Xã hội

Không được chủ quan với dịch bệnh sốt xuất huyết

Ngày 9-9, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã làm việc tại Đồng Nai về tình hình phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH).

Đoàn đã đến khảo sát tình hình dịch SXH tại phường Tam Phước (TP.Biên Hòa).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khảo sát thực tế công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại một hộ dân ở phường Tam Phước, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khảo sát thực tế công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại một hộ dân ở phường Tam Phước, TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG

TIN LIÊN QUAN
* Còn nhiều khó khăn trong phòng, chống dịch

Bác sĩ Nguyễn Thành Công, Trưởng trạm y tế phường Tam Phước cho biết, từ đầu năm đến nay, phường Tam Phước có 269 ca mắc bệnh SXH, 38 ổ dịch. Khoảng 2 tháng gần đây, số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn phường tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các khu phố có số ca mắc cao là Long Đức 1 (88 ca), Thiên Bình (77 ca)…

Khi đoàn công tác của Bộ Y tế đến khảo sát thực tế tại hộ gia đình chị Lê Thị Thùy Linh (ngụ KP.Long Đức 3) phát hiện trong khuôn viên nhà vẫn còn những vật chứa nước mưa, có xuất hiện lăng quăng. Theo chị Linh, trong mùa dịch năm nay, gia đình chị đã có người bị bệnh SXH. “Khi gia đình có người bị bệnh, tôi thấy lo lắng và đề cao cảnh giác hơn. Gia đình tôi cũng hay dọn dẹp môi trường xung quanh, phun thuốc diệt muỗi, ngủ mùng… nhưng vẫn bị bệnh. Còn những vật dụng chứa nước quanh nhà, dù được dọn dẹp nhưng trời vào mùa mưa liên tục, không dọn xuể” - chị Linh nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Tại khu nhà trọ của chị Phan Thu Hương (KP.Long Đức 3) có khá nhiều công nhân sinh sống. Chị Hương cho biết, khu nhà trọ của chị chưa có ai bị bệnh SXH. Theo chị Hương, cách diệt lăng quăng khá đơn giản là đổ hết các bình chứa nước, úp lại và vệ sinh sạch sẽ khu nhà ở. “Các thông tin biết được về bệnh SXH chủ yếu do tôi tự tìm hiểu. Dù khu nhà trọ được vệ sinh sạch sẽ nhưng các nhà trọ xung quanh vẫn còn ẩm thấp. Hơn nữa, quanh nhà có nhiều khoảnh đất trống nên có muỗi là lẽ đương nhiên” - chị Hương nói.

Thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tính đến ngày 5-9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 13 ngàn ca mắc bệnh SXH, tăng gần 2,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái, có 2 ca tử vong. Trong đó, số ca mắc bệnh dưới 15 tuổi chiếm gần 55% tổng số ca mắc. Theo lãnh đạo Sở Y tế, số ca mắc bệnh SXH sẽ còn tăng cao trong những ngày tới và trong tháng 10 vì hiện tại có mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển.

Ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND phường Tam Phước cho biết, hiện người dân vẫn còn chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh SXH, nhất là khu vực nhà trọ có lao động nhập cư đông. Hầu hết các ổ dịch đều tập trung ở các khu vực này. “Khó khăn nhất hiện nay là ý thức phòng bệnh của người dân” - ông Cường nói.

Nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh SXH cũng là một khó khăn. Đơn cử như Trạm y tế phường Tam Phước chỉ có 1 cán bộ chuyên trách để điều tra ổ dịch, khâu diệt lăng quăng do các cộng tác viên thực hiện. Tuy nhiên, đa số các cộng tác viên làm kiêm nhiệm, kinh phí hỗ trợ thấp nên họ không mặn mà với công việc.

Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho hay, hiện tại khoa đang điều trị cho 50 bệnh nhân bị SXH trên tổng số 70 bệnh nhân của khoa. Do khoa chỉ có 55 giường bệnh nên bệnh viện phải kê thêm 15 ghế bố nằm dọc hành lang. Ngoài ra, ở Khoa Nhiễm khu B của bệnh viện cũng đang điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân bị SXH. Những tuần gần đây, mỗi tuần bệnh viện điều trị từ 1-3 ca bị sốc SXH, hiện tại có 1 ca sốc SXH đang được điều trị chống sốc.

* Nâng cao ý thức phòng, chống dịch trong dân

Tại buổi làm việc với phường Tam Phước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, điều khó nhất hiện nay là nhiều người dân chưa nhận thức được là không có lăng quăng sẽ không có SXH; chưa có ý thức diệt lăng quăng và muỗi trưởng thành. Họ cũng chưa biết rõ, những vật dụng như: mảnh chai, bình bông, vỏ xe… là môi trường sinh sản lý tưởng của lăng quăng, muỗi gây bệnh SXH.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, Đồng Nai có nhiều yếu tố thuận lợi cho muỗi mang mầm bệnh SXH sinh sản. Qua khảo sát, các dụng cụ chứa nước của người dân đều có lăng quăng. Đô thị hóa cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng bệnh tăng do người dân di cư, đi lại.

Lãnh đạo Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh. Ảnh: H.DUNG

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, số ca mắc bệnh SXH còn cao đồng nghĩa với số ca tử vong cũng sẽ tăng. Hiện lực lượng cán bộ phòng, chống dịch của các địa phương còn rất mỏng, mỗi trạm y tế có nhiều nhất 10 người nên không thể phòng, chống dịch mà không có sự phối hợp với các lực lượng khác. Do đó, cần huy động mọi nguồn lực như cộng tác viên từ các tổ chức đoàn thể - xã hội để dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhất là các vật chứa nước tại nhà dân, bãi đất trống. “Thậm chí, chúng ta cũng cần xử phạt những gia đình để đọng các vật chứa nước có lăng quăng” - ông Phu nói.

Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, thời gian qua bệnh viện đã thực hiện tốt công tác lọc bệnh và cách ly bệnh nhân bị SXH. Theo đó, mỗi ngày cả 2 khu A và B của bệnh viện tiếp nhận khoảng 500 ca bệnh SXH mới đến từ các địa phương trong tỉnh. Các bác sĩ tiến hành lọc bệnh, những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, ở giai đoạn đầu sẽ được chỉ định điều trị ngoại trú hoặc chuyển xuống các cơ sở y tế tuyến dưới. Còn những trường hợp bệnh nặng hoặc nhà ở xa phải nhập viện điều trị nội trú (khoảng 40-50% số ca bệnh).

Ngoài ra, cộng tác viên phải hướng dẫn cụ thể cách diệt lăng quăng cho người dân, lật úp hết các lu, vại, vật chứa nước ngoài trời, trong nhà; tiến hành phun thuốc 2 lần để diệt tất cả muỗi đang mang mầm bệnh.

Tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những nỗ lực phòng, chống bệnh SXH của địa phương trong thời gian qua. Trong đó UBND tỉnh đã hỗ trợ tích cực cho công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, chi 22 tỷ đồng cho công tác này. Ngành Y tế cũng đã xử lý các ổ dịch nhỏ, phun thuốc diệt muỗi đại trà, tuyên truyền, tư vấn cho người dân, tích cực điều trị giảm thiểu tối đa số ca tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh SXH tại Đồng Nai vẫn thuộc “tốp” cao của cả nước. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hai tháng 9 và 10 thời tiết mưa nhiều, các ca bệnh sẽ còn tăng cao. Do đó, ngành Y tế nói riêng và tất cả các cơ quan, ban, ngành liên quan, đặc biệt là người dân không được chủ quan. “Để nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tôi đề nghị ngành Y tế tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương vào cuộc quyết liệt phòng, chống bệnh SXH” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, ngoài đăng tải thông tin trên báo chí, cần chú trọng truyền thông tin trên mạng xã hội, loa phát thanh phường, xã để đông đảo người dân được biết, nâng cao nhận thức và hành động. Bên cạnh đó, cần phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương để xảy ra dịch bệnh SXH cao. Điều quan trọng là phải hành động thực chất, tránh hình thức, làm sao để người dân chủ động nâng cao nhận thức, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống SXH. Bên cạnh đó, cần lưu ý xử phạt những cá nhân, tập thể không thực hiện đúng theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để mang tính răn đe. Các bệnh viện cần tăng cường lọc bệnh, những bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú, điều trị ở nhà được thì không cần điều trị nội trú, tránh tình trạng quá tải cho bệnh viện và lây nhiễm chéo.

Bích Nhàn - Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,093,015       6/929