Xã hội

Sinh viên nghiên cứu khoa học: Cần mạnh dạn

Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề Kỹ năng nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2019 tại Trường đại học Đồng Nai. Chương trình có sự tham gia của khoảng 200 sinh viên các trường đại học, cao đẳng đang học tập trên địa bàn tỉnh.

PGS-TS.Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội trình bày chủ đề Tri thức và tư duy tại chương trình tọa đàm Kỹ năng nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2019
PGS-TS.Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội trình bày chủ đề Tri thức và tư duy tại chương trình tọa đàm Kỹ năng nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2019

Tọa đàm có 4 chuyên đề chính: Vì sao nên nghiên cứu khoa học?; Phương pháp tư duy khoa học; Đạo đức khoa học - hãy là người nghiên cứu tử tế; Ứng dụng nghiên cứu và kết nối cộng đồng.

* Không biết bắt đầu từ đâu

Đó là khó khăn chung của các sinh viên khi bắt tay vào công việc nghiên cứu khoa học. Lê Trương Ngọc Giàu đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Giáo dục tiểu học, Trường đại học Đồng Nai. Ngọc Giàu cho rằng nghiên cứu khoa học là công việc tất nhiên mà sinh viên đại học phải làm, bởi thông qua công việc này, sinh viên có thể hiểu rõ bản chất những vấn đề mà mình muốn tìm hiểu.

Tuy vậy, cũng như hầu hết các sinh viên khác, Ngọc Giàu không biết phải bắt đầu tiến hành một nghiên cứu khoa học như thế nào. Ngọc Giàu chia sẻ: “Bản thân em rất quan tâm đến vấn đề nghiên cứu khoa học. Trong các môn học ở trường, giảng viên cũng đã yêu cầu chúng em làm các nghiên cứu nhỏ dưới dạng bài tập. Thầy cô cũng có hướng dẫn qua cách thức làm nghiên cứu. Song chúng em vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể các bước tiến hành một công trình nghiên cứu khoa học”.

Thắc mắc này đã được Ngọc Giàu nêu ra tại tọa đàm Kỹ năng nghiên cứu khoa học sinh viên năm 2019. Một loạt câu hỏi khác cũng được các sinh viên nêu ra như: làm thế nào tìm được cảm hứng để nghiên cứu khoa học, có thể tìm kiếm tư liệu cho việc nghiên cứu từ những nguồn nào, kỹ năng tìm kiếm thông tin khoa học chính xác trên internet…

Trả lời những thắc mắc này, PGS-TS.Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội cho rằng, sinh viên nên bắt đầu công việc nghiên cứu khoa học đối với những lĩnh vực chuyên môn mà mình đang theo học và hãy lựa chọn những chủ đề mà bản thân yêu thích.

Hiểu một cách đơn giản, nghiên cứu khoa học chính là một cuộc tìm kiếm những tri thức của nhân loại trong lĩnh vực mà người nghiên cứu đang thực hiện. Vì thế, đọc sách là công việc tất yếu của người làm nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, vốn sống, trải nghiệm của bản thân cũng đóng vai trò quan trọng trong công việc nghiên cứu. Muốn làm nghiên cứu khoa học tốt, sinh viên không chỉ ngồi đọc sách mà còn phải thâm nhập, trải nghiệm thực tế cuộc sống.

Đối với việc tìm kiếm thông tin trên internet, sinh viên cần có kỹ năng để lọc những thông tin “giả”. Cách cơ bản và đơn giản nhất là sử dụng công cụ tìm kiếm học thuật trên trang Google (https://scholar.google.com). Trên trang tìm kiếm này, bên cạnh các nhan đề bài viết đều có ghi chú số lượt trích dẫn và thông tin khoa học của tác giả. Đây là 2 cơ sở giúp người đọc lựa chọn những bài báo, công trình khoa học có uy tín cao để tham khảo.

* Đừng sợ thất bại

“Thất bại lớn nhất của một người là chưa từng thất bại”, dẫn lại một câu nói quen thuộc này, PGS-TS.Nguyễn Đức Lộc khuyên các sinh viên hãy mạnh dạn dấn thân trong con đường nghiên cứu khoa học. Để làm được điều này, cá nhân mỗi sinh viên phải tư duy nhiều hơn, tập thói quen phản biện một cách khoa học, thường xuyên đặt câu hỏi. Một đề tài nghiên cứu được hình thành chính từ một câu hỏi nghiên cứu và hành trình đi tìm câu trả lời chính là quá trình nghiên cứu khoa học.

Sinh viên Trường đại học Đồng Nai đặt câu hỏi với diễn giả của chương trình
Sinh viên Trường đại học Đồng Nai đặt câu hỏi với diễn giả của chương trình

Trong khi đó, TS.Hồ Quế Hậu, giảng viên Trường đại học kinh tế (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, tuân thủ đạo đức trong nghiên cứu khoa học là yêu cầu bắt buộc đối với người làm công tác nghiên cứu. Tại Việt Nam, hiện tượng “đạo văn” diễn ra khá phổ biến. Đây là điều mà sinh viên cần biết và tránh xa ngay từ giai đoạn chập chững tập làm nghiên cứu khoa học.

Việc tuân thủ nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu khoa học đòi hỏi người làm công tác nghiên cứu phải có thái độ thành thật với tri thức, cẩn thận, cởi mở và công khai, có trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình trước công chúng, tôn trọng tự do tri thức...

Một vấn đề được các sinh viên đặt ra đó là vai trò của tổ chức Đoàn - Hội trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở nhà trường. Theo đó, ngoài sự hỗ trợ chuyên môn của khoa, sinh viên mong muốn 2 tổ chức này sẽ đồng hành, hỗ trợ sinh viên trong công tác nghiên cứu khoa học.

Thời gian qua, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tiêu biểu như các chương trình: Ngày Sinh viên Đồng Nai sáng tạo, khởi nghiệp, Sàn giao dịch ý tưởng dự án My Plan - Kế hoạch của tôi, Học kỳ doanh nghiệp, Hội thảo nghiên cứu khoa học Sinh viên nghiên cứu khoa học - Từ ý tưởng đến hiện thực… Nhờ đó, các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên đã nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.

Theo thống kê của Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2013-2018, toàn tỉnh có 168 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia dự thi các cấp, trong đó có 12 đề tài đoạt giải thưởng cấp quốc gia, khu vực.

Bài, ảnh: Hải Yến

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,404,333       2/921