Sức khỏe

Mong manh sinh - tử

“Thời gian vàng” là điều kiện tối cần thiết để cứu người bị đột quỵ. Tuy nhiên, thực trạng về giao thông, mạng lưới đơn vị đột quỵ nước ta rời rạc như hiện nay tước đi của người bệnh nhiều cơ hội sống

“Từng đi học nước ngoài, tôi thấy ở các nước, bệnh nhân đột quỵ nếu cách bệnh viện dưới 75 km sẽ được chuyển bằng xe cứu thương chuyên dụng, còn trên 75 km sẽ được di chuyển bằng máy bay nhằm giúp người bệnh tận dụng được “thời gian vàng” để được cứu sống. Còn tại Việt Nam, nếu lỡ có bị đột quỵ, dù cách bệnh viện khoảng 25 km, bệnh nhân cũng rất khó được cấp cứu kịp thời. Trở ngại đầu tiên ở chỗ nhiều người không có ý thức nhường đường khi gặp xe cứu thương”. PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP HCM, băn khoăn khi đề cập công tác điều trị bệnh đột quỵ ở nước ta.

Gia tăng bệnh nhân trẻ đột quỵ

Sự việc một lãnh đạo địa phương miền Tây (56 tuổi) bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) trong lúc tập thể dục cách đây chưa lâu càng cho thấy tính chất đáng sợ của căn bệnh này. Bệnh nhân may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ được chẩn đoán sớm và được chuyển thẳng lên Bệnh viện Chợ Rẫy bằng máy bay. Việc ông được cứu sống là phép mầu mà nhiều bệnh nhân đột quỵ phải mơ ước bởi với họ, có cơ hội chuyển bằng máy bay gần như là điều không thể.

Các chuyên gia cho biết não là một cơ quan vô cùng quan trọng, bao gồm hàng trăm tỉ tế bào thần kinh. Nếu chậm một phút trong cấp cứu đột quỵ sẽ làm 2 triệu tế bào thần kinh chết đi, như thế tính mạng bệnh nhân sẽ như ngàn cân treo sợi tóc.  Nếu tình trạng đột quỵ xảy ra mà không được can thiệp kịp thời thì khoảng hơn 3 giờ sau, tế bào não đã bị hoại tử.

PGS-TS Trương Quang Bình, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội Trường Đại học Y Dược TP HCM, cho biết đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, trong đó 88% là do tình trạng mạch máu bị nghẹt khiến máu không đủ cung cấp để nuôi mô não.

Người bị đột quỵ được cứu sống chủ yếu do xử trí tại chỗ chứ không phải chuyển viện. Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 - TP HCM
Người bị đột quỵ được cứu sống chủ yếu do xử trí tại chỗ chứ không phải chuyển viện. Trong ảnh: Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 - TP HCM

Điều đáng báo động là tần suất giới trẻ đột quỵ ngày một tăng. Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, nếu 10 năm trước chỉ có khoảng 1,7% bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện vì đột quỵ thì nay con số này là 3%, trong đó tỉ lệ nam cao gấp 4 lần nữ.

Theo GS-TS Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, y văn ghi nhận cứ 45 giây, toàn cầu có 1 người bị đột quỵ  và 3 phút có 1 ca tử vong do bệnh này gây ra. Ở nước ta, trung bình mỗi năm có hơn 200.000 người bị tai biến. Hiện số bệnh nhân sống sót sau đột quỵ có khoảng 440.000 người.

Vừa thiếu vừa yếu

Bác sĩ Trần Chí Cường, Trưởng Khoa Can thiệp mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng đột quỵ xảy ra bất cứ lúc nào, sự sống còn của bệnh nhân đột quỵ  phụ thuộc vào “thời gian vàng” chuyển đi cấp cứu, xử trí khẩn cấp. Trong những trường hợp đột quỵ, chỉ cần được cấp cứu sớm 10-15 phút thì khả năng sống của bệnh nhân sẽ tăng thêm 30%.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay mạng lưới phòng chống đột quỵ nhiều địa phương ở nước ta vừa thiếu vừa yếu. Ở tuyến tỉnh, ngoài nhân lực chuyên ngành về thần kinh còn hạn chế, trang thiết bị cũng thiếu nên việc chẩn đoán, điều trị đột quỵ là ngoài tầm tay, nhiều người chẳng may bị đột quỵ gần như mất cơ hội được cứu sống. Giới chuyên môn cho hay từ năm 2005, Việt Nam đã thành lập được 16 đơn vị đột quỵ theo tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên hầu hết được phân bố ở TP HCM và Hà Nội nên không hợp lý. Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy Việt Nam hiện có 78 bệnh viện đủ khả năng lập đơn vị đột quỵ song mới chỉ có 38 bệnh viện có bác sĩ chuyên về thần kinh.

GS-TS Lê Văn Thành cho biết người bị đột quỵ cần được chăm sóc tích cực 24/24. Cơ hội sống còn của người bị đột quỵ chủ yếu phụ thuộc vào việc xử trí tại chỗ chứ không phải chuyển lên tuyến trên. Nếu người bệnh được xử trí nhanh sẽ giảm được nguy cơ tử vong, giảm tỉ lệ tàn tật. Song trên thực tế hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh không có đơn vị xử trí đột quỵ nên cứ có ca nào thì chuyển ca đó hoặc người nhà nóng ruột xin chuyển đi. Chính thời gian chuyển bệnh khiến tình trạng bệnh nặng hơn gây khó khăn cho việc cứu chữa. “Quan niệm chuyển lên tuyến trên mới được cứu sống là sai lầm. Đâu biết rằng giây phút sinh tử của người bị đột quỵ phụ thuộc chính vào cách xử trí tại chỗ. Người đột quỵ phần lớn tử vong hoặc mất cơ hội cứu chữa, tổn thương vĩnh viễn phần lớn rơi vào trường hợp chuyển viện” - GS Thành nhấn mạnh.

“Thế nên thành lập trung tâm đột quỵ chuyên sâu đủ điều kiện, kể cả trang bị máy bay trực thăng, ngay tại địa phương là điều cấp thiết. Song niềm mơ ước được như thế có lẽ còn xa vời” - một chuyên gia lo lắng.

Bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá… là những yếu tố chính dẫn tới bệnh đột quỵ. Nếu bệnh nhân may mắn qua được cơn nguy kịch thì đột quỵ cũng khiến họ rơi vào tình trạng tàn phế với mức độ nặng hơn nhiều so với suy tim, bệnh lý mạch vành, đái tháo đường, viêm khớp…

Người lao động

© 2021 FAP
  18,911,828       113/1,617