Sức khỏe

Nhập viện vì tiết canh

Không chỉ ăn tiết canh lợn, tiết canh dê… mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn bệnh và ăn các sản phẩm từ lợn chưa nấu chín đều có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn

Những ngày gần đây, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận một số trường hợp nhiễm và nghi nhiễm liên cầu khuẩn. Dù chưa có trường hợp tử vong nhưng các bệnh nhân được chuyển đến đều trong tình trạng rất nguy kịch.

Ăn tiết canh để mong “số đỏ”

Bệnh nhân T.X.Q - 38 tuổi, ở huyện Từ Liêm, TP Hà Nội - hiện đang điều trị tại Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương sau 5 ngày được chuyển đến trong tình trạng hôn mê. Theo gia đình bệnh nhân, một ngày sau khi ăn tiết canh lợn, bệnh nhân lên cơn sốt nhưng nghĩ là cảm cúm thông thường nên ở nhà điều trị; đến ngày thứ 4, bệnh nhân sốt cao rồi lịm dần, được người nhà vội đưa tới viện. Tại đây, bệnh nhân được xác định bị viêm màng não mủ nghi nhiễm liên cầu khuẩn. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, cho biết hiện mẫu máu của bệnh nhân đang được nuôi cấy để tìm vi khuẩn liên cầu nhưng biểu hiện và diễn tiến bệnh hoàn toàn giống với các trường hợp nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.

Cũng theo bác sĩ Cấp, nhập viện cùng ngày với ông Q. còn có một nam thanh niên khác ở quận Ba Đình, TP Hà Nội, cũng trong tình trạng vật vã, hôn mê. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh và qua cơn nguy kịch. Theo bệnh nhân này, trước đó, trong chuyến đi công tác ở Ninh Bình, anh đã ăn 2 bát tiết canh dê, một ngày sau thì sốt cao đột ngột, đau đầu, rét run. “Cách đây 3 tuần, BV cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam ở tỉnh Hưng Yên được chẩn đoán nhiễm trùng huyết do liên cầu khuẩn. Rất may, bệnh nhân được phát hiện sớm nên đã xuất viện sau hơn 2 tuần điều trị. Bệnh nhân này kể thường xuyên ăn tiết canh, lần này được người quen mời đến ăn tiết canh từ lợn nhà nuôi. Sau một ngày ăn thì xuất hiện bệnh” - bác sĩ Cấp nói.

Theo các bác sĩ, thời gian qua, nhờ tuyên truyền mạnh, số trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn có giảm hơn nhưng hầu như dịp cận Tết năm nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì ăn tiết canh bởi nhiều người vẫn quan niệm rằng đầu năm, đầu tháng ăn tiết canh để mong “số đỏ”.  “Chỉ Tết năm ngoái thôi, ngoài những bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn phải đón giao thừa trong BV thì ngay những ngày đầu năm mới, một bệnh nhân nam đã phải “xông đất” BV vì ăn tiết canh mùng 1 lấy “may” cho cả năm” - bác sĩ Cấp nhớ lại.

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn sau khi ăn tiết canh điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương
Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn sau khi ăn tiết canh điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát bày tỏ: “Mỗi khi Tết đến, Xuân về là tình trạng bệnh liên cầu khuẩn lại tăng lên rất đáng ngại. Mùng 1 liên hoan tiết canh thì ủ bệnh, mùng 5 vào viện, mùng 10 chết”.

Bệnh rất nguy hiểm

Khẳng định liên cầu khuẩn là loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây tử vong cao, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương, lý giải: Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn ở người thường lưu trú ở đường hô hấp của lợn. Người bị mắc bệnh có nguyên nhân dịch tễ từ tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn hay ăn sản phẩm thịt lợn mắc bệnh chưa được nấu chín. Vi khuẩn xâm nhập qua các vết thương trên da, niêm mạc của miệng, mũi… rồi vào máu gây nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não mủ. Lúc này, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng khiến bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái hôn mê, suy đa phủ tạng. Nếu điều trị muộn thì cơ hội cứu chữa rất thấp.

Khởi phát bệnh thường là sốt cao có thể kèm rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ, lơ mơ, li bì, hôn mê, tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Nhiều trường hợp nổi những ban tím dưới da nên có thể lầm tưởng là sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày. Từ thực tế điều trị, các bác sĩ cảnh báo bệnh này không chỉ gây tử vong mà còn để lại nhiều di chứng, như giảm thính lực, thậm chí bị điếc vĩnh viễn. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, một bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ phải nằm viện điều trị 2-3 tuần, trường hợp bị biến chứng nhiễm khuẩn huyết phải điều trị hằng tháng với chi phí cả trăm triệu đồng nhưng vẫn phải cưa chân, tháo các khớp tay chỉ vì bị hoại tử.

Giới chuyên môn cũng lưu ý người dân về những  quan niệm không đúng rằng lợn nhà, lợn mán, lợn mường… là lợn “lành”, lợn “sạch” nên yên tâm. Mặt khác, nhiều người cứ nghĩ ăn tiết canh dê thì an toàn vì liên cầu khuẩn thường khu trú ở lợn trong khi những người kinh doanh có thể pha trộn tiết dê và tiết lợn để bán! 

Tiết canh kèm rượu càng nguy hiểm

Với nhiều người, tiết canh có thể được coi là món khoái khẩu, vừa mát vừa bổ nhưng theo phân tích của các nhà chuyên môn, tiết canh là ổ bệnh nguy hiểm. Nhiều người cho rằng ăn tiết canh kèm vài chén rượu là diệt được hết vi khuẩn nhưng các bác sĩ cảnh báo những người vừa uống rượu vừa ăn tiết canh có nhiễm khuẩn thì bệnh thường diễn biến trầm trọng hơn.

Người lao động

© 2021 FAP
  18,969,772       70/907