Xã hội

Sẵn sàng cung cấp thêm nhiều lao động nghề quốc tế

Năm 2019, 2 trường cao đẳng trên địa bàn Đồng Nai được chọn đào tạo 5 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức.

Cùng với đó, nhiều chương trình đào tạo nghề quốc tế đang triển khai, hứa hẹn sẽ cung cấp cho thị trường thêm nhiều lao động kỹ thuật chất lượng cao.

Nguyễn Thị Thảo Nhi, sinh viên nghề cơ điện tử Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 cùng các bạn chuẩn bị cho bài thi cuối khóa. Thảo Nhi sẽ là một trong những lao động nghề cơ điện tử trình độ quốc tế đầu tiên tốt nghiệp tại Đồng Nai
Nguyễn Thị Thảo Nhi, sinh viên nghề cơ điện tử Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 cùng các bạn chuẩn bị cho bài thi cuối khóa. Thảo Nhi sẽ là một trong những lao động nghề cơ điện tử trình độ quốc tế đầu tiên tốt nghiệp tại Đồng Nai. Ảnh: H. Yến

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), trong năm 2019 cả nước có 45 trường cao đẳng được phép đào tạo thí điểm 22 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là hơn 1 ngàn sinh viên.

* Thêm 80 chỉ tiêu đào tạo nghề quốc tế

Đồng Nai có 2 trường đào tạo 5 ngành với tổng số 80 chỉ tiêu. Cụ thể: Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) đào tạo 3 nghề: chế tạo thiết bị cơ khí, kỹ thuật lắp đặt thiết bị cơ khí và công nghệ hàn. Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi (huyện Trảng Bom) đào tạo 2 nghề: điện công nghiệp và vận hành máy thi công nền. Sinh viên tham gia học những nghề này được miễn toàn bộ học phí.

Năm 2019, Sở Lao động - thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch số 19/KH-LĐTBXH ngày 24-1-2019 về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt trình độ cao đẳng quốc tế. Theo đó, Đồng Nai sẽ tuyển 250 sinh viên với 9 nghề đào tạo: công nghệ hàn, chế tạo thiết bị cơ khí, kỹ thuật cơ khí ứng dụng công nghệ CNC, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, kỹ thuật lắp đặt điện và tự động hóa trong công nghiệp, cơ điện tử, kỹ thuật lắp đặt đài trạm viễn thông, kỹ thuật lắp đặt truyền dẫn quang và vô tuyến.

Về đào tạo, mỗi nghề được thiết kế gồm 2 phần: các môn học chung theo quy định của Việt Nam và phần chuyên môn là bộ chương trình được chuyển giao từ Đức. Tùy theo từng nghề, thời gian khóa học có thể kéo dài từ 3-3,5 năm. Chương trình đào tạo chú trọng phần thực hành với phần nhiều thời gian dành cho việc này.

Sinh viên hoàn thành yêu cầu của chương trình đào tạo sẽ được cấp 2 bằng: bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam và bằng tốt nghiệp của Đức (tương đương với trình độ bậc 4 theo khung trình độ quốc gia Đức).

Một trong những yêu cầu của chương trình đào tạo này là sinh viên tốt nghiệp phải đạt trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Đức) tối thiểu ở mức B1 theo khung tham chiếu châu Âu hoặc tương đương. Đây là một yêu cầu khá cao đối với mức “sàn” của sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, hiện nay Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi đã hoàn tất công tác tuyển sinh, đang tiến hành đào tạo. Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 cũng sẽ bắt đầu đào tạo vào tháng 10 tới đây.

* Sẵn sàng nhập cuộc

Những ngày này, Nguyễn Thị Thảo Nhi, sinh viên nghề cơ điện tử đang cùng với các bạn tất bật chuẩn bị cho bài kiểm tra cuối khóa. Cả nhóm cùng nhau chuẩn bị các cơ cấu cơ khí theo bản thiết kế để hoàn thành sản phẩm theo yêu cầu. Vượt qua được bài thi lần này, Thảo Nhi không chỉ được cấp bằng cao đẳng nghề của Việt Nam mà còn được cấp chứng chỉ nghề theo tiêu chuẩn Đức. Nhi và 22 bạn cùng lớp chính là lứa sinh viên đầu tiên của nghề cơ điện tử Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 được đào tạo theo tiêu chuẩn Đức.

Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 là trường đầu tiên trên địa bàn Đồng Nai đào tạo nghề trình độ quốc tế hệ cao đẳng. Hiện trường đã có đủ năng lực để đào tạo 9 nghề quốc tế và đang đào tạo 7 nghề, trong đó có 4 nghề theo bộ tiêu chuẩn nghề của Đức gồm: cắt gọt kim loại, điện tử công nghiệp, cơ điện tử và cơ khí xây dựng; có 3 nghề được đào tạo theo tiêu chuẩn nghề của Pháp gồm: nghề hàn, lắp đặt viễn thông và truyền dẫn quang.

Trước khi có chương trình đào tạo nghề quốc tế theo chuẩn Đức, Pháp, trong  giai đoạn 2014-2018, Sở Lao  động - thương binh và xã hội đã phối hợp với Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 triển khai đào tạo hệ cao đẳng trình độ quốc tế theo chuẩn City & Guilds (chuẩn Anh Quốc) cho hơn 600 học viên. Số học viên này đã được các tổ chức quốc tế kiểm tra, sát hạch và cấp bằng theo chuẩn quốc tế.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp tuyển dụng thì chất lượng khóa đào tạo này tốt hơn hẳn khóa đào tạo thông thường. Do đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay yêu cầu công việc thực tế mà không cần đào tạo lại.

Cùng với Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi cũng được Chính phủ Đức hỗ trợ, chuyển giao đào tạo nghề theo tiêu chuẩn Đức. Hiện nay, trường này đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên. Dự kiến, đến năm 2022, công tác chuẩn bị sẽ hoàn tất và tiến hành đào tạo.

Để sẵn sàng cho nhiệm vụ đào tạo này, hiện nay Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi đang có 12 giảng viên đi học tập tại Đức. Bên cạnh đó, phía Đức cũng cử 2 chuyên gia đến làm việc trực tiếp tại trường nhằm hỗ trợ các công việc liên quan đến đào tạo nghề. 

TS.Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi cho biết: “Việc đào tạo nghề theo chương trình của Đức tương đối nặng. Thời gian đào tạo có thể lên 3,5 năm và yêu cầu trình độ ngoại ngữ cao. Vì vậy, ngoài việc tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp THPT, chúng tôi dự kiến sẽ tuyển sinh cả đối tượng sinh viên đang học tại trường. Những sinh viên khá và mong muốn học nghề chương trình quốc tế có thể tham gia xét tuyển vào những nghề này”.

Hải Yến

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,454,020       7/1,026