Xã hội

Cần hành lang pháp lý rõ ràng

Dù đã "đẩy" nhiều bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính, nhưng 4 năm trôi qua, Bộ Y tế vẫn "nợ" các cơ sở y tế về hướng dẫn tự chủ tài chính riêng cho ngành Y tế.

Dù đã “đẩy” nhiều bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính, nhưng 4 năm trôi qua, Bộ Y tế vẫn “nợ” các cơ sở y tế về hướng dẫn tự chủ tài chính riêng cho ngành Y tế.

Để nâng cao chất lượng khi tự chủ, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã mời các chuyên gia y tế ở TP.Hồ Chí Minh về làm việc và “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ trẻ của bệnh viện. Ảnh: K.Ngọc
Để nâng cao chất lượng khi tự chủ, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã mời các chuyên gia y tế ở TP.Hồ Chí Minh về làm việc và “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ trẻ của bệnh viện. Ảnh: K.Ngọc

TIN LIÊN QUAN
Do đó, cả Sở Y tế và các cơ sở y tế vẫn đang lúng túng trong vấn đề chỉ đạo, triển khai thực hiện tự chủ.

* Nhập nhằng cơ chế thu - chi

Tại buổi giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập trước Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vào ngày 3-10, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, Bộ sẽ xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính đối với trung tâm y tế huyện đa chức năng. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh để có cơ chế khuyến khích người dân khám, chữa bệnh ở tuyến dưới; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế về vấn đề đảm bảo chi trả cho các dịch vụ ở mức cơ bản, người sử dụng chi trả ở phần vượt mức.

Theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị công lập của Chính phủ, Bộ Y tế cũng bắt đầu triển khai thực hiện thí điểm tự chủ tài chính ở một số bệnh viện công từ năm 2015. Do Bộ Y tế chưa có thông tư hướng dẫn tự chủ tài chính riêng cho ngành Y tế nên các bệnh viện vẫn còn phải vận dụng các điều khoản của Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 2006. Đây là khó khăn cho các bệnh viện vì chưa được thực hiện tự chủ hoàn toàn mà mới chỉ được tự chủ về tài chính.

TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, ngay khi có chủ trương tự chủ, Bộ Y tế phải có những quy định rõ ràng về vấn đề này. “Mọi thông tư hướng dẫn đáng lý phải được làm rõ trước khi bước vào thực hiện tự chủ. Với cơ chế hiện nay, nhiều cơ sở y tế rất “sợ” tự chủ vì sợ làm sai. Bài toán bệnh viện công xuống cấp; lương bác sĩ thấp, bỏ việc… sẽ vẫn tiếp tục diễn ra và không có hồi kết. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật để chỉnh sửa, Nhà nước chi quỹ không đủ phải mở cơ chế để các cơ sở thu thêm của người dân một cách minh bạch, hợp lý” - TS-BS.Phan Huy Anh Vũ nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, thực tế các kỹ thuật của y tế công vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của người dân. Mới đây, bệnh viện đã vay 100 tỷ đồng từ ngân hàng để đầu tư khu khám, chữa bệnh dịch vụ. Dự kiến, cuối năm 2020, khu dịch vụ này sẽ đi vào hoạt động. Khi bệnh viện xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn thì phải có quyền thu thêm, không vượt quá mức trần quy định của Bộ Y tế. Nhưng đến nay, những điều này vẫn chưa được quy định rõ ràng.

Bác sĩ Phan Văn Huyên kiến nghị: “Tránh tình trạng đi sai đường, chúng tôi cần một cơ chế rõ hơn, mở hơn về thu - chi tài chính. Giờ chúng tôi cứ phải dò dẫm đi tìm đường, mỗi nơi phải linh động tìm cách sao để không sai luật”.

* Tự chủ hoàn toàn mới ra khỏi vòng luẩn quẩn

“Một trưởng khoa đã được bổ nhiệm, dù làm không tốt, khiến bệnh viện trì trệ nhưng giám đốc bệnh viện vẫn không có quyền cắt chức hoặc thay người. Hoặc một bác sĩ có chuyên môn tốt, làm việc có hiệu quả cao nhưng không được trả lương đúng năng lực. Đây là thực trạng bệnh viện tự chủ nhưng vẫn không được tự quyết tại các bệnh viện công” - bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế cho hay.

Bác sĩ Lê Quang Trung cho rằng, khi cho các bệnh viện công tự chủ phải cho họ quyền tự quyết. Khi tự chủ, những cơ sở có tiềm lực về cơ sở vật chất, con người sẽ phát triển chuyên sâu, nâng cao uy tín. Qua đó, họ sẽ thu hút bệnh nhân đông hơn, có nguồn thu lớn, các cơ sở này sẽ có điều kiện tái đầu tư để nâng cao chất lượng hơn nữa, từ đó, sẽ giải quyết được “vòng luẩn quẩn”: bác sĩ bệnh viện công lương thấp, nghỉ việc; cơ sở xuống cấp…

Bác sĩ Phan Huy Anh Vũ phân tích thêm, cơ chế quản lý tài chính và con người của các đơn vị tự chủ cũng cần phải được tháo gỡ. Về cơ chế tài chính, khi đã giao tự chủ phải làm sao để các đơn vị được chủ động sử dụng nguồn thu - chi. Trong đó, lãnh đạo bệnh viện được quyền nhất định khi chi trả lương đúng với đóng góp của các cá nhân. Có nghĩa, các cá nhân làm tốt hơn, năng suất hơn thì được trả lương cao hơn và ngược lại. Để đảm bảo tính công bằng, Sở Y tế sẽ kiểm tra, giám sát các hoạt động của đơn vị theo quy định nhưng không làm mất tính tự chủ của đơn vị.

Đối với vấn đề quản lý con người, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Nhà nước cần có cơ chế thoáng về tiếp nhận và sử dụng con người. Các bệnh viện tự chủ đang phải tự tìm nguồn lương chi trả cho người lao động nên họ có quyền được chi trả lương phù hợp, đồng thời có quyền chọn cá nhân có năng lực và đào thải cá nhân không đáp ứng được công việc. Về trang thiết bị, Nhà nước cũng cần có cơ chế cho các đơn vị công lập thực hiện tự chủ giống như các đơn vị ngoài công lập trong việc đầu tư trang thiết bị. Như vậy, các đơn vị được quyền huy động các nguồn để đầu tư máy móc hiện đại phục vụ chuyên môn với thủ tục đơn giản và nhanh chóng hơn.    

Khánh Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,083,761       11/1,043