Xã hội

Kiểm soát chặt chẽ bán thuốc kê đơn

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 3,3 ngàn cơ sở bán lẻ thuốc (gồm nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế, nhà thuốc tại các bệnh viện) đạt chuẩn GPP (tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc).

Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: H. Dung
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: H. Dung

Nhằm quản lý hiệu quả các cơ sở bán lẻ thuốc, hạn chế tình trạng bán thuốc kháng sinh tràn lan gây kháng kháng sinh, Sở Y tế đang triển khai đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020.

* Vẫn còn bán thuốc không có đơn

Phó trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) Nguyễn Duy Văn cho biết, không riêng gì ở Đồng Nai mà hiện nay trên cả nước, tình trạng các nhà thuốc, quầy thuốc bán thuốc kháng sinh không cần có đơn thuốc vẫn diễn ra khá phổ biến.

Theo quy định, sau ngày 1-1-2020, quầy thuốc nào chưa thực hiện kết nối công nghệ thông tin, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia, Sở Y tế sẽ ra thông báo, tùy theo tình hình có thể gia hạn cho các đơn vị. Sau thời gian đó, Sở sẽ tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, nếu cơ sở nào vẫn chưa thực hiện kết nối công nghệ thông tin sẽ thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của cơ sở đó.

Người dân khi bị các bệnh nhẹ thường tự ý đến các nhà thuốc để mua thuốc uống chứ không đi khám bệnh, không được bác sĩ kê đơn thuốc. Do đó, có những trường hợp bệnh không phải nhiễm trùng, không cần phải sử dụng thuốc kháng sinh nhưng nhân viên nhà thuốc vẫn bán thuốc kháng sinh cho người dân. Việc cả người bệnh, người bán thuốc lạm dụng thuốc kháng sinh khiến tình trạng kháng kháng sinh trở nên đáng báo động.

Mới đây, một trường hợp bệnh nhân nữ 12 tuổi (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) sau khi xỏ khuyên tai thì vành tai bị đau nhức, sưng nóng đỏ, tụ mủ nhiều đã tự ý đến nhà thuốc mua thuốc kháng sinh, điều trị tại nhà. Một tuần sau khi uống thuốc, vành tai trái của bệnh nhân không những không khỏi mà còn sưng to hơn và kèm theo xì mủ.

Qua thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai chẩn đoán bệnh nhân bị áp xe tai ngoài, theo dõi viêm sụn vành tai trái. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh kết hợp giảm đau, sau đó chích rạch áp xe mặt trước vành tai cho ra ngoài nhiều dịch mủ xanh đục kèm máu. Sau 2 tuần được điều trị tại bệnh viện, vành tai bệnh nhân không còn đỏ, không đau nhưng có biểu hiện biến dạng, co rúm, có nguy cơ tiêu sụn vành tai, ảnh hưởng lớn đến vấn đề thẩm mỹ.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc nhằm kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, đến nay trong toàn tỉnh đã có  478 nhà thuốc và 404 quầy thuốc kết nối công nghệ thông tin, liên thông với hệ thống dữ liệu dược quốc gia để quản lý xuất, nhập, hạn sử dụng, bán thuốc theo đơn.

Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều nhà thuốc, quầy thuốc đã kết nối công nghệ thông tin, để thực hiện nghiêm túc việc bán thuốc theo đơn là điều không dễ.

Bà N.T.N., chủ nhà thuốc ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) giãi bày: “Người đi mua thuốc chủ yếu là bị bệnh nhẹ như: cảm cúm, ho, sổ mũi, nhức đầu… nên không có toa thuốc. Ngoài ra, trong phần mềm kết nối công nghệ thông tin có một giao diện để bán thuốc theo đơn, nhưng đơn thuốc lại chưa được đưa lên hệ thống dược quốc gia. Do đó, có những đơn thuốc khi người dân mang đến nhà thuốc để mua thuốc, người bán thuốc phải ngồi gõ lại tên thuốc, mã vạch để nhập lên hệ thống rồi mới bán thuốc. Điều đó tốn nhiều thời gian của khách hàng và cả nhà thuốc”.

* Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra

Ông Nguyễn Duy Văn cho rằng, không thể ngày một, ngày hai có thể thay đổi được nhận thức và thói quen mua, bán thuốc không theo đơn của cả người dân và người bán thuốc. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được.

Sở Y tế đang triển khai đề án Tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Ở giai đoạn 1, Sở Y tế tiến hành khảo sát nhận thức của người kê đơn thuốc, hoạt động kê đơn thuốc ngoại trú tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. Đồng thời triển khai tập huấn, khảo sát nhận thức của người bán lẻ thuốc về quy định của pháp luật liên quan đến bán thuốc kê đơn cho các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn TP.Long Khánh.

Giai đoạn 2, Phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế sẽ tập huấn đối với các bác sĩ trong tỉnh, nội dung chính xoay quanh việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, Phòng Thanh tra và Phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở bán lẻ thuốc để đánh giá sau khi thực hiện giai đoạn 1 của đề án thì các cơ sở bán lẻ thuốc có sự chuyển biến như thế nào. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, 100% thuốc kháng sinh khi bán ra tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong tỉnh phải có đơn thuốc.

Bên cạnh đó, đến ngày 1-1-2020, tất cả các quầy thuốc trong tỉnh phải kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia.

Để đạt mục tiêu này, Sở Y tế đã ra văn bản quy định từ ngày 1-7-2019, tất cả các cơ sở bán lẻ thuốc mở mới và cơ sở tái kiểm tra GPP để cấp lại giấy chứng nhận GPP phải kết nối công nghệ thông tin. Hiện có hơn 60 doanh nghiệp đã được Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công bố đủ tiêu chuẩn cung cấp phần mềm kết nối công nghệ thông tin. Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở bán lẻ thuốc để liên hệ với các doanh nghiệp này, tiến hành kết nối cho phù hợp với điều kiện của cơ sở mình.

“Sau khi doanh nghiệp và các quầy thuốc đã làm việc, thống nhất với nhau, cơ sở bán lẻ thuốc chỉ cần gửi e-mail đến Sở Y tế, trong vòng 2 ngày, Sở Y tế sẽ cấp cho cơ sở bán lẻ thuốc tài khoản để liên thông lên hệ thống. Trong quá trình thực hiện, nếu nhà thuốc, quầy thuốc thay đổi nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hay chuyển địa điểm kinh doanh thuốc, Sở Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể để các cơ sở thực hiện cho phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của cơ sở” - ông Nguyễn Duy Văn cho hay.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,083,332       9/904