Xã hội

Thầy hiệu trưởng và những bài học dưới cờ

Hơn 30 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Đỗ Ngọc Thanh đã công tác tại 3 trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa gồm: Hoàng Diệu, Lê Quang Định và Trường Sa.

Thầy Đỗ Ngọc Thanh trao đổi với học trò. Ảnh: H.Yến
Thầy Đỗ Ngọc Thanh trao đổi với học trò. Ảnh: H.Yến

Ở vị trí công tác nào, thầy cũng chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách sống cho học trò bằng nhiều hoạt động mà hiếm có hiệu trưởng nào trực tiếp làm như thầy.

* Tiêu chí 3 không - 3 có

Ngay từ năm học đầu tiên của thầy và trò Trường THCS Trường Sa (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa), nhà trường đặt ra tiêu chí 3 không dành cho học sinh là: không bạo lực, không trấn lột, không tệ nạn xã hội. Kể từ năm học này, tiêu chí 3 có được bổ sung để học trò thực hành. Đó là: có đạo đức, có văn hóa và có lòng hiếu thảo. Đây là những giá trị tốt đẹp mà mỗi con người đều cần hướng đến.

Ngoài việc làm tốt vai trò hiệu trưởng, thầy Thanh còn là một giáo viên dạy toán được nhiều học trò yêu mến. Hiệu trưởng làm tốt công tác chuyên môn sẽ nhận được sự đồng tình nhiều hơn của giáo viên. “Hơn hết, khi tham gia dạy học, tôi còn có được những kỷ niệm bình dị của một người giáo viên” - thầy Đỗ Ngọc Thanh nói.

Để thực hiện được tiêu chí 3 không - 3 có này, ngoài những câu chuyện về học tập và làm theo gương Bác, liên đội nhà trường còn tìm những bài học từ thực tiễn cuộc sống hiện nay, được đăng tải trên sách, báo… để giúp học sinh có các kỹ năng, kiến thức như: phòng tránh bị xâm hại thân thể, phòng chống tệ nạn xã hội, bị kẻ xấu lợi dụng… Theo kế hoạch hoạt động năm học, trong thời gian tới, nhà trường sẽ cho thành lập các câu lạc bộ đội nhóm, học sinh tự xây dựng các tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ… nhằm tuyên truyền về các bài học đạo đức, văn hóa ứng xử trong học đường và trong cuộc sống hằng ngày. Những tiết mục này sẽ chủ yếu được biểu diễn trong các tiết chào cờ.

Cá nhân thầy Thanh còn làm một cuốn sổ “nề nếp” để ghi chép lại mọi việc cần lưu ý trong trường. Thầy dặn học trò nếu có bức xúc gì thì cứ trực tiếp gặp thầy để phản ảnh. Tuy sẵn sàng lắng nghe học sinh nhưng thầy Thanh cũng tự nhận mình là người khá nghiêm khắc. Thầy nhắc nhở học sinh từ những thói quen nhỏ nhất: biết nói lời cảm ơn, xin lỗi; biết “thưa thầy, thưa cô” khi nói chuyện với thầy cô; biết dùng 2 tay để đưa hoặc nhận một vật từ người lớn…

Với giờ chào cờ, thầy Thanh đã làm điều mà hiếm có trường nào khác làm. Đó là thầy dành phần nhiều thời gian cho hoạt động khảo bài. Nếu bạn nào trả lời đúng thì được thầy thưởng một quyển vở. Nếu trả lời sai thầy sẽ là người giảng lại kiến thức đó cho học sinh hiểu rõ. Hôm nào không có “tiết mục” khảo bài thì thầy Thanh sẽ đọc truyện cho học sinh nghe.

Có 3 cuốn sách thuộc tủ sách Hạt giống tâm hồn được thầy lựa chọn để đọc cho học sinh nghe. Theo đó, thầy đọc và lọc ra những câu chuyện hay, ý nghĩa trong những sách này, sau đó đọc kỹ lại những câu chuyện mà thầy đã chọn, soạn trước các câu hỏi liên quan đến nội dung câu chuyện. Vào buổi chào cờ, thầy sẽ đọc truyện cho học sinh nghe, đặt ra câu hỏi để học sinh trả lời. Từ đó, cả thầy và trò cùng rút ra những bài học ý nghĩa, nhân văn của cuộc sống. Tiết mục đọc truyện dưới cờ này đã được nhiều học sinh đón nhận.

* Thêm hoạt động hướng về Trường Sa

Trường THCS Trường Sa được thành lập và đi vào hoạt động từ năm học 2017-2018 với hơn 1.700 học sinh và gần 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Năm học này, trường có hơn 3.400 học sinh với trên 130 giáo viên trực tiếp giảng dạy.  Đây là ngôi trường đầu tiên tại TP.Biên Hòa được đặt tên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các phòng học của nhà trường được đặt theo tên gọi của 21 hòn đảo trên quần đảo Trường Sa.

Để học sinh hiểu về quần đảo mà trường mang tên, Trường THCS Trường Sa đã tổ chức cho học sinh tìm hiểu về biển đảo Việt Nam thông qua hình thức hội thi giữa các khối lớp. Cụ thể, nhà trường tập hợp tư liệu về biển đảo Việt Nam và phát tài liệu này cho tất cả các lớp. Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, các khối lớp sẽ tham gia các phần thi: chào hỏi, trắc nghiệm kiến thức, thuyết trình về biển đảo, vẽ tranh biển, đảo trên heo đất sau đó dùng heo đất này để gây quỹ tại các lớp…

Thầy Đỗ Ngọc Thanh trong giờ dạy toán cho học sinh lớp 6/3. Ảnh: H. Yến
Thầy Đỗ Ngọc Thanh trong giờ dạy toán cho học sinh lớp 6/3. Ảnh: H. Yến

Trong sân trường hiện nay có 6 cây bàng vuông được phụ huynh đem từ Trường Sa về tặng. Trong năm học này, trường sẽ dựng một sa bàn về quần đảo Trường Sa. Ngoài hình ảnh trực quan về quần đảo, nhà trường cũng sẽ soạn bài giới thiệu về quần đảo này, thu âm lại và phát tự động để học sinh, phụ huynh và khách đến trường có thể tìm hiểu kỹ hơn về quần đảo này của Tổ quốc.

Ý định làm sa bàn Trường Sa đã được thầy Thanh ấp ủ từ năm học trước và thầy đang quyết tâm thực hiện trong năm học này, bởi đây là việc làm rất cần thiết để học sinh hiểu rõ về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đồng thời góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Em Phạm Nguyễn Xuân Anh, học sinh lớp 6/3 Trường THCS Trường Sa cho biết: “Thầy Thanh dạy toán dễ hiểu, có nhiều trò chơi giúp tụi con học tốt và vui hơn. Thầy còn dạy con nhiều bài học trong cuộc sống. Con nghĩ rằng sau này khi lớn lên, con sẽ không thể nào quên được năm học mà thầy dạy con. Thầy đã dạy con cách yêu thương cha mẹ, sự hy sinh của cha mẹ, thầy cô; giúp con biết rằng nơi mà con có thể luôn luôn tìm về và nương tựa chính là gia đình”.

Hải Yến

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,476,194       5/837