Xã hội

Phòng bệnh mùa tựu trường

Năm học mới đã bắt đầu. Với thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay cộng với môi trường học đường tập trung nhiều học sinh sẽ khiến nhiều trẻ bị mắc các bệnh lây nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng
Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ, phụ huynh và nhà trường, nhất là các giáo viên bậc mầm non, cần có những biện pháp phòng tránh bệnh lây nhiễm phù hợp.

* Dễ mắc bệnh tay chân miệng, sởi, hô hấp

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, thời điểm các trường tập trung đông học sinh sau thời gian dài nghỉ hè là dịp mà nhiều học sinh thường gặp một số bệnh lây nhiễm. Dễ mắc và mắc nhiều nhất là bệnh tay chân miệng, sởi, bệnh liên quan đến đường hô hấp như: viêm hô hấp trên, viêm hô hấp dưới, viêm phổi, viêm phế quản. Ngoài ra, còn một số bệnh khác liên quan đến đường tiêu hóa như: tiêu chảy, nhiễm trùng đường ruột, sốt siêu vi. Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết cũng đang bùng phát nên nhà trường và phụ huynh cũng không nên chủ quan.

Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bị bệnh. Đối tượng thường mắc nhất là trẻ em dưới 10 tuổi. Những triệu chứng của bệnh như: sốt, mệt mỏi, đau họng, kém ăn. Trong 1-2 ngày đầu nhiễm bệnh, trẻ sẽ xuất hiện những nốt ban hồng có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da. Sau đó, các nốt ban này sẽ trở thành bóng nước. Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng, lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt.

Thống kê từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,5 ngàn ca mắc bệnh sởi, trong đó số trẻ từ 2-15 tuổi mắc bệnh chiếm hơn 32%. Số ca mắc tay chân miệng là gần 3 ngàn ca. Riêng dịch bệnh sốt xuất huyết, tính riêng tuần gần đây nhất (từ ngày 2 đến 8-8), toàn tỉnh ghi nhận 713 ca bệnh, nâng tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay lên gần 9,3 ngàn ca (số ca bệnh dưới 15 tuổi chiếm hơn 52%).

Sởi lan truyền do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Sự lan truyền từ người bệnh đến người lành có thể xảy ra khi người lành hít phải những giọt không khí chứa virus sởi sau khi người bệnh thải ra môi trường xung quanh.

Bệnh sởi thường gặp ở những người chưa tiêm ngừa vaccine phòng sởi, đặc biệt 90% người chưa tiêm phòng mắc bệnh nếu tiếp xúc với nguồn lây. Bệnh sởi cũng hay gặp ở người thiếu vitamin A. Bệnh có thể gây biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trẻ em bị nhiễm sởi sau từ 7-12 ngày sẽ có các triệu chứng như: sốt cao trên 39OC, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, tiêu chảy. Biểu hiện dễ thấy nhất là phát ban ở sau tai rồi lan ra mặt, ngực, bụng, nổi lên bề mặt da. Sau khi các vết ban lặn sẽ để lại vết thâm.

Riêng bệnh sốt xuất huyết đang là mối lo lớn vì số lượng bệnh nhi nhập viện ngày càng tăng. “Hiện nay, tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân, trong đó có hơn 60 bệnh nhân bị sốt xuất huyết, 30 bệnh nhân bị tay chân miệng, còn lại là các bệnh sởi và một số bệnh thông thường khác. Chưa có năm nào lại có nhiều ca bệnh sốt xuất huyết bị sốc như năm nay. Số ca bệnh ngày càng tăng và chưa có dấu hiệu thuyên giảm” - bác sĩ Quyền cho biết.

Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn đốt, truyền virus nhiễm bệnh vào cơ thể người. Loài muỗi này hoạt động mạnh và xuất hiện nhiều vào thời điểm sáng sớm và chiều tà, trước khi mặt trời lặn. Trẻ bị nhiễm sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục, chán ăn, mệt mỏi, quấy khóc, nếu trở nặng sẽ gây chảy máu chân răng, nhức đầu, đau hốc mắt, nôn ói ra máu hoặc đi cầu ra máu.

* Vệ sinh sạch sẽ, tiêm vaccine đầy đủ

Để phòng bệnh cho trẻ dịp đầu năm học mới, các bác sĩ lưu ý phụ huynh cần chăm sóc trẻ bằng cách cho trẻ ăn uống và sinh hoạt điều độ, đủ chất dinh dưỡng, ăn chín uống sôi để tăng cường đề kháng cho trẻ. Đặc biệt, phụ huynh cũng nên giải thích cho trẻ hiểu, không nên ăn nhiều thức ăn nhanh, những thức ăn không rõ nguồn gốc, không nhãn mác được bày bán trước cổng trường, tránh trường hợp thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có thể gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.

Bên cạnh việc học tập, học sinh cũng nên tham gia các hoạt động thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe, đảm bảo hài hòa giữa vui chơi và học tập; luôn giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, mặc quần áo phù hợp với thời tiết, tránh trường hợp bị cảm lạnh do trời mưa hoặc gió mạnh; trang bị đủ áo mưa, mũ nón trong cặp cho trẻ, đề phòng mưa nắng thất thường.

Để phòng tránh các bệnh như tay chân miệng, phụ huynh và giáo viên nên hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước vào các thời điểm quan trọng như: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đùa với các bạn học. Tại các trường mầm non, giáo viên, nhân viên nhà trường nên thường xuyên vệ sinh đồ chơi, đồ dùng học tập, không cho trẻ dùng chung khăn lau mặt, khăn tay, chén đũa...; dọn dẹp vệ sinh trường lớp sạch sẽ, phát quang bụi rậm, đổ hết các dụng cụ chứa nước không cần thiết, tránh muỗi sinh sôi, phát triển, truyền bệnh.

Với các bệnh đã có vaccine phòng bệnh như: sởi, thủy đậu, quai bị, tiêu chảy... cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh.

Nếu phụ huynh, giáo viên phát hiện trẻ bị nhiễm bệnh, cần cách ly trẻ và sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế có uy tín để khám và điều trị bệnh, tránh trường hợp để những trẻ nhiễm bệnh tiếp xúc với những trẻ bình thường bởi nguy cơ lây bệnh rất cao.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,485,637       14/902