Xã hội

"Ngôi nhà" ấm áp của trẻ mồ côi

Từ lâu Trung tâm công tác xã hội tỉnh (thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội, đóng trên địa bàn phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) đã trở thành ngôi nhà chung của những trẻ mồ côi. Nơi đây không chỉ nuôi dưỡng, chăm sóc mà còn dạy dỗ các em nên người.

Bà Nguyễn Huỳnh Nhật Giang (trái), Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh vỗ về một trẻ mồ côi
Bà Nguyễn Huỳnh Nhật Giang (trái), Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh vỗ về một trẻ mồ côi

Dù không may phải sớm chịu cảnh bất hạnh mồ côi cha mẹ nhưng tất cả trẻ em ở Trung tâm công tác xã hội tỉnh đều lớn lên và trưởng thành nhờ tình yêu thương của thầy cô, bảo mẫu ở trung tâm, góp phần xoa dịu sự mất mát, thiệt thòi cho các em có cuộc sống tốt đẹp.

* Những “mầm non” không “cô đơn”

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm trẻ, bà Nguyễn Huỳnh Nhật Giang, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh vừa cho hay, trẻ em ở đây đều mang hoàn cảnh đặc biệt. Có em bị bỏ rơi tại bệnh viện khi đang còn đỏ hỏn; có em do cha mẹ tử vong vì tai nạn, không nơi nương tựa và cũng có em sống lang thang được đưa vào trung tâm nuôi dưỡng...

Trung tâm công tác xã hội tỉnh đang nuôi dưỡng hơn 350 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có hơn 230 người cao tuổi, người tâm thần, người khuyết tật; hơn 110 trẻ em mồ côi, khuyết tật không nơi nương tựa và 12 trẻ lang thang.

Tại khu nhà bếp thoáng mát, sạch sẽ, hơn 10 trẻ đang xúm xít vừa nô đùa vừa nhận những khay thức ăn nóng hổi, có ghi tên từng người đã được chuẩn bị sẵn từ nhà bếp. Các em vừa đi học bơi về nên đói bụng, ăn rất ngon miệng. Vừa ăn, T.T.H.A. (11 tuổi) liên tục nhường phần thức ăn qua cho em rồi động viên em ăn đi.

H.A. kể, cha mẹ của 2 em qua đời do tai nạn giao thông nên 2 em phải ở với bà ngoại. Cách đây vài năm, bà ngoại đã già yếu, không đủ khả năng nuôi nên đem cả hai gửi vào Trung tâm công tác xã hội tỉnh để được ăn học. Ban đầu, nhớ ngoại, nhớ nhà, 2 chị em cùng khóc đòi về.

 “Tháng nào lên thăm, bà ngoại cũng động viên em ở lại trong này sẽ được ăn học đàng hoàng và có tương lai tốt đẹp hơn nên em nghe theo. Lâu dần, khi nỗi nhớ nguôi ngoai, 2 chị em đã biết đùm bọc và nâng đỡ nhau trong học tập để đạt học sinh khá, giỏi” - H.A. bùi ngùi kể lại.

Bước vào khu học tập, chúng tôi nhìn thấy Đ.T.N.B. (16 tuổi) đang tập trung ôn bài để  ráng theo kịp bạn bè. Vì hoàn cảnh nên khi lên 10 tuổi, em mới bắt đầu học lớp 1.

 Nhớ về chuyện quá khứ, B. rơm rớm nước mắt kể lại, vì nghèo, B. chưa từng được đến trường. Mẹ chết, B. theo cha làm phụ hồ. Đến năm 10 tuổi, cha hay nhậu nhẹt nên B. chán nản bỏ nhà đi lang thang khắp nơi để tự kiếm sống. Sau đó, B. được đưa vào Trung tâm công tác xã hội tỉnh và được lo cho ăn học đàng hoàng.

“Ban đầu cháu rất xấu hổ vì mình là học sinh lớn tuổi nhất trong lớp nhưng được thầy cô, bạn bè động viên nên cháu không ngại nữa. Khi vào trung tâm, cháu không chỉ được cho ăn uống, học hành đàng hoàng mà còn được cùng các bạn, các em đi chơi du lịch, tham gia hoạt động thiết thực như: trồng cây, làm từ thiện trong dịp hè” - B. bày tỏ vui mừng.

Đi đến khu trồng cây vào mùa hè, bà Giang chỉ tay về phía em L.G.H. (14 tuổi) đang ngồi chăm sóc cây rồi nói, H. là trẻ mồ côi được đưa vào trung tâm khi chỉ mới 5 tuổi. Đến năm 2018, trong một lần làm sai sợ bị quở trách nên H. bỏ đi. Sau đó, cán bộ tại trung tâm nhìn thấy H. đang nằm ngủ co ro tại một căn nhà hoang ở TP.Biên Hòa nên đưa em về.

H. xúc động nói: “Cháu bỏ đi ra ngoài mới hiểu được không đâu bằng ngôi nhà chung đang sống. Ở ngoài cháu phải xin ăn, không được học hành lại hay bị dọa đánh. Ở đây ai cũng yêu thương cháu. Cháu không bao giờ bỏ đi nữa”.

* “Gieo” yêu thương, “gặt” hạnh phúc

Cứ mỗi lần xuống khu vực trẻ sơ sinh, bà Vũ Thị Thêu, Phó giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh lại ôm hôn từng trẻ nhỏ đang vui mừng khi người quen. Bà Thêu cho biết, mỗi trẻ ở đây đều rất thích được ẵm bồng, vỗ về. Các trẻ ở khu vực này đều có bảo mẫu chăm sóc chu đáo, sạch sẽ.

Anh Hoàng Văn Đức dành tình yêu trong từng bữa ăn cho những đứa trẻ mồ côi
Anh Hoàng Văn Đức dành tình yêu trong từng bữa ăn cho những đứa trẻ mồ côi

Bà Thêu nói, tại trung tâm tùy theo lứa tuổi sẽ có cách nuôi dạy khác nhau. Đối với những trẻ đã lớn, hiểu chuyện thì đều không muốn nhắc đến quá khứ nên các giáo viên trong trung tâm thường chỉ nói về niềm vui và mơ ước ở một tương lai tươi sáng. Do đó, trẻ em ở đây không chỉ được dạy về văn hóa, kỹ năng sống, cách làm người mà còn được nuôi dưỡng niềm đam mê và nghị lực thực hiện điều đó.

Vào dịp hè này, trung tâm còn cho các cháu tham gia nhiều hoạt động như: bơi lội, vẽ tranh, thể dục nhịp điệu, đá bóng tại Nhà thiếu nhi tỉnh Đồng Nai. Đối với những trẻ lớn không muốn học văn hóa thì được gửi đến các cơ sở đào tạo nghề để học nấu ăn, cơ khí, điện...

Được sống trong tình yêu và sự sẻ chia nên nhiều trẻ sau khi lớn lên, có công ăn việc làm lại thường xuyên quay trở về thăm và giúp đỡ các em nơi đây, thậm chí có người còn xung phong ở lại trung tâm  làm việc.

Anh Hoàng Văn Đức (32 tuổi) kể lại, khi mới 10 tuổi, cha mẹ anh bị tai nạn tử vong để lại 3 anh em không nơi nương tựa. Sau đó 3 anh em được đưa vào trung tâm sinh sống. Sau khi trưởng thành, anh Đức đã ở lại trung tâm để tiện việc chăm sóc những trẻ em có hoàn cảnh giống mình. 

“Tôi học ngành điện nhưng khi được giao việc nấu ăn tôi xin đi học thêm 6 tháng. Giờ thì thành đầu bếp lành nghề rồi. Tôi cố gắng nấu cho các em nhỏ những bữa ăn đủ dưỡng chất và cố gắng động viên các em vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng là cách trả công ơn nuôi dưỡng của thầy cô” - anh Đức vui vẻ cho biết.

Các giáo viên, bảo mẫu của trung tâm luôn gần gũi, chia sẻ với những đứa trẻ mồ côi. “Chúng tôi chỉ mong sau này các con học hành đàng hoàng, tự tin vững bước trên đường đời và có cuộc sống tốt đẹp hơn” - bà Thêu tâm sự.

Tố Tâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,105,394       15/923