Xã hội

Trà sữa nguy hại đến mức nào?

Trà sữa là đồ uống ưa thích của giới trẻ, thậm chí cả người lớn tuổi. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, loại đồ uống này có chứa nhiều thành phần tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Nhiều người trẻ có thói quen uống trà sữa hằng ngày. Trong ảnh: Uống trà sữa tại một quán trà sữa ở TP.Biên Hòa. Ảnh: B.NHÀN
Nhiều người trẻ có thói quen uống trà sữa hằng ngày. Trong ảnh: Uống trà sữa tại một quán trà sữa ở TP.Biên Hòa. Ảnh: B.NHÀN

Trà sữa chứa nhiều đường và calo, nếu uống quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng…

“Nghiện” trà sữa, thói quen xấu

Mới đây, cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ câu chuyện “bệnh nhân trà sữa”. Theo đó, bệnh nhân N.L. (20 tuổi, quê ở tỉnh Phú Thọ) đã nhập viện do đau bụng dữ dội. Khi nội soi dạ dày, các bác sĩ phát hiện bã thức ăn không tiêu hóa được, dai như cao su khiến bệnh nhân L. bị tắc ruột.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Liên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khuyến cáo, mọi người nên hạn chế uống trà sữa hết mức có thể, thỉnh thoảng uống 1 ly cỡ nhỏ (size M) để “đã cơn thèm”. Bởi uống nhiều trà sữa trong thời gian dài khả năng gây suy gan, thận là rất cao. Đặc biệt, không nên cho trẻ nhỏ sử dụng trà sữa và không uống trà sữa thay cho các bữa chính.

Để uống trà sữa vẫn tốt cho sức khỏe nên chọn trà sữa đảm bảo các tiêu chí như: chế biến tại các cửa hàng uy tín; sử dụng loại nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; sử dụng loại ít đường hoặc không đường; sử dụng sữa tươi để pha trà sữa, không phải sữa đặc hay kem béo.

Theo người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện, anh L. xuất hiện triệu chứng đau bụng (khoảng 20 ngày trước đó) và có dấu hiệu ngày càng đau dữ dội. Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện tuyến huyện. Sau 5 ngày điều trị, L. không đỡ nên được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Đáng nói, L. có thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên bỏ cơm, uống trà sữa.

Chị Trịnh Thị Phương (ngụ phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) thừa nhận, chị cũng là “tín đồ” của loại thức uống này. Hầu như ngày nào chị cũng phải uống trà sữa. “Có thời điểm, mỗi ngày tôi phải uống 2 ly trà sữa. Tất cả các quán trà sữa lớn của TP.Biên Hòa tôi đều đã thử qua. Có những loại trà sữa nổi tiếng, khi quán mới khai trương, phải xếp hàng rất lâu mới mua được” - chị Phương chia sẻ.

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Mai Liên, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay, về mặt dinh dưỡng, việc kết hợp giữa trà với sữa là không khoa học. Trong sữa có nhiều chất đạm tốt cho cơ thể nhưng khi pha cùng với trà sẽ ngăn sự hấp thu dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm. Hơn nữa, loại chất này không chỉ phá sự hấp thu đạm mà còn biến thành chất khác có hại cho cơ thể. Ngoài ra, các protein casein (một dạng đạm chất lượng cao) trong sữa sẽ làm suy giảm các hợp chất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch có trong trà. “Điều đáng nói là trên thực tế người ta có pha đúng trà và sữa hay không? Bởi trà sữa trên thị trường đang có nhiều mùi hương khác nhau” - bác sĩ Nguyễn Thị Mai Liên băn khoăn.

Lạm dụng trà sữa dễ suy dinh dưỡng

Các hóa chất, phẩm màu dùng trong thực phẩm phải được nghiên cứu kỹ về sự phối hợp với nhau. Nhưng thực tế, những người bán trà sữa chỉ quan tâm đến việc phối trộn để ra màu trà sữa đẹp, ngon mà chưa biết được các phản ứng hóa học đi kèm. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai Liên, sự kết hợp giữa trà thật, sữa thật đã không có tác dụng tốt. Nếu thêm hóa chất, tác hại còn khó lường hơn nhiều lần.

Nếu thỉnh thoảng uống 1 ly trà sữa, sự nguy hại là không đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay, các bạn trẻ đang lạm dụng trà sữa, nạp quá nhiều vào cơ thể. Thậm chí, có người uống ngày 3 ly trà sữa thay cơm. Khi đó, cơ thể chỉ hấp thu được chất béo, đường mà không thể hấp thu đủ chất dinh dưỡng, nhất là chất đạm. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể bị suy kiệt, suy dinh dưỡng. “Nhiều người thấy rằng mình tăng cân khi uống trà sữa và nghĩ nó tốt, như một loại thực phẩm tăng cân. Họ tăng cân do hấp thu quá nhiều chất béo nhưng không tạo cơ cho cơ thể” - bác sĩ Nguyễn Thị Mai  Liên nói.

Trong trà sữa, còn có các loại trân châu. Hạt trân châu chủ yếu là tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (chiếm khoảng 80%), đường cô đặc, hương liệu thực phẩm và chỉ có dưới 1% thành phần của trân châu là chất xơ và protein. Khi ăn các loại hạt này mà không nhai kỹ, ăn nhiều quá mức và ăn hằng ngày sẽ không tiêu, lắng đọng lại trong đường ruột và kết dính lại gây nguy hại cho cơ thể.

Bích Nhàn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,481,185       4/1,173