Xã hội

Khi nhà khởi nghiệp trẻ trở thành bộ trưởng

Ngày 23-10, Nadiem Makarim - doanh nhân khởi nghiệp 35 tuổi, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Gojek (nền tảng siêu ứng dụng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu của Indonesia) đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và văn hóa trong nội các Chính phủ mới của Tổng thống Joko Widodo. Ngay sau đó, theo luật định, ông Nadiem Makarim đã từ chức CEO của Gojek.

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và ông Nadiem Makarim (trái) tại trụ sở Gojek hồi cuối tháng 8-2019
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và ông Nadiem Makarim (trái) tại trụ sở Gojek hồi cuối tháng 8-2019

* Chuyện hiếm  ở khu vực Đông Nam Á

Thành lập năm 2010 tại Indonesia, Gojek hiện là nền tảng đa dịch vụ theo nhu cầu và tập đoàn công nghệ thanh toán số hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, Gojek tại Indonesia đã trở thành một siêu ứng dụng (super app) với hơn 20 loại hình dịch vụ trên app, trong đó có hơn 2 triệu đối tác tài xế.

Gojek là công ty duy nhất ở khu vực Đông Nam Á đã hai lần lọt vào danh sách “50 công ty làm thay đổi thế giới” do Tạp chí Fortune bình chọn, vào năm 2017 và 2019. Ông Nadiem Makarim có tên trong danh sách “2018 Bloomberg 50” do Hãng tin kinh doanh Bloomberg bình chọn vinh danh 50 nhân vật kinh doanh có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Theo nghiên cứu của Temasek, Gojek mỗi năm đóng góp trung bình 732 triệu USD vào nền kinh tế Indonesia.

Ngày 23-10 vừa qua, ông Nadiem Makarim đã gửi email tới tất cả nhân viên của Gojek, trong đó điểm lại quá trình phát triển của công ty trong 9 năm qua và bày tỏ những hy vọng của mình về tương lai của Gojek. Ông viết: “Chúng tôi đã bắt đầu công ty này từ chỗ không có gì, chỉ có sự mong muốn sâu sắc để thay đổi mọi thứ cho tốt hơn. Chúng tôi thấy rằng đường phố Jakarta là một mớ hỗn độn và cũng thấy rằng có một cộng đồng lái xe ojek (xe ôm ở Indonesia) không chính thức có thể dễ dàng đóng vai trò to lớn trong giải pháp cho mớ hỗn độn đó, nếu như họ được tổ chức và hoạt động hiệu quả. Chỉ với mong muốn ban đầu là cải thiện cuộc sống cho mọi người, cũng như có được một số lượng lớn sự hỗ trợ từ vô số bạn bè, đối tác và các bên liên quan, chúng tôi đã tạo ra Gojek. Một công ty mang tính biểu tượng phất cờ cho tương lai của Indonesia và Đông Nam Á”.

Nadiem Makarim trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục và văn hóa của Indonesia ở tuổi 35 sau khi rời khỏi Gojek với kỳ vọng sẽ giúp Chính phủ Indonesia phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghệ. Trên thực tế, ở Đông Nam Á gần như không có trường hợp startup (nhà khởi nghiệp) được vào Chính phủ vì nhiều lý do. Một trong những lý do đó là e ngại về một doanh nghiệp cụ thể có khả năng tạo ra một sân chơi độc quyền khi chủ doanh nghiệp đó ngồi vào nội các chính phủ.

* Gojek sẽ ra sao khi mất người thủ lĩnh?

Cùng với sự ra đi của Nadiem Makarim, ông Andre Soelistyo, đương kim Chủ tịch Tập đoàn Gojek và ông Kevin Aluwi, đồng sáng lập viên của Gojek đã trở thành đồng CEO của Gojek với mục tiêu tiếp tục bảo đảm sự phát triển bền vững lâu dài cho doanh nghiệp. Hai ông này cùng với Nadiem là bộ ba quyền lực đã cùng nhau điều hành Gojek trong những năm qua, và nhờ vậy đã bảo đảm cho việc chuyển giao quyền lãnh đạo diễn ra suôn sẻ.

Trong email gửi cho Gojek, Nadiem Makarim viết: “Tôi sẽ để lại Gojek trong những đôi tay có khả năng của Andre Soelistyo và Kevin Aluwi với tư cách là đồng CEO, cả hai đều đóng vai trò trung tâm trong việc đưa công ty theo con đường từ văn phòng ở Nam Jakarta lên sân khấu toàn cầu. Kevin và Andre là những người tốt nhất của Gojek. Họ đã điều hành công ty này được vài năm và tôi hoàn toàn tin tưởng không chỉ vào kỹ năng kỹ thuật và khả năng thực thi hoàn hảo của họ, mà còn ở sự chính trực và mong muốn làm điều đúng đắn của họ trong mỗi bước đi”.

Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định rằng sự ra đi của Nadiem sẽ gây ra không ít khó khăn cho Gojek. Ngay tại thời điểm này Gojek đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của Grab (đối thủ đến từ Singapore) trên chính lãnh thổ Indonesia.

Gojek hiện được định giá 10 tỷ USD và đang hoạt động tại các thị trường Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Singapore, trong khi đó Grab được định giá 14 tỷ USD và đang thống trị toàn bộ thị trường Đông Nam Á. Hồi tháng 7, cổ đông lớn nhất của Grab là tập đoàn tài chính SoftBank tuyên bố sẽ đổ thêm 2 tỷ USD vào thị trường Indonesia cho Grab, nhằm lật đổ Gojek trên chính sân nhà. Theo báo cáo của ABI Research, nửa đầu năm 2019, Grab nắm hơn 62% thị phần gọi xe trên chính thị trường Indonesia.

* Điều này có ảnh hưởng đến Việt Nam?

Gojek là công ty liên kết của ứng dụng “xe ôm công nghệ” Go-Viet tại Việt Nam. Do đó những thay đổi về thượng tầng của Gojek cũng ít nhiều ảnh hưởng đến Go-Viet tại Việt Nam. Điều trùng hợp là trong khi Gojek khủng hoảng về nhân sự cấp cao thì điều đó cũng diễn ra ở Go-Viet trong thời gian qua. Có mặt tại thị trường Việt Nam chỉ mới hơn một năm, Go-Viet liên tục thay đổi nhân sự bao gồm tổng giám đốc, giám đốc chiến lược, giám đốc marketing. Gần nhất, từ ngày 11-10 bà Lê Diệp Kiều Trang cũng giã từ Go-Viet sau vỏn vẹn 5 tháng làm Tổng giám đốc.

Một trùng hợp nữa là sự cạnh tranh gay gắt tại Việt Nam của Grab, trong đó Go-Viet nắm phần thất thế rõ rệt. Grab có mặt tại Việt Nam từ 5 năm nay, công bố đã tiêu hơn 100 triệu USD vào thị trường này và liên tục mở thêm nhiều dịch vụ tại đây. Grab mới đây công bố sẽ rót tiếp 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics. Trong khi đó, ngay cả dịch vụ gọi xe hơi, Go-Viet cũng chưa mở được tại Việt Nam.

Cuối tháng 8-2019, đoàn công tác cấp cao TP.Hồ Chí Minh do Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại Gojek, đề xuất nhiều phương án hợp tác giữa Gojek/Go-Viet và TP.Hồ Chí Minh (khi đó bà Lê Diệp Kiều Trang còn là Tổng giám đốc Go-Viet và ông Nadiem còn là Tổng giám đốc Gojek). Trong khi Nadiem rời bỏ Gojek, bà Lê Diệp Kiều Trang rời bỏ Go-Viet thì trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ ông Masayoshi Son, Tổng giám đốc SoftBank (cổ đông lớn nhất của Grab) và khẳng định “Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để SoftBank đầu tư vào Việt Nam”.

Phạm Hoài Nhân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,407,083       30/1,157