Sức khỏe

Nhập khẩu khẩn cấp hàng chục ngàn liều vắc-xin thủy đậu

(NLĐO) - Trong khi dịch thủy đậu đang xuất hiện ở một số địa phương và các thành phố lớn thì nhiều tháng nay, vắc-xin ngừa bệnh này lại… hết hàng.

Điều trị bệnh nhi bị thuỷ đậu
Điều trị bệnh nhi bị thuỷ đậu

Chiều 19-2, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết Cục Quản lý dược đã xét duyệt khẩn cấp để Công ty TNHH MTV vắc-xin và sinh phẩm số 1 nhập khẩu 77.600 liều Varicella vắc-xin – GCC inj đáp ứng nhu cầu phòng bệnh thủy đậu và sẽ tiếp tục cho nhập khẩu nếu có nhu cầu.

Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các đơn vị đăng ký vắc-xin khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đăng ký mới, đăng ký lại các vắc-xin phòng bệnh thủy đậu để được xem xét theo quy trình thẩm định nhanh.

Theo Cục Quản lý dược, hiện nay bệnh thủy đậu đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh, trong khi đó vắc-xin phòng bệnh thủy đậu không nằm trong danh sách 11 vắc-xin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và các cơ sở tiêm chủng chưa có dự trù kịp thời. Trong khi đó, hiện có 4 vắc-xin phòng bệnh thủy đậu đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam nhưng trong đó có số đăng ký đã hết hiệu lực.

Thông tin từ các đơn vị tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội ngày 19-2 cho biết từ nhiều tháng nay không có vắc-xin ngừa thủy đậu. Đây là một trong những vắc-xin người dân có nhu cầu tiêm phòng dịch do thủy đậu là bệnh thường gây dịch trong cộng đồng, đặc biệt tăng cao vào mùa đông xuân. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, nguyên nhân khan hiếm vắc-xin thủy đậu sử dụng tiêm dịch vụ được sản xuất bởi công ty dược GSK và Sanofi, tuy nhiên nhà cung cấp đã thông báo hết hàng từ nhiều tháng qua. Trong khi đó tại Hà Nội và TP HCM số bệnh nhân mắc thủy đậu đã xuất hiện trong các tuần gần đây ở cả người lớn và trẻ em.

Thủy đậu là bệnh do virus lành tính, tuy nhiên nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách, trẻ gãi nhiều hoặc chăm sóc vệ sinh không chu đáo, nốt phỏng có thể bị bội nhiễm gây viêm da nặng, biến chứng gây nhiễm khuẩn máu do bội nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não... Biến chứng nguy hiểm cũng có thể gặp ở người lớn mắc thủy đậu. Phụ nữ có thai trong các tháng đầu thai kỳ nếu mắc thuỷ đậu thì có thể gây dị tật thai nhi.

Người lao động

dịch bệnh, bệnh thủy đậu, biến chứng, tiêm chủng, điều trị, vắc xin, bội nhiễm, Thủy đậu


© 2021 FAP
  18,861,940       42/1,049