Xã hội

Đùa quá trớn trên mạng xã hội: Lợi bất cập hại

Tung tin gây sốc, tin không có thực, hình ảnh cắt ghép nhạy cảm chỉ nhằm đùa cợt trên mạng xã hội (MXH) đã làm không ít cá nhân, tổ chức thiệt hại, hoang mang, tổn thương. Dù biết đây là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự, song nhiều người vẫn thích "múa" bàn phím để câu view.

Tung tin gây sốc, tin không có thực, hình ảnh cắt ghép nhạy cảm chỉ nhằm đùa cợt trên mạng xã hội (MXH) đã làm không ít cá nhân, tổ chức  thiệt hại, hoang mang, tổn thương. Dù biết đây là hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có thể bị xử lý hình sự, song nhiều người vẫn thích “múa” bàn phím để câu view.

Một tài khoản Facebook đăng thông tin không đúng sự thật
Một tài khoản Facebook đăng thông tin không đúng sự thật

* Chỉ vì “câu view”

Những ngày qua, nhiều người dân không dám ăn sò lụa vì trước đó trên MXH Facebook, tài khoản Bio Dương (ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đăng tải thông tin 4 người ở Cà Mau ăn sò lụa dẫn đến 1 người chết, 3 người cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Qua kiểm chứng của các cơ quan chức năng, thông tin trên hoàn toàn là bịa đặt. Chủ tài khoản Facbebook này cũng bị cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau phạt hành chính 10 triệu đồng về hành vi dùng MXH Facebook đăng thông tin giả.

Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai cũng có rất nhiều tin “thất thiệt” được các “tay múa bàn phím” đăng tải trên MXH khiến nhiều người hoang mang. Cuối tháng 9-2019, một tài khoản Facebook mang tên Chiến Binh Vũ Trụ đã đăng một clip dài hơn 4 phút: “Đêm, ma đi hàng đàn ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai”.

Theo chủ tài khoản Facebook Chiến Binh Vũ Trụ, khi chăm sóc người thân ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, buổi tối anh này ra sân căng-tin hóng gió và thấy từng đoàn người áo trắng đi phất phơ. Từ thông tin này, nhiều người bệnh và thân nhân chăm sóc người nhà ở bệnh viện hoang mang. Bên dưới bài đăng, khá nhiều bình luận trái chiều. Có người còn liên tưởng đến việc đã từng có trường hợp nhảy lầu ở bệnh viện.

“Nội dung đăng tải nói trên chỉ là tin đồn nhảm” - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn khẳng định. Trước đây, tại bệnh viện cũng có xảy ra một vài trường hợp bệnh nhân nhảy lầu tự tử do những vấn đề trong cuộc sống nhưng khoảng nửa năm nay, sau khi bệnh viện gia cố làm thêm các khung chắn cửa sổ, làm rào lưới ở phía dưới, liên tục phân công bảo vệ đi tuần tra nên không còn tình trạng bệnh nhân nhảy lầu.

Cuối tháng 8-2019, nhiều trang MXH Facebook đăng thông tin về vụ một người đàn ông ở trọ tại phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) bị chặt đứt đầu. Đi kèm thông tin này là hình ảnh hiện trường máu me rùng rợn, người chen chúc đứng xem và cả công an cũng có mặt. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, thời điểm đó trên địa bàn hoàn toàn không có vụ việc này, tất cả hình ảnh được cắt ghép, thông tin “sốc” chỉ để... “câu view”.

* Coi chừng vi phạm pháp luật

Sức ảnh hưởng của MXH là rất lớn, có thể tác động đến nhận thức, tình cảm, thái độ và hành vi của con người. Song, nhiều người vẫn nghĩ MXH là “ảo” nên thoải mái “múa” bàn phím, thoải mái phát ngôn, đăng tải, chia sẻ những thông tin thiếu cơ sở, sai sự thật ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận. Sự thiếu hiểu biết này vô tình dẫn đến vi phạm pháp luật.

Vụ Bệnh viện FV (đóng tại quận 7, TP.Hồ Chí Minh) thắng kiện người dùng Facebook cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật về bệnh viện là một ví dụ điển hình. Cụ thể bà N.T.M.C. (ngụ quận 7) dùng thuốc tránh thai khẩn cấp và đến khám ở Bệnh viện FV. Bệnh viện thông báo bà có thai, nhưng do tác động của việc uống thuốc tránh thai khẩn cấp, thai đã bị hư tan và cho bà thuốc để tháo dịch ra. Nhưng khi về, bà C. lại đăng lên Facebook của mình rằng bệnh viện làm bà sảy thai, kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay Bệnh viện FV.

Ngày 21-10, Tòa án nhân dân quận 7 đã tuyên Bệnh viện FV thắng kiện, buộc bà C. xóa bài viết trên Facebook cá nhân, xin lỗi công khai trên 3 tờ báo và bồi thường tổn thất tinh thần cho Bệnh viện FV là 13,5 triệu đồng.

Từ góc độ pháp lý,  luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, tung thông tin giả trên MXH vì bất cứ lý do gì đều là vi phạm pháp luật. Tùy vào nội dung tin đồn, tính chất, động cơ đăng tải thông tin và mức độ tác động mà chủ tài khoản có thể đối mặt với việc bị xử lý hành chính, dân sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo khuyến cáo của Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông Giang Thị Thu Nga , người sử dụng MXH nên cẩn trọng trong việc đưa thông tin, hình ảnh lên MXH. Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm về những gì mình đăng tải; đồng thời phải tỉnh táo, sáng suốt, thẩm định thông tin trước khi share (chia sẻ), like (thích) để không trở thành người tiếp tay phát tán cho những thông tin giả, tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến bản thân và cộng đồng...

Theo Điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, người có hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Hoặc người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm theo Điều 22, Bộ luật Hình sự.

Phương Liễu

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,081,307       2/1,186