hút hết máu tụ tràn từ trước, lau rửa ổ bụng bằng nước muối ấm, dẫn lưu túi thai và truyền 4 đơn vị máu. Đến nay, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe.

Qua trường hợp này, bác sĩ Hòa khuyên phụ nữ cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe sinh sản. Nếu gia đình nào đã sinh đủ con thì nên sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp.

Một ca bệnh cũng rất nguy hiểm khác là trường hợp bệnh nhân H., 18 tuổi bị đau bụng 3 ngày. Vì lầm tưởng bị viêm dạ dày nên bệnh nhân ráng chịu đau, không đi khám bệnh. Đến khi đi khám ở một phòng khám tư, được bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, cho thuốc về uống nhưng sau đó vẫn tiếp tục bị đau, kèm sốt, nôn, tiêu chảy.

Nhập viện Bệnh viện quân y 7B cấp cứu, các bác sĩ tiến hành nội soi thì phát hiện ruột thừa của bệnh nhân H. đã bị hoại tử, chuyển màu đen, quai ruột, mạc nối bao bọc chỗ ruột thừa viêm thành một khối. Sau 2 giờ tiến hành phẫu thuật, cắt khâu chỗ ruột thừa bị hoại tử, bệnh nhân qua cơn nguy hiểm. Trường hợp này nếu không xử lý kịp thời, chỗ ruột thừa bị mưng mủ sẽ vỡ tràn đầy trong bụng gây viêm phúc mạc, điều trị rất phức tạp, dễ để lại di chứng gây tắc ruột.

* Tự nhét ống chỉ vào hậu môn

Mới đây nhất, Khoa Ngoại chung Bệnh viện quân y 7B tiếp nhận một trường hợp rất đặc biệt. Bệnh nhân N.V.P. (59 tuổi, ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa, bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ) bị đau vùng trên rốn, nghi bị viêm dạ dày. Sau khi nội soi, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có bị viêm loét dạ dày, dương tính với khuẩn HP. Sau vài ngày điều trị bệnh dạ dày, bệnh nhân vẫn thấy đau nên bác sĩ tiến hành chụp CT và phát hiện trong trực tràng hậu môn của bệnh nhân có một dị vật dài khoảng 15cm, ngang 3,5cm, cách rìa hậu môn khoảng 4cm.

Xác định dị vật này là nguyên nhân khiến bệnh nhân đau liên tục, các bác sĩ ngay lập tức đưa bệnh nhân lên phòng mổ gây tê tủy sống để gắp dị vật ra ngoài. Tuy nhiên, quá trình lấy dị vật khá khó vì đó là một ống chỉ làm từ vật liệu bìa carton cứng chứ không phải nhựa. Do bị bệnh nhân nhét vào bên trong hậu môn nhiều ngày trước đó nên bị ẩm, niêm mạc và cơ hậu môn cũng co thắt, ôm kín dị vật. Miệng của ống chỉ tương đối mỏng và bị mủn nên nếu gắp ra theo kiểu bình thường sẽ khiến ống chỉ bị vỡ vụn. Bác sĩ Hòa đã phải rất cẩn thận, khéo léo lấy dị vật ra ngoài mà không làm rách niêm mạc hậu môn của bệnh nhân và dị vật cũng không bị bể nát.

Bác sĩ Đinh Sỹ Hòa cho biết bệnh nhân bị thiểu năng trí tuệ, không làm chủ được hành vi nên đã nhét dị vật vào hậu môn lâu ngày mà không nhớ. Chỉ đến khi đau nhiều, không đi đại tiện được mới nói cho người nhà và nhập viện. Người nhà cũng không biết được bệnh nhân nhét ống chỉ vào hậu môn, chỉ nghĩ là bị đau dạ dày nên lúc đầu bệnh viện chỉ điều trị dạ dày. Rất may sau khi chụp CT, chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện được dị vật và kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân.

Việc dị vật bị tụt vào bên trong hậu môn nếu để lâu sẽ gây tổn thương niêm mạc hậu môn, gây tắc ruột do phân ứ đọng bên trong, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,115,825       1/935