Xã hội

Thấp thỏm nhiều nỗi lo

Hoạt động tổ chức trông giữ học sinh ngoài giờ chính khóa rất tiện lợi cho nhiều phụ huynh bận rộn, không thể đưa rước con đúng giờ hay có người thân ở nhà trông giữ con. Tuy nhiên, nếu không được quản lý tốt thì hoạt động này dễ xảy ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng xấu đến học sinh.

Một nhóm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) lên xe về nhà giáo viên sau giờ học buổi sáng tại trường
Một nhóm học sinh Trường tiểu học Nguyễn Du (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) lên xe về nhà giáo viên sau giờ học buổi sáng tại trường. Ảnh: C. Nghĩa

Kết thúc buổi học sáng lúc 11 giờ, từng đoàn học sinh khối 1, 2 Trường tiểu học Nguyễn Du (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) lại xếp hàng lần lượt ra xe ô tô đậu trước cổng trường để về nhà cô giáo ăn trưa và học phụ đạo vào buổi chiều. Những học sinh này chỉ được học 1 buổi/ngày, trong khi cha mẹ đều bận công việc, không thể sắp xếp đưa đón vào buổi trưa lại càng không thể ở nhà trông giữ các em vào buổi chiều.

* Không có nhiều lựa chọn

Cô Phạm Thị H. hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Du. Lớp do cô chủ nhiệm có gần 40 em thì có đến 32 em được cha mẹ tự nguyện gửi bán trú ở nhà cô. Sau buổi học sáng kết thúc, các em được cô H. hướng dẫn ra xe ô tô loại 35 chỗ ngồi chờ sẵn trước cổng trường chở thẳng về nhà cô ở phường Tân Phong. Tại nhà cô, các em được ăn trưa, nghỉ ngơi sau đó học phụ đạo cho đến hơn 4 giờ chiều cha mẹ đến đón về.

Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Bùi Văn Phượng cho hay, việc tổ chức trông giữ trẻ ngoài giờ chính khóa mang lại nhiều thuận lợi cho phụ huynh, tuy nhiên áp lực đặt ra trong công tác quản lý là rất lớn, nguy cơ xảy ra các yếu tố mất an toàn khá cao. Thời gian qua, Phòng GD-ĐT đã kiến nghị với các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động đưa rước học sinh để đề phòng việc sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, đảm bảo an toàn đưa rước học sinh. Phòng tạo điều kiện cho giáo viên tổ chức trông giữ trẻ ngoài giờ chính khóa, tuy nhiên sẽ xử lý nghiêm với những giáo viên có điều kiện cơ sở không đảm bảo, đề phòng các rủi ro đe dọa an toàn học sinh.

Để có thể phục vụ hơn 30 học sinh, cô H. phải bận rộn từ sáng tới chiều. Cô H. chia sẻ: “Việc nhận học sinh bán trú tại nhà tuy giúp cô có thêm thu nhập nhưng giáo viên cũng khá áp lực, quản lý không tốt để xảy ra rủi ro thì không biết phải ăn nói làm sao với nhà trường và phụ huynh”.

Trong khi đó, anh Giang Sơn Thọ công chức đang làm việc tại một đơn vị cấp sở thuộc UBND tỉnh cho biết, các trường tiểu học công lập ở trung tâm TP.Biên Hòa hiện mới chỉ dạy 1 buổi/ngày, buổi còn lại phụ huynh phải tự trông coi con cái, hoặc gửi con bán trú nhà cô ở buổi không đến lớp. Do phần lớn phụ huynh đều bận rộn nên có chung một lựa chọn là gửi con học bán trú ở nhà cô để tập trung cho công việc, dù rằng điều kiện ăn ở, sinh hoạt ở nhà cô thực sự khó lòng mà yên tâm.

Anh Thọ chia sẻ thêm: “Các trường ngoài công lập hiện có mô hình bán trú, tuy nhiên chi phí lại quá cao, mỗi tháng trọn gói từ 4-6 triệu đồng, gồm cả xe đưa rước thì không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện mà cho con học”.

Chị Phạm Thị Quỳnh Hoa làm việc tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (chi nhánh TP.Biên Hòa) cho hay, vợ chồng chị đều làm việc giờ hành chính, giờ giấc làm việc phải tuân thủ nghiêm chỉnh. Đúng 11 giờ 30 chị mới được nghỉ trưa nên không thể bỏ việc ra sớm đi đón con về nhà lúc 11 giờ được, hơn nữa vợ chồng chị Hoa lại có đến 2 con học ở 2 trường khác nhau.  Cách duy nhất giải quyết vấn đề đưa đón con cái là đăng ký cho con bán trú ở nhà cô, chiều hết giờ làm thì vợ chồng chị chia nhau qua nhà cô đón các con về.

“Mỗi tháng vợ chồng tôi phải trả phí gửi 2 con học bán trú ở nhà giáo viên gần 3 triệu đồng. Chúng tôi cũng lo lắng vì sợ số học sinh cô nhận bán trú đông, điều kiện ăn ở, vệ sinh khó được đảm bảo nhưng không còn lựa chọn nào khác” - chị Hoa nói.

* Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo quy định của Sở GD-ĐT, việc quản lý, tổ chức trông giữ học sinh tiểu học ngoài giờ học chính khóa tại các cơ sở giáo dục và ngoài nhà trường (tại nhà giáo viên) phải đảm bảo nhiều điều kiện bắt buộc như: diện tích trông giữ học sinh phải đảm bảo tối thiểu 1 m2/học sinh, có phòng ngủ và nhà vệ sinh riêng cho học sinh nam và nữ, điều kiện vệ sinh đảm bảo, có thiết bị phòng chống cháy nổ, thiết bị y tế… Nếu giáo viên muốn tổ chức trông giữ học sinh ngoài giờ học chính khóa phải đảm bảo được các điều kiện trên thì Phòng GD-ĐT mới tiến hành thẩm định cấp phép.

Một giáo viên tiểu học tại phường Long Bình (TP.Biên  Hòa) cho biết, để tổ chức giữ học sinh ngoài giờ chính khóa tại nhà, nhiều giáo viên buộc phải dẹp phòng khách, tận dụng cả phòng ngủ riêng, thậm chí cả hành lang lối đi trong nhà để các em có chỗ ngủ trưa. Nhà vệ sinh cũng chỉ có 1, học sinh phải xếp hàng để đi, do đó khó đòi hỏi phải  có nhà vệ sinh riêng biệt vì đa phần nhà giáo viên trong thành phố diện tích khá nhỏ, hẹp.

Người nhà của giáo viên Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh lên xe ra về nhà cô giáo theo mô hình bán trú
Người nhà của giáo viên Trường tiểu học Phan Đình Phùng (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh lên xe ra về nhà cô giáo theo mô hình bán trú. Ảnh: C. Nghĩa

Thời gian qua, ở một số tỉnh đã xảy ra hiện tượng học sinh bị bỏ quên trên xe đưa rước từ nhà tới trường gây bức xúc dư luận. Bên cạnh đó, còn có những sự việc đáng tiếc khi học sinh đến nhà giáo viên học thêm bị xâm hại, lợi dụng… Điều này đã tạo thêm nhiều lo lắng không chỉ với phụ huynh mà còn cả lãnh đạo quản lý các nhà trường. Thực tế những rủi ro trong việc trông giữ trẻ ngoài giờ hoàn toàn có thể xảy ra do giáo viên nhận trông giữ nhiều học sinh, điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo.

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại trung tâm TP.Biên Hòa cho biết, nhà trường chỉ có đủ điều kiện dạy học 1 buổi/ngày nên nhiều em phải học bán trú buổi còn lại ở nhà cô. Đây cũng là nhu cầu có thật của nhiều phụ huynh không có thời gian đưa rước hay người thân ở nhà trông coi các em. Việc để giáo viên tổ chức trông giữ trẻ ngoài giờ chính khóa khiến ban giám hiệu rất lo lắng bởi nguy cơ xảy ra mất an toàn cao. Tuy nhiên, do đây là nhu cầu của phụ huynh và giáo viên nên nhà trường cũng tạo điều kiện để giáo viên tổ chức trông giữ trẻ ngoài giờ lên lớp với yêu cầu phải cam kết thực hiện đúng các quy định, đảm bảo tốt nhất an toàn cho trẻ.

Chỉ tính riêng tại TP.Biên Hòa hiện có trên 200 giáo viên tiểu học được cấp phép tổ chức trông giữ học sinh ngoài giờ. Chi phí trông giữ trẻ từ 1,2-1,5 triệu đồng/tháng (tùy theo khu vực). Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT Biên Hòa đã cấp giấy phép dạy thêm cho trên 70 giáo viên khối THCS.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,447,565       3/1,006