Xã hội

Hãy cứ nhớ rằng, tôi chỉ là bác sĩ René

Trong nhiều năm qua, giáo sư, bác sĩ người Pháp gốc Việt René D.Esser, một chuyên gia có tiếng về chấn thương chỉnh hình ở Pháp và Mỹ đã tự bỏ tiền túi về Việt Nam để phẫu thuật miễn phí hàng ngàn ca bệnh khó, phức tạp về xương khớp.

Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh ở Việt Nam được ông gắn bó, chuyển giao kỹ thuật về phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Tại đây, ông đã phẫu thuật, đem lại cuộc sống bình thường cho rất nhiều bệnh nhân ở địa phương và các khu vực lân cận. Nhiều bệnh nhân biết ơn và gọi ông là “thánh sống”, nhưng ông chỉ muốn mọi người nhớ về mình như một bác sĩ bình thường như bao người khác.

* “Trở về Việt Nam là tâm nguyện của đời tôi”

* Thưa giáo sư, trong những năm qua, ông đã tự bỏ tiền túi để bay từ Pháp về Việt Nam khám, chữa bệnh cho người nghèo, đặc biệt là những ca bệnh phức tạp. Điều gì đã thôi thúc ông làm như vậy?

- Hầu hết các bệnh nhân của tôi đều nghèo. Họ đã được mổ nhiều lần trước đó nhưng không giải quyết được tình trạng bệnh tật. Tôi thấy mình cần phải làm điều gì đó cho họ nên việc bỏ tiền túi để đi lại giữa Pháp và Việt Nam đối với tôi không có gì to tát cả.

Đặc biệt, tôi là con thứ 4 trong một gia đình có 11 người con, bố mẹ tôi đều là người Việt. Dù gia đình sang định cư ở Pháp từ khi tôi mới 1 tháng tuổi nhưng trong nhà tôi vẫn nói tiếng Việt và sinh hoạt theo phong cách của người Việt. Do đó, tình cảm của tôi dành cho quê hương rất lớn. Từ khi còn đi học, tôi đã có ước mong trở thành bác sĩ để sau này được trở về Việt Nam chữa bệnh cho người dân quê hương.

Sau khi tốt nghiệp trường y ở Pháp, tôi đã làm việc ở rất nhiều nơi trên thế giới để tích lũy, học hỏi kinh nghiệm từ những nơi nghèo khó, vắng người như quần đảo Samoa (ở Nam Thái Bình Dương) đến những nước có nền y học tiên tiến như: Mỹ, Đức... trước khi trở về Pháp làm việc. Đến năm 2007, tôi chính thức có cơ hội trở về Việt Nam để trực tiếp khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân nghèo.

* Trong hơn một thập kỷ về Việt Nam làm việc, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?

- Kỷ niệm của tôi chủ yếu gắn liền với bệnh nhân. Tôi nhớ mãi lần đến một ngôi làng ở Hải Phòng để thăm bệnh nhân Nguyễn Thanh Hà (hiện khoảng 33 tuổi) của mình sau vài năm phẫu thuật. Suốt 28 năm, trước khi gặp tôi, cô ấy đi đứng khập khiễng do di chứng của chất độc màu da cam. Nhiều lần đi khám, các bác sĩ đều từ chối phẫu thuật. 

Tôi còn nhớ, cả chân và tay của cô ấy đều bị khoèo, đau nhức không làm gì được. Sau khi khám, tôi quyết định mổ cho cô ấy lần đầu tiên ở TP.Hồ Chí Minh. Lần thứ 2, ca mổ diễn ra tại Hà Nội. Sau 2 lần mổ, cô ấy đã đi đứng nhanh nhẹn, hoạt bát. Hiện Thanh Hà đã trở thành chủ một tiệm cắt tóc tại Hải Phòng, dạy nghề miễn phí cho nhiều bạn trẻ khuyết tật. Đôi chân đã có thể đứng vững, đôi bàn tay co quắp ngày nào có thể thoăn thoắt từng nhát kéo làm đẹp cho mọi người. Điều đó làm tôi rất mừng.

* Ông đã phẫu thuật trả lại cuộc sống cho hàng ngàn bệnh nhân ở các nước nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Trong đó, có những ca bệnh khó mà các bệnh viện trong nước đã “bó tay”. Nhiều bệnh nhân không ngần ngại gọi ông là “thánh sống”. Cảm nhận của ông như thế nào khi bệnh nhân dành tình cảm cho ông như vậy?

- Tôi thấy hạnh phúc khi giúp được họ. Nhưng điều tôi làm không có gì cao siêu cả. Có những bệnh nhân tôi mổ hơn 10 năm vẫn còn liên hệ với tôi dù đã khỏi bệnh. Đó là niềm vui và động lực để tôi tiếp tục cống hiến. Xin đừng gọi tôi là “thánh sống” hay dùng những từ mỹ miều về tôi, hãy cứ nhớ đến tôi là bác sĩ René là tôi thấy vui rồi.

Tôi nhớ rất rõ tình trạng bệnh của từng người mà tôi chữa trị. Mỗi khi họ tái khám, họ không cần nói lại quá trình mắc bệnh vì tôi nhìn mặt là nhớ ra tôi đã mổ ở phần nào, mổ những gì. Có lẽ, khi thấy bác sĩ nhớ đến mình, họ sẽ an tâm hơn và tuân thủ điều trị hơn. Đây cũng là “bí kíp” giúp một bác sĩ thành công hơn trong công việc, cũng như giúp cho bệnh nhân tin tưởng vào bác sĩ và dễ dàng hợp tác hơn trong quá trình điều trị.

* Sẽ ở lại lâu dài để “truyền nghề”

 Ngoài công việc ra, ông còn có sở thích, niềm đam mê nào khác?

- Mỗi ngày tôi chỉ ngủ khoảng 3 tiếng. Ngoài công việc, tôi thích nấu ăn, chơi các môn thể thao như: tennis, judo... Tôi từng giành huy chương trong bộ môn judo ở Pháp đấy! Đặc biệt, tôi rất thích đọc sách và viết sách. Tôi gần như tôn thờ sách. Khi còn nhỏ, tôi mê đọc sách tới mức bố tôi phải la rầy vì cứ mải mê ôm sách đọc. Tôi đọc tất cả các thể loại sách. Tủ sách của tôi có đủ các loại với nhiều thứ tiếng khác nhau.

Rất nhiều học trò của tôi đến nhà tôi đọc sách thay vì đến thư viện. Riêng sách y khoa, trước khi mổ, tôi lấy sách đọc. Mổ xong rồi, tôi lại lấy phần đó ra đọc lại và tự so sánh. Cứ như vậy, tôi ngấm từng câu một. Do đó, nhiều cuốn sách tôi gần như thuộc lòng từ đầu đến cuối. Hơn thế nữa, để thỏa mãn đam mê đọc sách, tôi cũng tìm hiểu và sử dụng thành thạo 5 ngôn ngữ khác nhau.

* Ông sinh sống và làm việc ở nước ngoài từ nhỏ, vậy khi về Việt Nam, cảm nhận của ông về văn hóa và cuộc sống ở Việt Nam ra sao?

- Như đã nói ở trên, ngay từ khi nhỏ, tôi đã được giáo dục, thừa hường những giá trị truyền thống của quê hương. Bên cạnh đó, trước khi về Việt Nam, tôi cũng đã tìm hiểu rất kỹ nên tôi thấy không quá khó khăn để bắt nhịp với văn hóa, cuộc sống ở đây.

Phần lớn tâm huyết và thời gian tôi dành cho công việc. Ngoài giờ khám bệnh, tôi dành chủ yếu dành thời gian để đọc những cuốn sách yêu thích, tài liệu y khoa tại phòng nghỉ của bệnh viện nên thú thực là tôi cũng ít có điều kiện để trải nghiệm với cuộc sống xung quanh. Tuy nhiên, tôi vẫn có cho riêng mình “kho nhạc” với hàng ngàn bài hát có giai điệu bolero ưa thích để lắng nghe mỗi khi rảnh rỗi. Về ẩm thực, tôi thấy khá hợp khẩu vị với những món ăn thuần Việt, tôi rất thích các món được chế biến từ vịt.

* Được biết, trước đây, ông về Việt Nam 3-4 lần/năm trong thời gian ngắn. Nhưng từ đầu năm 2019, ông đã quyết định gắn bó, làm việc lâu dài tại Việt Nam. Do đâu ông lại quyết định như vậy?

- Trước đây, mỗi năm tôi chỉ về nước khoảng 4 lần, lịch khám và mổ lúc nào cũng kín từ sáng đến đêm khuya, nhưng lượng bệnh nhân cần mổ vẫn còn nhiều. Hơn nữa, những trường hợp tôi mổ xong phải nhờ các bác sĩ trẻ của Việt Nam tiếp tục theo dõi sau mổ cả thời gian rất dài.

Trên thực tế, nhiều bác sĩ chưa đủ kinh nghiệm để phát hiện và xử lý những bất thường của bệnh nhân sau hậu phẫu. Đối với tôi, việc phẫu thuật mới chỉ là “khởi đầu”. Còn muốn chữa trị cho bệnh nhân, bác sĩ phải theo sát tư vấn, hướng dẫn... cho đến khi họ khỏi bệnh. Do đó, mục đích của tôi ở lại Việt Nam chỉ để theo sát bệnh nhân của mình từ lúc khám đến khi phục hồi hoàn toàn.

* Ông có chia sẻ nào dành cho những bác sĩ trẻ ở Việt Nam?

- Tôi may mắn được lớn lên, học tập và làm việc ở một đất nước phát triển, có cơ hội đi học hỏi kinh nghiệm y khoa tiến bộ ở nhiều quốc gia trên thế giới nên tôi muốn chia sẻ kiến thức cũng như kinh nghiệm của mình đến các bác sĩ Việt Nam, góp phần giúp họ nâng cao tay nghề trong điều trị, nhất là đối với những ca bệnh khó.

Thời gian gần đây, tôi thường đăng lên trang Facebook cá nhân những ca bệnh mà tôi đã mổ tại Việt Nam từ vài năm trước cho đến nay. Các ca bệnh này thường là phức tạp, kỹ thuật mới và bệnh nhân đã hồi phục. Mục đích của tôi là để các bác sĩ trẻ thấy rằng, ngay tại Việt Nam vẫn có thể thực hiện chữa trị thành công nhiều ca bệnh khó. Bước đầu, tôi đã nhận được sự trao đổi khá sôi nổi của các bác sĩ trẻ. Qua đây, khi gặp các vấn đề hóc búa, họ có thể hỏi tôi. Tôi cũng mong sẽ “truyền nghề” cho những bác sĩ thực sự muốn học.

Tôi thấy rằng, các bác sĩ Việt Nam học rất giỏi nhưng để thực sự thành công, họ phải chịu khó đọc sách, phải chịu tìm hiểu, chịu khổ và phải quyết tâm đi đến cùng của sự việc. 

 Xin cảm ơn giáo sư!

Vợ là hậu phương quá tuyệt vời!

“Với việc tôi luôn phải di chuyển và sinh sống ở nhiều quốc gia khác nhau nên thời gian của tôi dành cho gia đình có nhiều xáo trộn. Lúc 2 con tôi còn nhỏ, tôi đi đâu thì cả gia đình đều đi cùng, kể cả ra vùng đảo xa xôi. Tôi nói được tiếng nước nào thì vợ con tôi cũng đều nói những tiếng nước đó. Đến khi các con tôi đi học, vợ tôi phải cố định ở nhà để chăm sóc và dạy dỗ chúng.

Vợ tôi vẫn thường bảo rằng tôi “điên” rồi!. Bà ấy nói gì thì nói, tôi vẫn phải thừa nhận rằng vợ tôi là người quá tuyệt vời, là hậu phương vững chắc để tôi có điều kiện hoàn thành các dự định, tâm nguyện của mình. Tôi thực sự biết ơn vợ mình!”.

Hải Quân (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,107,309       4/871