Xã hội

Nhọc nhằn dọn rác ngày Tết

Cứ vào dịp Tết, lượng rác thải sinh hoạt ở TP.Biên Hòa tăng gấp 3-4 lần. Để không xảy ra tình trạng ùn ứ rác, công nhân của Công ty cổ phần môi trường Sonadezi phải làm cả ngày, cả đêm...

Cứ vào dịp Tết, lượng rác thải sinh hoạt ở TP.Biên Hòa tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường. Để môi trường trong những ngày Tết sạch đẹp, đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường của Công ty cổ phần môi trường Sonadezi - đơn vị được giao thu gom rác thải của toàn thành phố phải làm việc rất vất vả.

Vào những ngày gần Tết, công nhân vệ sinh môi trường phải tăng chuyến thu gom rác do lượng rác thải ở TP.Biên Hòa tăng cao. Ảnh: P.Liễu
Vào những ngày gần Tết, công nhân vệ sinh môi trường phải tăng chuyến thu gom rác do lượng rác thải ở TP.Biên Hòa tăng cao. Ảnh: P.Liễu

Để đáp ứng được yêu cầu đề ra là không để xảy ra tình trạng ùn ứ rác trong những ngày trước, trong và sau Tết, công nhân vệ sinh môi trường của công ty phải làm cả ngày, cả đêm.

* “Gồng mình”dọn rác

Có thâm niên gần 20 năm với công việc dọn rác, bà Nguyễn Thị Hải (ngụ phường Thống Nhất) chuyên dọn rác tuyến đường Võ Thị Sáu chia sẻ: “Nghề công nhân vệ sinh vốn đã cực, nhưng cực nhất là dịp Tết. Sau ngày ông Táo về trời, bắt đầu các cửa hàng, gia đình dọn nhà và thải rác ra. Để gom rác trong các con hẻm, chúng tôi chỉ dùng xe ba-gác nhỏ, nhưng nhiều người còn vất ra những tấm nệm cũ, bàn ghế hư hỏng, cành cây lớn... phải dùng dao, kéo để chẻ nhỏ, cắt ra mới mang đi được”. 

Cũng như nhiều nhân viên vệ sinh khác, năm nào chị Hải cũng đón giao thừa ngoài đường với cây chổi trên tay. Chị tâm sự: “ Ai cũng muốn có mặt ở nhà trong giờ phút giao thừa thiêng liêng. Từ khi vào nghề này, đón giao thừa ở nhà trở nên hiếm hoi. Có những phút giao thừa nhìn gia đình người ta sum họp mà mình rớt nước mắt khi vẫn lụi cụi thu gom rác trên phố. Năm nào về sớm nhất cũng phải 3 giờ sáng”.

Thầm lặng với công việc đặc thù, 23 năm nay ông Lê Văn Nô, công nhân dọn vệ sinh tuyến đường 30-4 thấy “sợ” cái Tết bởi quá vất vả. Không chỉ lượng rác tăng nhiều mà khổ nhất là rác “không ngớt” được thải ra mọi lúc, mọi nơi, kể cả những khu vực ông vừa thu gom xong.

Ông Nô cho hay, ngày thường sau giờ quy định đem rác ra, ông chỉ thu gom một vòng rồi đưa đến điểm tập kết rác, nhưng ngày Tết, thu gom một vòng, quay lại đã thấy rác mới xuất hiện, lại phải thu gom. Bởi ngày Tết, công ty yêu cầu không được để rác tồn đọng, ùn ứ trên các tuyến đường. Vòng tới, vòng lui từ 15 giờ chiều đến khuya, đêm giao thừa có năm phải làm đến 4-5 giờ sáng mới về.

Thường xuyên đón giao thừa với rác trên đường phố; chỉ được nghỉ ngày mùng 1, sang mùng 2 Tết khi sắc Xuân còn tràn ngập phố phường, những công nhân vệ sinh môi trường đã phải bắt đầu công việc quen thuộc của mình. 

Nếu trước Tết công nhân vệ sinh thu gom rác vất vả bao nhiêu thì sau Tết cũng chẳng nhàn nhạ hơn chút nào. Đặc biệt là sau mùng 5 họ khổ với rác hoa kiểng. Nhiều nhà mang cả hoa héo lẫn chậu quăng ra bãi rác, hoa nặng một thì chậu và đất nặng ba bốn, không thu gom không được, mà thu gom lại quá mệt. Những lúc như thế, công nhân vệ sinh phải cất công dỡ hoa ra khỏi chậu mới chở đi được, việc này khiến họ mất sức hơn, tăng chuyến nhiều hơn do lượng rác tăng cao.

* Cộng đồng cần chung tay...

Bà Quách Ngọc Bửu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần môi trường Sonadezi cho biết, lượng rác dịp Tết tăng cao, để việc thu gom rác nhanh gọn, đảm bảo vệ sinh, trước Tết 10 ngày, công ty đã gửi thông báo kế hoạch thu gom rác cho các đơn vị, xã, phường và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về ngày giờ thu gom ở từng khu vực; đồng thời huy động toàn bộ lực lượng, phương tiện để thu gom, xử lý triệt để lượng rác thải trên các tuyến phố, hộ dân. Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến cho rác tồn đọng vẫn diễn ra.

Công nhân vệ sinh môi trường vừa thu gom rác xong, chợ Biên Hòa lại đầy rác. Ảnh: P.Liễu
Công nhân vệ sinh môi trường vừa thu gom rác xong, chợ Biên Hòa lại đầy rác. Ảnh: P.Liễu

Theo bà Quách Ngọc Bửu, nguyên nhân do người dân không đem rác ra đúng giờ nên công nhân phải thu gom nhiều lần. Chợ hoa ở Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh là nỗi khổ lớn của anh em công nhân vệ sinh, dù đã được thông báo sau 12 giờ trưa ngày 30 Tết, các vựa hoa ở đây phải dời ra khỏi khuôn viên này, song những chủ vựa chuyển hoa ra vỉa hè trước quảng trường bán tiếp. Chiều tối, hoa ế chủ vựa bỏ lại khiến anh em lại cất công thu gom lần nữa. Hay đường hoa Nguyễn Văn Trị, trong và sau Tết số lượng rác từ hoa kiểng, rác của hàng ngàn người đi chơi Xuân thải ra tăng lên gấp 3-4 lần khiến công nhân phải “gồng mình” thu gom.

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng đối với công ty và công nhân vệ sinh môi trường, niềm vui là thấy đường phố sạch đẹp, người dân được hưởng không khí trong lành không chỉ trong ngày Tết, mà còn tạo cho Biên Hòa vẻ mỹ quan, xứng đáng là đô thị loại I và là hình ảnh đẹp trong mắt người dân. Thế nhưng, để có được điều này, phải cần đến sự chung tay của mỗi người dân và cả cộng đồng.

“Với chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý rác, công ty luôn làm hết trách nhiệm của mình, nhưng cần có sự chung tay của cộng đồng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung, đem rác ra đúng giờ quy định, bỏ rác đúng nơi quy định... để đường phố được sạch đẹp và cũng đỡ vất vả cho anh em công nhân vệ sinh. Bởi như mọi người, anh em công nhân vệ sinh cũng muốn được sum họp với gia đình trong đêm giao thừa, cũng muốn được nghỉ ngơi trong những ngày Tết” - bà Quách Ngọc Bửu chia sẻ.

Theo Công ty cổ phần môi trường Sonadezi, mỗi ngày TP.Biên Hòa thải ra khoảng 700 tấn rác sinh hoạt. Riêng trong những ngày Tết, lượng rác thải ra khoảng hơn 2 ngàn tấn, tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Lượng rác tập trung nhiều nhất vào thời điểm từ ngày 25-30 tháng Chạp và từ mùng 3 đến mùng 10 Tết. Để bảo đảm lượng rác được thu gom nhanh, gọn cho ngày Tết sạch đẹp, công nhân công ty đã phải tăng ca, tăng chuyến và hoạt động hết công suất.

 Phương Liễu

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,148,912       1/1,120