Xã hội

Phát hiện, điều trị sớm bệnh trầm cảm

Sau gần 3 tháng khám, sàng lọc bệnh trầm cảm tại huyện Long Thành cho thấy, số người bị bệnh trầm cảm ngày càng nhiều.

Bác sĩ Bệnh viện tâm thần Trung ương 2  tư vấn về những dấu hiệu của bệnh trầm cảm cho một người dân ở xã An Phước (huyện Long Thành). Ảnh: S.Mai
Bác sĩ Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 tư vấn về những dấu hiệu của bệnh trầm cảm cho một người dân ở xã An Phước (huyện Long Thành). Ảnh: S.Mai

Điều đáng nói, sự hiểu biết về căn bệnh này vẫn còn hạn chế, dẫn đến nhiều người bệnh đã mắc bệnh nhiều năm nay mới được phát hiện.

* Phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm

Đơn cử như trường hợp của bà Phạm Thị S. (ở ấp 5, xã An Phước, huyện Long Thành). Bà S. có những triệu chứng mệt mỏi, yếu sức, tâm trạng buồn, lo âu, căng thẳng hay hồi hộp, mất hứng thú với công việc đã 7 năm nay nhưng bà không đi khám. Vào tháng 11-2019 có đoàn bác sĩ về xã khám, sàng lọc bệnh trầm cảm người nhà mới đưa bà đến khám. Kết quả, bác sĩ chẩn đoán bà bị trầm cảm ở giai đoạn trung bình.

Bác sĩ Lê Trung Thực, Khoa Điều trị tự nguyện Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 cho biết: “Qua khám, sàng lọc bệnh trầm cảm ở xã An Phước chúng tôi nhận thấy, có nhiều trường hợp bị trầm cảm do yếu tố gia đình, điển hình như trường hợp của bà S. Điều đáng nói, nhiều trường hợp bệnh nhân có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh trầm cảm đã nhiều năm mà không chịu đi khám do thiếu hiểu biết về bệnh”.

Bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Long Thành cho hay, thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần của huyện Long Thành đã từng bước được quan tâm. Tuy nhiên, hoạt động phòng, chống bệnh trầm cảm vẫn gặp nhiều khó khăn do chưa có chương trình can thiệp trên đối tượng mắc trầm cảm. Vì thế, hầu hết những người bị trầm cảm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện, quản lý điều trị và chăm sóc đầy đủ. Đáng lo ngại hơn, đa số người dân chưa có hiểu biết đúng về sức khỏe tâm thần dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người rối loạn trầm cảm. Người bị trầm cảm liên tưởng đến bệnh cũng giống bệnh điên sẽ bị mọi người xa lánh nên giấu bệnh.

* Người bệnh cần được quan tâm nhiều hơn

Bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn cho hay: “Hiện nay số người bị trầm cảm ngoài cộng đồng trên địa bàn huyện còn nhiều. Thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn về chương trình này để nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên trong công tác tiếp cận, khai thác bệnh. Đồng thời, phối hợp với cán bộ chuyên trách của trạm và các cộng tác viên y tế thôn ấp thường xuyên xuống từng hộ gia đình để nắm bắt tìm hiểu, qua đó vận động đưa người bệnh đi khám sàng lọc. Nếu chẩn đoán bệnh sẽ đưa vào quản lý, cấp thuốc điều trị miễn phí”.

Theo bác sĩ Ngô Mạnh Thắng, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện tâm thần Trung ương 2, qua thăm khám những bệnh nhân bị trầm cảm cho thấy, sự hiểu biết về kiến thức bệnh trầm cảm của người dân còn hạn chế. Nhiều người chưa quan tâm đến căn bệnh này, do đó số lượng bệnh nhân được phát hiện vẫn còn ít so với thực tế các trường hợp mắc bệnh. Để phát hiện bệnh và giúp người bệnh điều trị tốt, cải thiện suy nghĩ, ngoài việc uống thuốc đủ và đúng liều, sự quan tâm từ phía gia đình, người thân đối với người bệnh trong lúc này là rất quan trọng. Gia đình nên lắng nghe và qua đó chia sẻ để người bệnh không cảm thấy bị xa lánh, giúp tình trạng được cải thiện hơn.

Còn bác sĩ Nguyễn Cường Mạnh, Khoa Tâm thần người cao tuổi Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 cho hay, bệnh trầm cảm có rất nhiều yếu tố gây nên như: xã hội, ức chế gia đình và cá nhân. Do đó, khi một thành viên trong gia đình có những biểu hiện lạ về cảm xúc như: lo lắng, sợ sệt, mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi… và những hành vi khác thường thì người nhà nên đưa đến bệnh viện chuyên khoa khám để có hướng điều trị phù hợp. Phát hiện sớm, được điều trị đúng phác đồ, bệnh sẽ được cải thiện. Nếu không phát hiện kịp thời để bệnh thêm nặng thì việc điều trị khó khăn, nguy hiểm hơn. Người bệnh có thể không kiềm chế được cảm xúc và hành động, sẽ tự làm hại bản thân và người xung quanh. 

Thực hiện kế hoạch hoạt động Dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng và trẻ em tỉnh Đồng Nai năm 2019, Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức khám sàng lọc bệnh trầm cảm cho người dân của 14 xã thuộc huyện Long Thành. Qua gần 3 tháng (từ tháng 9 đến tháng 11-2019), đoàn bác sĩ đã khám sàng lọc cho hơn 1 ngàn người, qua đó phát hiện khoảng 130 người bị tâm thần, trong đó có 8 người bị tâm thần phân liệt, 6 người bị động kinh và còn lại là trầm cảm. Những bệnh nhân này đã được nhận thuốc miễn phí và đưa vào danh sách quản lý các loại bệnh tâm thần tại cộng đồng.

Sao Mai

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,083,803       7/1,039