Xã hội

Ngành Y tế "nóng", người dân "lạnh"

Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn Đồng Nai. Trong khi ngành y tế đang dốc sức vừa phòng, chống dịch vừa huy động tăng cường điều trị cho số ca bệnh nhân đang gia tăng chóng mặt thì nhiều người dân vẫn thờ ơ với việc phòng bệnh. Bác sĩ HUỲNH CAO HẢI, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, nếu người dân không chung tay phòng chống, dịch bệnh sẽ vượt tầm kiểm soát, rất nguy hiểm.

Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, bác sĩ Huỳnh Cao Hải
Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, bác sĩ Huỳnh Cao Hải

* Ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch SXH đang rất nghiêm trọng trên địa bàn Đồng Nai? Vì sao năm nay dịch lại phức tạp hơn những năm trước?

- Với mức độ bùng phát nghiêm trọng như hiện nay, Đồng Nai đã nằm trong tốp 5 của cả nước có số ca mắc nhiều. Sở dĩ dịch bệnh SXH năm nay bùng phát và lây lan nhanh vì năm nay rơi vào mùa chu kỳ (cứ 5 năm dịch bệnh trở nặng bất thường một lần). Ngay từ đầu mùa mưa, ngành y tế đã tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh SXH cho người dân; tỉnh cũng chi 5 tỷ đồng cho hoạt động phun thuốc diệt lăng quăng, diệt muỗi... Thế nhưng hiệu quả phòng chống dịch không cao. Hiện ngành y tế đang rất “nóng” khi dốc toàn lực để khống chế dịch bệnh, tiếp tục tổ chức phun thuốc diện rộng, dập hơn 1,3 ngàn ổ dịch, tăng cường nhân lực trong chẩn đoán và điều trị cho số ca mắc SXH nhập viện tăng cao... Thế nhưng, nhiều người dân lại rất “lạnh”, rất thờ ơ với việc phòng bệnh, nên số ca mắc đang gia tăng nhanh. Hiện đã có 1 ca tử vong.

* SXH là bệnh “đến hẹn lại lên”, hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Ông giải thích thế nào về việc phòng dịch gần như thất bại này?

- Như đã nói trên, năm nay là năm chu kỳ nên dịch cũng có những diễn biến khó lường. Tuy nhiên, nếu cộng đồng chung tay phòng chống tích cực thì dù có là chu kỳ, mức độ bùng phát cũng sẽ không nhanh, không mạnh như hiện nay. Qua kiểm tra thực tế tại một số khu vực ở Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch... người dân chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng bệnh khi còn để xung quanh nhà nhiều vật dụng chứa nước, ao tù nước đọng, những bãi rác ẩm thấp... tạo điều kiện cho muỗi sinh sản. Mật độ dân cư cao, có nhiều khu công nghiệp tập trung, nhiều nhà trọ cũng là điều kiện lý tưởng cho sự sinh sôi của muỗi. Điều này được chứng minh một số địa phương có mật độ dân số cao, nhiều nhà trọ đều có tỷ lệ mắc bệnh cao - có nghĩa là có liên quan đến vấn đề vệ sinh môi trường, thói quen sinh hoạt của cư dân trên địa bàn.

Cùng với đó là ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao. Nhiều người cho rằng SXH là bệnh không nguy hiểm nên thờ ơ, thiếu quan tâm phòng tránh. Mặt khác, việc phun thuốc diệt muỗi vào mùa mưa cũng kém hiệu quả khi thuốc bị rửa trôi; nhiều khu vực nhà trọ công nhân đi làm đóng cửa cả ngày nên nhân viên không thể phun thuốc bên trong. Một thực tế khác cũng phải thừa nhận, ngay trong ngành, việc phòng chống dịch SXH tại cơ sở chưa được tích cực, nhiều nhân viên y tế coi các hoạt động phòng chống dịch SXH là việc thường quy, nhàm chán, dẫn đến lơ là, thiếu chủ động.

* Ngành y tế cũng đã có những cuộc họp khẩn cấp với các địa phương để bàn giải pháp phòng, chống dịch. Vậy những giải pháp đó là gì? Đến nay đã thực hiện đến đâu?

- Chúng tôi đã nhìn nhận, trong tình hình dịch bệnh SXH đang bùng phát mạnh mẽ như hiện nay, nếu không có những biện pháp phòng chống tích cực, dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan và số ca mắc bệnh sẽ còn tăng rất cao. Hiện số ca mắc đã lên đến hơn 10 ngàn ca, chiếm 1/10 số ca bệnh của cả nước. Tuy mới có 1 ca tử vong, nhưng bệnh tật diễn biến khó lường. Hiện ngành đang tập trung giám sát để phát hiện sớm các ổ dịch; chủ động  phun thuốc nhiều đợt tại những khu vực, địa bàn có nguy cơ cao. Trong công tác điều trị, tăng cường bác sĩ cho công tác khám, chẩn đoán và điều trị tích cực nhằm hạn chế số ca bệnh chuyển nặng, tử vong. Một trong những biện pháp chế tài hiện nay là tiến hành xử phạt đối với những cơ sở sản xuất, khu nhà trọ, nhà dân còn để các vật dụng, hầm hố chứa nước tù đọng, rác rưởi ẩm thấp. Hy vọng, những biện pháp này sẽ khống chế được sự gia tăng của dịch bệnh trên địa bàn.

* SXH không có vaccine phòng ngừa. Vậy người dân cần làm gì để phòng tránh cũng như phải làm gì khi có những biểu hiện của bệnh, thưa ông?

- Đúng là SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng ngừa. Bệnh thường gây dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc khiến cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, thiệt hại về người và kinh tế. Song, SXH lại hoàn toàn có thể phòng được bằng việc cộng đồng chung tay diệt lăng quăng, diệt muỗi; dọn vệ sinh nơi sống và làm việc; nằm màn khi ngủ. Người dân cũng cần hiểu về cơ chế nhiễm bệnh để biết và phòng tránh. SXH  do virus Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp này đều có khả năng gây bệnh và tử vong. Khi nhiễm chủng nào thì người bệnh miễn dịch suốt đời chủng đó, nhưng một người có thể bị mắc SXH cả 4 lần trong đời với 4 tuýp virus khác nhau. Vì thế, khi bị sốt cao đột ngột, sau 3 ngày thấy có xuất huyết dưới da nên nhanh chóng đến bệnh viện. Một số trường hợp xuất huyết nặng, có thể gây suy tạng như: viêm gan, viêm não, viêm cơ tim, xuất hiện hội chứng choáng, xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp... cần phải cấp cứu nhanh chóng.

 Xin cảm ơn ông!

Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 24-8, toàn tỉnh có hơn 10 ngàn ca mắc SXH, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng năm nay, số ca mắc ở đối tượng người lớn tăng mạnh, chiếm gần 50% số ca bệnh.

Phương Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,097,703       3/980