Sức khỏe

Dịch sởi diễn biến khó lường

Trong đợt dịch sởi lần này, nhiều trẻ đang có miễn dịch từ sữa mẹ, chưa đến độ tuổi tiêm phòng vắc- xin sởi vẫn mắc bệnh

Việt Nam từng đặt mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2010 nhưng từ năm 2006 đến nay, dịch sởi vẫn xuất hiện tại nhiều địa phương, trong đó có những đợt dịch lớn gây bệnh cho hàng ngàn người.

Diễn biến phức tạp

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm - cho biết số trẻ mắc sởi tăng đột biến từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Chỉ riêng đầu tháng 2, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 80 trẻ với các triệu chứng phát ban sởi kèm sốt cao, viêm kết mạc. Nhiều trẻ nhập viện muộn đã xuất hiện biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, viêm màng não. Đã có một trường hợp tử vong. Số trẻ mắc sởi cũng được ghi nhận tại nhiều bệnh viện khác ở Hà Nội. Tại Khoa Nhi Bệnh viện Xanh Pôn, trong số 90% trẻ mắc sởi có biến chứng viêm phổi thì có một trường hợp biến chứng nặng.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, điều bất thường trong dịch sởi lần này là có đến hơn 50% trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh và đây là đối tượng chưa đến tuổi tiêm phòng. Thông thường, trẻ dưới 9 tháng tuổi sẽ có miễn dịch từ mẹ thông qua bú sữa mẹ. Khi mắc sởi, việc chăm sóc các cháu sẽ khó khăn hơn và trẻ dễ bị bội nhiễm hơn.

Trước nguy cơ dịch sởi lan rộng và diễn biến phức tạp, cuối tuần qua, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành yêu cầu tăng cường phòng chống dịch sởi. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc sởi, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Nhiều nhất là tỉnh Yên Bái: 253 trường hợp, tiếp đến là TP HCM: 138 ca, Lào Cai: 120, Sơn La: 80, Hà Nội: 30. Đây chỉ là những ca bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus sởi, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

Theo ông Phu, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông xuân. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi, họng bệnh nhân nên những người chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm đủ vắc-xin sởi đều có thể mắc bệnh. Sởi cũng được gọi là bệnh “chưa phát đã lây” vì thời gian ủ bệnh của sởi trung bình 10 ngày. Trong khoảng thời  gian này, virus sởi từ người mang mầm bệnh có thể lây cho người khác qua hắt hơi, giao tiếp... “Tuy được coi là bệnh lành tính nhưng sởi có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ bị biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, mù lòa, viêm não hoặc tử vong” - ông Phu cảnh báo.

Hầu hết trẻ mắc sởi đều có biến chứng viêm đường hô hấp. Trong ảnh: Trẻ em mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương
Hầu hết trẻ mắc sởi đều có biến chứng viêm đường hô hấp. Trong ảnh: Trẻ em mắc sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương

Chủng ngừa rồi vẫn mắc

GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết sự trở lại của đợt dịch sởi không có gì bất thường bởi theo chu kỳ cứ 3-5 năm, dịch lại bùng phát. Năm 2006 cũng xảy ra một đợt dịch sởi với 3.000 trẻ mắc, năm 2009-2010 tiếp tục xảy ra dịch với 7.500 ca trên cả nước, trong đó dịch tập trung ở các tỉnh phía Nam. Đây cũng là năm có số mắc lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Cuối năm 2013 đến nay, dịch tái xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành; riêng tại Hà Nội, sau 3 năm vắng bóng, dịch sởi đã quay trở lại. Ngoài đối tượng trẻ em, người lớn trên dưới 30 tuổi cũng mắc sởi. “Trong thời gian tới, dịch sởi có thể tiếp tục xảy ra rải rác ở một số tỉnh” - GS Hiển nhận định.

Lý giải nguyên nhân bệnh xảy ra ở những trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng vắc-xin sởi, GS Hiển cho rằng có thể do trẻ không có đáp ứng miễn dịch tốt hoặc trẻ nhỏ sinh ra từ những bà mẹ mà trước đó chưa được tiêm vắc-xin sởi hay chưa từng mắc sởi. Khi đã mắc sởi hoặc được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sẽ để lại miễn dịch bền vững suốt đời. Tuy nhiên, theo GS Hiển, thời gian qua, do quá lo sợ về phản ứng sau tiêm chủng nên nhiều bậc cha mẹ đã ngại không cho con đi tiêm chủng, bao gồm cả vắc-xin  sởi. Do đó, bệnh sởi đã có cơ hội bùng phát. “Hiện vắc-xin sởi được đánh giá là an toàn. Các phản ứng sau tiêm thường nhẹ và sẽ hết trong khoảng từ 1-2 ngày sau tiêm mà không cần điều trị gì” - ông Hiển nhấn mạnh.

Với mục tiêu loại trừ bệnh sởi tại Việt Nam vào năm 2010, chương trình tiêm chủng mở rộng cũng đã tổ chức nhiều chiến dịch tiêm vắc-xin sởi bổ sung quy mô lớn trên toàn quốc, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao song  từ cuối năm 2006 đến nay, Việt Nam vẫn ghi nhận các dịch sởi trên cả nước với quy mô lớn. GS Hiển cho biết từ tháng 10-2014, với sự hỗ trợ của Liên minh Toàn cầu vắc-xin và tiêm chủng (GAVI), chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ triển khai  chiến dịch tiêm vắc-xin sởi, Rubella cho tất cả trẻ em Việt Nam từ 1 đến 14 tuổi.

Tiêm bổ sung ​vắc-xin sởi

Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc-xin sởi để tiến hành tiêm bổ sung cho tất cả đối tượng cần được tiêm vắc-xin sởi. Việc tiêm vắc-xin sởi có thể thực hiện đồng thời với lịch tiêm chủng hằng tháng hoặc tiêm vào một ngày khác.

Người lao động

© 2021 FAP
  18,892,301       29/1,083