Xã hội

Nâng cao kỹ năng nghề nhờ nghiên cứu khoa học

Đầu tháng 9-2019, nhóm tác giả Lê Trọng Cơ, Lê Duy Khánh, Trịnh Nam Phong (giảng viên Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai) đã đoạt giải nhất tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc với mô hình Hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động.

Nhóm sinh viên giúp việc (trái) thảo luận cùng giảng viên về các phương án lắp ráp mô hình Hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động. Ảnh: H. Yến
Nhóm sinh viên giúp việc (trái) thảo luận cùng giảng viên về các phương án lắp ráp mô hình Hệ thống phân loại và vận chuyển sản phẩm tự động. Ảnh: H. Yến

Theo chia sẻ của thầy Lê Trọng Cơ, ngoài nỗ lực của nhóm, thành công này có sự đóng góp công sức không nhỏ của nhóm sinh viên giúp việc. Đó là 4 sinh viên đã tình nguyện tham gia cùng các thầy thực hiện mô hình ngay từ những ngày đầu hình thành ý tưởng.

* Góp công giành giải thưởng

“Theo quy chế của hội thi, tác giả chỉ cần đưa ra ý tưởng, việc thực hiện mô hình có thể thuê đơn vị khác làm. Tuy nhiên, nếu thuê đơn vị khác làm thì sẽ rất tốn kém nên chúng tôi đã kêu gọi các sinh viên giúp sức. Để làm được một mô hình thiết bị dạy nghề đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, trong khi đó, giảng viên không thể bỏ các tiết dạy để tập trung làm mô hình được. Vì thế, vai trò của nhóm sinh viên giúp việc là rất quan trọng” - thầy Cơ cho biết. 

Sinh viên Trần Thanh Thiên cho hay: “Trong lúc học, em còn “lơ mơ” nhiều nội dung nhưng khi tham gia làm mô hình, em đã được thầy và các bạn hướng dẫn thêm, lại được thực hành nhiều nên em đã nắm vững những kiến thức trước đây mình bị hổng”.

Sau khi hình thành ý tưởng ban đầu về mô hình dự thi, nhóm tác giả đã thông báo tuyển sinh viên giúp việc tới các lớp. Một nhóm sinh viên đã xung phong làm việc cùng giảng viên và có 4 sinh viên trụ lại được đến cuối cùng gồm: Tống Bá Hùng, Tống Bá Hiếu, Trần Thanh Thiên, Trịnh Công Hậu. Cả 4 em đều là sinh viên năm 3 ngành điện công nghiệp.

Trong quá trình làm việc, nhóm không chỉ làm theo yêu cầu của giảng viên mà còn thảo luận về các phương án thực hiện mô hình sao cho hiệu quả nhất.

Từ thực tế làm việc, nhóm sinh viên đã phát hiện ra nhiều bất cập cần khắc phục và đưa ra được nhiều ý tưởng hay. Chẳng hạn, ban đầu, các thầy dùng cảm biến để phân loại sắt trên dây chuyền nhưng nhóm đã đề xuất ý tưởng dùng nam châm; hay như bộ phận cấp phôi bằng bộ phận rung nhưng máy rung có nhiều bất cập nên nhóm sinh viên giúp việc đã đề xuất cấp phôi bằng máng.

Cả 2 ý tưởng này khi đưa vào thực tế đều đạt hiệu quả hơn cách làm cũ. Nhờ đó, tổng thể hoạt động của mô hình cũng tốt hơn. Đây thực sự là những đóng góp hữu ích của các sinh viên giúp việc trong thành công chung của mô hình dự thi.

* Tiến bộ vượt bậc

Tống Bá Hùng, thành viên nhóm sinh viên giúp việc kể lại: “Điều kiện ban đầu thầy đặt ra với chúng em là chỉ cần chăm chỉ, chịu khó tìm hiểu và tích cực trong mọi công việc. Chúng em đã cùng thầy làm mô hình này trong 6 tháng. Trong thời gian đó, ngoài những lúc phải đi học, còn thời gian buổi tối và những lức rảnh rỗi là chúng em lại lên trường để hỗ trợ thầy”.

Trong quá trình làm mô hình, giảng viên đã đưa ra nhiều câu hỏi gợi mở, nêu vấn đề để sinh viên tìm tòi, nghiên cứu hướng giải quyết. Nhờ cách làm này mà các em có thể phát huy được năng lực sáng tạo của bản thân. Các sinh viên cũng sẽ phát hiện được điểm yếu của mình để bổ sung kiến thức, kỹ năng. “Thực tế, các em đã đưa ra nhiều ý tưởng mà chính giáo viên cũng không nghĩ ra. Từ ý tưởng của các em, chúng tôi khai thác thêm và hướng dẫn trở lại để các em tự làm” - thầy Cơ chia sẻ.

Nhờ cách làm việc khoa học, thời gian thực hành nhiều nên chỉ trong 6 tháng, tay nghề của cả 4 sinh viên giúp việc đều tiến bộ vượt bậc. Với quá trình làm việc này, nhóm sinh viên được ưu tiên cộng điểm, miễn thời gian thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp; đồng thời, các em cũng được doanh nghiệp “săn đón” và chắc chắn sẽ có được vị trí việc làm ổn định ngay sau khi rời ghế nhà trường.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các giảng viên của Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai dùng phương án nhóm sinh viên giúp việc cùng tham gia làm mô hình thiết bị dạy nghề tự tạo. Tuy nhiên, những năm trước đây, do chưa có kinh nghiệm hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học nên các em chỉ làm được những công việc đơn giản. Qua nhiều năm cùng làm việc với sinh viên, hiện nay, các giảng viên đã có kinh nghiệm trong việc hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học. Theo đó, giảng viên là người hướng dẫn gợi mở, còn sinh viên là người trực tiếp làm. Giảng viên kiểm tra lại, nhắc nhở những điểm chưa hợp lý để sinh viên tự sửa chữa.

Cách làm này vừa thuận tiện cho giảng viên hướng dẫn, vừa giúp sinh viên nâng cao tay nghề, đáp ứng được yêu cầu thực tế tại các doanh nghiệp.

Hải Yến

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,403,116       1/926