Xã hội

Hơn 10 năm cắt tóc miễn phí cho người bệnh

Định kỳ hằng tháng, ông Nguyễn Thanh Liêm (43 tuổi, ngụ ấp Bình Phú, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) dành ra 1 ngày để đến tận nhà cắt tóc miễn phí cho những người bệnh đi lại khó khăn tại địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Liêm (ngụ xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) đến tận nhà cắt tóc miễn phí cho người già bị bệnh, đi lại khó khăn. Ảnh: N.An
Ông Nguyễn Thanh Liêm (ngụ xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) đến tận nhà cắt tóc miễn phí cho người già bị bệnh, đi lại khó khăn. Ảnh: N.An

Ông Liêm duy trì hoạt động cắt tóc miễn phí trong suốt hơn 10 năm qua và được nhiều gia đình trong xã xem ông như người thân trong nhà.

* Cắt tóc miễn phí tại nhà

Một trong những “khách hàng” quen thuộc của ông Liêm là ông Nguyễn Văn Thừng (92 tuổi, ngụ ấp Bình Phú, xã Long Tân). Hơn 1 năm nay, ông Thừng bị bệnh nặng nên đi lại khó khăn. Mỗi khi đến nhà ông Thừng cắt tóc, ông Liêm đều tận tình vào nâng ông Thừng ngồi dậy, rồi dìu ra cửa, nơi có ánh sáng để cắt tóc, cạo râu. Sau đó, ông Liêm cẩn thận lấy khăn lau sạch tóc trên người ông Thừng rồi dìu ông trở lại giường nằm nghỉ.

Anh Nguyễn Văn Lợi (cháu ngoại ông Thừng) bày tỏ: “Khi ông tôi lâm bệnh, không thể ngồi xe để đi ra ngoài được, gia đình có nhờ một số người đến cắt tóc cho ông nhưng không ai nhận. May sao tìm được ông Liêm giúp đỡ. Ông ấy không những đến tận nhà cắt tóc cho ông tôi mà còn không lấy tiền công. Nhờ có ông Liêm mà đầu tóc của ông ngoại tôi luôn sạch sẽ, gọn gàng giúp ông thoải mái hơn rất nhiều”.

Chia sẻ về việc cắt tóc từ thiện, ông Liêm cho hay, có lần, khi ông đang ở tiệm cắt tóc thì một gia đình dùng xe máy chở người thân bị bệnh tai biến đến cắt tóc. Nhìn thấy cảnh khó nhọc khi họ đưa người thân bị bệnh đi cắt tóc khiến ông không khỏi suy nghĩ. Ông đã nói với gia đình này rằng các lần sau, ông sẽ tự đến tận nhà cắt tóc giùm cho người bệnh.

“Tuy là việc làm nhỏ nhưng tôi thấy người bệnh và gia đình rất xúc động. Tôi nhận ra, dù cuộc sống của tôi còn khó khăn nhưng tôi vẫn có thể làm những việc ý nghĩa để giúp đỡ những trường hợp như vậy. Kể từ đó đến nay đã hơn 10 năm, tôi tự nguyện đi cắt tóc miễn phí cho những bệnh nhân, người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã” - ông Liêm kể.

Biết được việc làm ý nghĩa của ông Liêm, bà con trong xã đã giới thiệu thêm những hoàn cảnh tương tự khác như: người già bị bệnh, nạn nhân bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động... để ông đến cắt tóc giúp họ. Có thời điểm ông nhận cắt tóc miễn phí cho khoảng 20 người già, người bệnh trên địa bàn xã.

Bà Trương Thị Huỳnh Thanh (vợ ông Liêm, hiện là giáo viên Trường tiểu học Long Tân) bộc bạch: “Hoàn cảnh của vợ chồng tôi chỉ đủ trang trải cuộc sống nên không có dư dả để giúp người khác về tiền bạc nhưng vợ chồng tôi rất vui khi giúp cho người bệnh có được mái đầu sạch, đẹp. Tôi luôn ủng hộ việc làm này của chồng”.

* Vợ chồng đồng lòng làm việc nghĩa

“Tổ ấm” của ông Liêm hiện nay là căn nhà lá đơn sơ nằm khép mình trong một con hẻm nhỏ tại ấp Bình Phú, xã Long Tân. Căn nhà nhỏ nhưng luôn rộn rã tiếng cười. Để giữ gìn “tổ ấm” hạnh phúc cho đến nay, vợ chồng ông Liêm đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Liêm xem lại các bằng khen, giấy khen được các cấp trao tặng. Ảnh: N.An
Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Liêm xem lại các bằng khen, giấy khen được các cấp trao tặng. Ảnh: N.An

“Lúc mới quen vợ tôi, tôi chỉ là nông dân có trình độ học vấn chưa qua bậc tiểu học, còn cô ấy đang là giáo viên nên tôi cũng đắn đo... Thế nhưng, sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi mạnh dạn nhờ cha mẹ qua nhà thưa chuyện với gia đình Thanh. Cuối cùng, hai bên gia đình cũng đồng ý tác hợp cho chúng tôi nên nghĩa vợ chồng” - ông Liêm kể.

Sau khi lấy nhau, vợ chồng ông Liêm gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cuộc sống càng thêm khó khăn hơn khi hai người con của ông bà lần lượt được ra đời. Ông Liêm phải nhận làm phụ hồ, cắt lúa mướn để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Tuy vất vả nhưng ông bà sống rất hòa thuận, hạnh phúc. Năm 2005, ông học nghề cắt tóc và mở tiệm cắt tóc tại nhà. Từ đó, cuộc sống gia đình ông trở nên ổn định hơn.

Mặc dù hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông Liêm chỉ đủ sống chứ không khá giả, nhưng điều đáng quý là trong thời gian qua, vợ chồng ông luôn tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội ở địa phương.

Ông Liêm chia sẻ, vào năm 2011, khi xem tivi, ông thấy Đoàn Thanh niên các địa phương làm được nhiều việc có ý nghĩa như: tiếp sức mùa thi, nhặt rác, bảo vệ môi trường, hiến máu nhân đạo... Trong đó, ông đặc biệt ấn tượng với tâm sự của những người tham gia hiến máu nhân đạo, họ luôn cảm thấy hạnh phúc khi được hiến máu cứu người. Từ đó, ông bắt đầu đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo tại địa phương. Cho đến nay, ông đã hiến máu được 27 lần, còn vợ ông cũng có tới  17 lần hiến máu.

Ngoài ra, trong năm 2011 và 2013, vợ chồng ông Liêm còn tình nguyện đăng ký hiến xác cho y học sau khi qua đời. Bà Thanh cho biết: “Ban đầu vợ chồng bà đi đăng ký hiến xác đều giấu cha mẹ, người thân  vì sợ mọi người ngăn cản. Tuy nhiên, sau khi hiểu được tâm nguyện của chúng tôi thì mọi người đều đồng tình và ủng hộ”.

Ông Liêm tâm sự: “Chúng tôi suy nghĩ rất đơn giản, sau khi mình chết đi, thân xác sẽ trở về với cát bụi. Trong khi đó, ngành y đang rất cần người hiến xác để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Qua đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám, chữa bệnh ngày càng tốt hơn, cứu sống được nhiều người hơn”.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) Phạm Ngọc Phước nhận xét: “Vợ chồng ông Liêm là tấm gương giàu lòng nhân ái, ngoài tham gia hiến máu nhân đạo, hiến xác và cắt tóc miễn phí, vợ chồng ông còn tích cực tham gia nhiều chương trình từ thiện xã hội khác tại địa phương như: vận động xây nhà tình thương, chăm lo quà Tết cho người nghèo...

Nhân An

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,402,083       8/1,000