Xã hội

Quản lý cơ sở làm đẹp: Vì sao khó?

Mặc dù đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận sự cố nghiêm trọng nào do làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ nhưng cũng đã có những trường hợp khách hàng bị biến chứng nguy hiểm sau khi làm đẹp.

Một ca tiểu phẫu được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ tại một phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Dung
Một ca tiểu phẫu được thực hiện bởi bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ tại một phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Dung

Việc quản lý các cơ sở thẩm mỹ hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

* Chồng chéo trong quản lý, cấp phép hoạt động

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ kiến nghị: “Việc chăm sóc, làm đẹp liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người nên cần giao quyền thực sự cho ngành Y tế. Đó là quyền được cấp phép hoạt động, quyền được kiểm tra, thanh tra đột xuất, định kỳ để kịp thời phát hiện, xử phạt các cơ sở khi có vi phạm. Nếu để các cơ sở làm đẹp hoạt động như hiện nay sẽ rất nguy hiểm cho người dân”.

Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế Lê Quang Ánh cho hay, hoạt động của những cơ sở thẩm mỹ có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người nhưng ngành Y tế lại không phải là đơn vị cấp phép mà do Sở Kế hoạch - đầu tư hoặc phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp giấy phép đăng ký kinh doanh.

“Do không phải là đơn vị trực tiếp cấp giấy phép hoạt động nên ngành Y tế cũng không biết trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu cơ sở làm đẹp. Ngành Y tế chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ và các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ” - ông Lê Quang Ánh nhấn mạnh.

Theo đó, toàn tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, cũng không có bệnh viện đa khoa nào có khoa thẩm mỹ đang hoạt động. Sở Y tế mới chỉ cấp giấy phép hoạt động cho 4 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, gồm 3 phòng khám ở TP.Biên Hòa và 1 phòng khám ở TP.Long Khánh.

Ngoài ra, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khác chỉ cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, 10 ngày trước khi hoạt động có thông báo đủ điều kiện hoạt động gửi đến Sở Y tế (bao gồm: có địa điểm cố định; bảo đảm các điều kiện về phòng cháy chữa cháy; có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở; chỉ phun xăm thêu trên da không dùng thuốc tê dạng tiêm. Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp) là được quyền hoạt động. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 20 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đủ các điều kiện trên.

* Bị động trong thanh, kiểm tra

Trong vòng 4 ngày từ 14 đến 18-10, tại TP.Hồ Chí Minh ghi nhận 2 trường hợp nữ khách hàng tử vong sau khi phẫu thuật căng da mặt và nâng ngực tại 2 bệnh viện thẩm mỹ. Cục Quản lý khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế đã có công văn khẩn yêu cầu Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh nhanh chóng làm rõ nguyên nhân tử vong của 2 khách hàng này.

Theo quy định, với những phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có phun, xăm, thêu trên da không dùng thuốc tê dạng tiêm đã có thông báo đủ điều kiện hoạt động gửi Sở Y tế thì Sở Y tế chỉ được kiểm tra không quá 2 lần/năm và phải báo trước với những cơ sở này. Còn các cơ sở làm đẹp, các spa, massage tiến hành các hoạt động thuộc hình thức phải được cấp giấy phép như: cắt mí, bơm môi, tiêm chất làm đầy, nâng ngực..., Sở Y tế chỉ được can thiệp, thanh, kiểm tra khi có đơn thư phản ảnh, bằng chứng cụ thể.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết, những quy định trên khiến ngành Y tế rất thụ động trong việc ngăn ngừa sai phạm của các cơ sở làm đẹp, không nắm được bất kỳ thông tin hoạt động gì của những cơ sở này. Vì thế, người dân chính là đối tượng chịu thiệt thòi nhất, chỉ đến khi “tiền mất, tật mang”, gửi đơn thư tố cáo mới được cơ quan chức năng can thiệp.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, những vi phạm chủ yếu của các spa, thẩm mỹ viện như: kinh doanh thuốc, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhân viên hành nghề vượt quá phạm vi cho phép, quảng cáo quá chuyên môn quy định; cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng người trực tiếp thực hiện các kỹ thuật có xâm lấn lên khách hàng không có chứng chỉ hành nghề.

Để nâng cao chất lượng quản lý các cơ sở làm đẹp trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, các cấp trong quản lý, kiểm tra, phát hiện, xử phạt các cơ sở thẩm mỹ viện, spa vi phạm. Đó là các phòng y tế (cơ quan quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn cấp huyện); Sở Kế hoạch - đầu tư, phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện (cấp giấy phép đăng ký kinh doanh); Sở Thông tin - truyền thông (quản lý website của các cơ sở thẩm mỹ có quảng cáo, tư vấn và cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, dịch vụ làm đẹp); Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (quản lý về các biển, băng-rôn quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ)…

“Đặc biệt, người dân khi có ý định đi làm đẹp, nhất là thực hiện các kỹ thuật có xâm lấn cần biết bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu kỹ cơ sở làm đẹp nào được cấp phép hoạt động, có bác sĩ, nhân viên y tế được cấp chứng chỉ hành nghề hay không để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra” - ông Lê Quang Ánh lưu ý.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,415,266       2/1,018