Xã hội

Học Bác để dạy tốt

Hơn 10 năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Nguyễn Thị Phương Anh (Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) luôn nỗ lực hết mình để truyền đạt kiến thức đến học trò một cách tốt nhất

Cô Nguyễn Thị Phương Anh, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thường xuyên ở lại sau giờ học rèn bài cho 2 học sinh dân tộc Khmer
Cô Nguyễn Thị Phương Anh, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) thường xuyên ở lại sau giờ học rèn bài cho 2 học sinh dân tộc Khmer. Ảnh:L.Na

Cô là một trong những tấm gương giáo viên trẻ sáng tạo và tích cực đổi mới trong dạy học, được đồng nghiệp và học sinh tin yêu, quý mến.

* “Gia tài” của  cô giáo

Sinh ra và lớn lên tại TP.Long Khánh, trước khi đến với nghề giáo, cô Phương Anh từng là sinh viên ngành múa của Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai và có thời gian làm việc tại Đoàn Ca múa nhạc tỉnh (nay là Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai). Năm 2007, cô Phương Anh tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai (Trường đại học Đồng Nai hiện nay) ngành tiểu học, được phân công về giảng dạy tại Trường tiểu học Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Đến cuối năm 2018, cô được điều động về Trường tiểu học Nguyễn Thái Học - ngôi trường mới xây - nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn phường Trảng Dài.

Cô Nguyễn Thị Dung, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay: “Cô Phương Anh là giáo viên yêu nghề, thương học sinh, có năng lực chuyên môn vững vàng, từng đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh. Không chỉ sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học mà trong các hoạt động văn hóa văn nghệ của trường, của địa phương cô rất tích cực tham gia”.

Cô Phương Anh nhớ như in những ngày đầu mới chập chững vào nghề, tiếp xúc với học sinh khối lớp 1. Các em còn quá nhỏ và rất hiếu động, ít tập trung vào bài học. Thế nên, việc tiếp cận các phương pháp dạy học cho khối tiểu học, lấy học sinh làm trung tâm là điều cô rất quan tâm.

“Giáo viên tiểu học phải dạy rất nhiều môn, nhất là rèn nét chữ đầu tiên cho học sinh. Cùng với rèn chữ, còn phải lồng ghép các bài học về cuộc sống, nhân cách con người để trau dồi đạo đức cho các em. Đồng thời, tôi cũng thường xuyên lên ý tưởng thực hiện một số sáng tạo về thiết bị hỗ trợ dạy học. Nhờ vậy, học sinh của tôi tiếp thu kiến thức một cách nhanh hơn” - cô Phương Anh bộc bạch.

Với cô Phương Anh, gia tài lớn nhất chính là sự tiến bộ, trưởng thành mỗi ngày của học sinh. “Năm nay, lớp tôi chủ nhiệm có 2 học sinh khuyết tật (trí tuệ và giọng nói) và 2 học sinh dân tộc Khmer. Các em tiếp thu rất chậm nên sau mỗi giờ học trên lớp tôi đều ngồi lại, giảng tỉ mỉ từng bài cho từng em. Từ chỗ các em không biết viết, biết đọc nay các em đã thực hiện được phép tính cộng trừ đơn giản, biết ghép các từ và câu, nhận biết và đếm được các số. Sự tiến bộ đó khiến tôi rất xúc động”- cô Phương Anh nhớ lại.

Bên cạnh việc dạy học, cô Phương Anh còn tham mưu Ban giám hiệu nhà trường phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, tích cực nghiên cứu khoa học. Cô luôn đi đầu ứng dụng khoa học - công nghệ, cải tiến phương pháp dạy học, xây dựng giáo án điện tử. Nhiều sáng kiến của cô tham gia các cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, đã và đang áp dụng vào thực tiễn như: bộ giám sát giấc ngủ cho trẻ, giải pháp chiếc nôi thông minh, chổi đa năng hay sáng kiến bàn học thông minh…

* Học Bác từ thực tiễn công việc

Với những nỗ lực không ngừng, nhiều năm liền cô Phương Anh được tặng bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, của ngành Giáo dục, Văn hóa, Khoa học -  công nghệ. Tiêu biểu như: bằng khen giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy (2016), giấy khen giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố nhiều năm; giấy khen về hoạt động phong trào xây dựng đời sống văn hóa; được tuyên dương là tấm gương tiêu biểu trong phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Cô Phương Anh quan niệm rất đơn giản, dạy chữ là dạy người, học Bác là phải học từ thực tiễn công việc, từ những điều giản dị và gần gũi nhất. Ham học hỏi, cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất có thể. Với mỗi sáng tạo khoa học áp dụng vào dạy học, cô đều bắt nguồn từ yêu cầu công việc chứ không phải là chuyện chạy theo thành tích.

“Ghi nhớ lời Bác “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, tôi luôn ý thức giữ gìn tư cách đạo đức nhà giáo, có lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị, gương mẫu, chan hòa với mọi người và các học sinh” - cô Phương Anh chia sẻ.

Năm 2014, cô Phương Anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, cô còn là “hạt nhân” nòng cốt trong phong trào văn hóa, văn nghệ của phường Trảng Dài và TP.Biên Hòa. Cô cũng là tấm gương trong xây dựng gia đình hạnh phúc, nhiều năm đại diện cho các gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc trên địa bàn tỉnh tham gia Ngày hội Gia đình văn hóa khu vực Đông Nam bộ.

Nói về những dự định sắp tới, cô Phương Anh cho biết vẫn đang tích cực dạy tốt, học tốt. Hiện cô đang nghiên cứu một số giải pháp ứng dụng trong dạy trẻ như: ứng dụng sinh trắc vân tay cho trẻ; thiết bị khử khuẩn bàn chải đánh răng bằng tia UV… “Tôi hy vọng, những ứng dụng này sau khi hoàn thiện và đi vào thực tiễn sẽ phần nào góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học” - cô Phương Anh nói.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,411,161       7/1,034