Xã hội

Kỹ thuật cao phục vụ người bệnh

Thời gian qua, các bệnh viện trong tỉnh, nhất là các bệnh viện tuyến huyện đã mạnh dạn đầu tư, triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao nhằm chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn.

Bác sĩ Trương Trần Chí, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom điều chỉnh các thông số để tiến hành lọc máu cho bệnh nhân N.V.T. Ảnh: H.DUNG
Bác sĩ Trương Trần Chí, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom điều chỉnh các thông số để tiến hành lọc máu cho bệnh nhân N.V.T. Ảnh: H.DUNG

Nhờ đó, người dân trong tỉnh được tiếp cận những kỹ thuật, dịch vụ y tế tiên tiến ngay tại cơ sở y tế của địa phương, không phải đi xa, tốn kém nhiều chi phí điều trị, đi lại như trước kia.

* Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao

Dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã thực hiện thành công kỹ thuật nối bắc cầu động mạch vành trong điều trị bệnh tim cho 2 bệnh nhân. Đây là một trong những kỹ thuật cao của chuyên ngành phẫu thuật tim ở người lớn mà từ trước đến nay các bệnh viện ở Đồng Nai chưa thực hiện được.

TS-BS.Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, nối bắc cầu động mạch vành là phương pháp hữu hiệu nhất để điều trị các trường hợp hẹp nặng động mạch vành, giúp cải thiện đáng kể lượng máu cung cấp cho cơ tim và chấm dứt các triệu chứng đau ngực. Trước đây, khi gặp những trường hợp bệnh nhân  có bệnh lý này, các bệnh viện ở Đồng Nai đều phải chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh để điều trị. Nay, với việc có thể thực hiện thành công kỹ thuật này, những bệnh nhân bị hẹp nặng động mạch vành sẽ không cần phải chuyển viện nữa.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh: “Việc các bệnh viện tuyến huyện thường xuyên học tập, tiếp nhận các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới từ các bệnh viện tuyến trên là đòi hỏi bức thiết. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực, chuyên môn cho nguồn nhân lực của các bệnh viện tuyến huyện. Từ đó phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn được tốt hơn, giảm chi phí điều trị, đi lại cho người bệnh và thân nhân người bệnh”.

Trong khi đó, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất mới đây đã chính thức chuyển giao kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho Trung tâm y tế huyện Trảng Bom. Đây là đơn vị y tế cấp huyện thứ 2 sau Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo.

Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom chia sẻ, chạy thận nhân tạo không phải là kỹ thuật mới mà đã được các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương thực hiện cách đây từ rất lâu. Tuy nhiên, với các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, kỹ thuật này còn khá mới mẻ. Đặc biệt, sau sự cố về chạy thận nhân tạo ở tỉnh Hòa Bình đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của các y, bác sĩ được cử đi đào tạo về chạy thận nhân tạo. Nhưng với quyết tâm sẽ làm chủ kỹ thuật này để đem đến những lợi ích cho người bệnh tại địa phương, trong 2 năm qua, trung tâm đã quyết tâm, nỗ lực, chuẩn bị đầy đủ cả về nhân lực, vật lực, trang thiết bị máy móc để từ tháng 6-2019 bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân từ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất về để chạy thử nghiệm.

Không riêng các cơ sở y tế công lập mà các bệnh viện tư nhân cũng đã mạnh dạn thực hiện nhiều kỹ thuật mới. Như Bệnh viện đại học y dược Shing Mark
(TP.Biên Hòa) vừa tiếp nhận kỹ thuật nội soi cắt tử cung một cổng từ Bệnh viện Đài Bắc (Trung Quốc) để điều trị cho các bệnh nhân bị u xơ tử cung, đa nhân xơ nhỏ, u nang buồng trứng, quá sản nội mạc tử cung, loạn sản cổ tử cung…

Bác sĩ Đinh Văn Sức, Trưởng khoa Sản Bệnh viện đại học y dược Shing Mark cho biết, với phương pháp này, các bác sĩ sẽ chỉ rạch một lỗ trên rốn của bệnh nhân thay vì phải rạch đến 3 lỗ trên ổ bụng bệnh nhân như trước kia rồi đưa dụng cụ nội soi vào ổ bụng và cắt tử cung toàn phần. Sau đó, tử cung sẽ được cắt nhỏ thành nhiều phần và đưa ra ngoài bằng đường âm đạo. Sau ca phẫu thuật trong khoảng 2 giờ đồng hồ, bệnh nhân có thể xuất viện vào ngày hôm sau.

* Để các kỹ thuật trở thành thường quy

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho hay, trên cơ sở đánh giá những vấn đề liên quan của các trung tâm y tế, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã chuyển giao nhiều kỹ thuật như: phẫu thuật nội soi ruột thừa, mổ bắt thai, chạy thận nhân tạo cho một số trung tâm y tế trong tỉnh.

Để các trung tâm y tế tiếp tục phát triển hơn nữa, đưa những kỹ thuật cao trở thành thường quy phục vụ người bệnh, bác sĩ Phạm Văn Dũng đề nghị các trung tâm y tế cần căn cứ vào nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, mô hình chuyển viện lên tuyến trên của đơn vị mình xem những bệnh gì cần phải chuyển viện nhiều. Nếu ở các trung tâm chưa có khoa phòng điều trị những bệnh đó thì lãnh đạo trung tâm cần đề xuất, chuẩn bị để thành lập các khoa phòng đó. Nếu trung tâm đã có những khoa phòng này nhưng vẫn phải chuyển viện nhiều thì cần xem xét xem nguyên nhân do đâu để khắc phục, đưa các kỹ thuật cao trở thành thường quy tại đơn vị mình, hạn chế chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện tuyến trên.

Giám đốc Bệnh viện đại học y dược Shing Mark Sử Sơn cho hay, sắp tới đây, bệnh viện sẽ cử thêm một số bác sĩ sang Bệnh viện Đài Bắc để đào tạo đồng thời mua sắm thêm các trang thiết bị cần thiết để phục vụ quá trình điều trị bệnh cho bệnh nhân.

Là một trong 2 bệnh nhân đang được chạy thận tại Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, ông N.V.T. (63 tuổi, ngụ xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom) bộc bạch, cách đây hơn 1 năm, ông bắt đầu chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Mỗi tháng từ nhà đến bệnh viện để chạy thận, ông tốn khoảng 2,5 triệu đồng tiền xe ôm. Nay, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom đã thực hiện được kỹ thuật chạy thận nhân tạo nên thuận lợi cho ông T. rất nhiều. Tiền đi xe ôm từ nhà đến Trung tâm y tế huyện Trảng Bom chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn được bảo hiểm y tế chi trả 95% nên mỗi tháng chỉ phải trả gần 500 ngàn đồng tiền viện phí. Việc chạy thận đều đặn 3 lần/tuần, mỗi lần 4 tiếng giúp tình trạng sức khỏe của ông cải thiện rất nhiều.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,098,251       6/983