Sức khỏe

Nguy cơ bùng phát bệnh dại

Năm 2013, cả nước có 300.000 người bị chó dại tấn công, trong đó 99 người tử vong. Giới hữu trách cảnh báo nguy cơ bệnh dại có thể bùng phát trở lại năm nay

Mới đây, tại Thanh Hóa đã có thêm một nạn nhân tử vong do chó cắn, nâng tổng số người chết do bệnh dại ở địa phương này từ đầu năm 2014 đến nay lên 3 trường hợp.

Người chết, chó vẫn sống

Nạn nhân mới nhất là ông P.Q.N (52 tuổi). Trước đó, vào giữa tháng 12-2013, ông N. bị một con chó cắn nhưng không đi chích ngừa. Gần 1 tháng sau, ông có biểu hiện mắc bệnh dại như rối loạn cảm giác, sợ gió, sợ nước, sốt. Được người nhà đưa đi bệnh viện điều trị nhưng ông đã tử vong sau hơn 1 tuần.

Tại TP HCM, cái chết của cậu bé trai 4 tuổi (ngụ ở huyện Củ Chi) do bị chó tấn công gần đây khiến không ít người xót thương. Bé N. nhập viện cấp cứu trong tình trạng người bê bết máu với nhiều vết thương ở mặt, ngực, mông, đầu. Do vết thương quá nặng, N. đã không qua khỏi. Trước đó, người quen có công việc nên nhờ cha mẹ N. sang trông nhà hộ. Tại đây, cháu bất ngờ bị con chó bẹc-giê tấn công phủ đầu.

Theo bác sĩ Mai Xuân Thông, Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, các trường hợp chủ quan, để mắc bệnh dại ngày càng gia tăng. Nhiều trường hợp người bệnh chết rồi mà con chó thủ phạm vẫn còn sống. Chẳng hạn, có một cô gái trẻ nuôi chó cưng, vì yêu thương nó nên cô để miếng bánh trên tay cho con vật liếm. Chú chó liếm luôn vào một vết thương trên tay mà cô gái không hay biết. Sau đó, cô phát bệnh dại và tử vong. Ở trường hợp này, chó mang virus dại (không phát dại), người bị nhiễm chết nhưng con vật lại không sao.

Thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM gần đây cho thấy số người mắc bệnh dại hoặc bị chó dại cắn tăng hơn cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vào thời điểm sau Tết, đã có hàng trăm người đến chích ngừa vắc-xin dại mỗi ngày. TS-BS Lê Mạnh Hùng, phó giám đốc bệnh viện, cho hay nạn nhân bị chó cắn có cả người lớn và trẻ em, ngụ tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Đa số trường hợp này do bị chó, mèo cào khi đi chúc Tết. Nguyên nhân một phần là do trêu chọc chó, mèo hoặc vô ý bị chó nhà cắn…

Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM
Tiêm vắc-xin phòng bệnh dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM

Đã lên cơn là hết cách

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, châu Á có trên 30.000 ca tử vong vì bệnh dại. Con người bị lây truyền bệnh dại chủ yếu qua vết cắn, vết liếm của chó, mèo... mắc bệnh. Ở nước ta, năm 2013 có 300.000 người bị chó dại tấn công, trong đó 99 người tử vong. Có 30%-50% người sau khi bị chó dại cắn không tiêm vắc-xin.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, từ năm 2000, Việt Nam đã khống chế thành công bệnh dại (từ 410 ca tử vong trong năm 1995 xuống còn 34 ca vào năm 2003). Tuy nhiên, những năm gần đây, bệnh dại lại có xu hướng bùng phát: Năm 2007 có 131 ca tử vong, năm 2011 là 110 ca và năm 2012 là 98 ca. Đáng lưu ý, trong số 99 người tử vong do bệnh này vào năm 2013, 50% không tiêm vắc-xin sau khi bị chó cắn. Riêng khu vực phía Nam, ghi nhận của Viện Pasteur TP HCM cho thấy từ năm 2011 đến nay, đã có trên 20 trường hợp tử vong do chó dại cắn.

Các chuyên gia cho biết bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, gây ra những cái chết với triệu chứng rất đáng sợ. Đặc điểm của bệnh là virus tác động vào hệ thần kinh, gây rối loạn thần kinh trung ương làm cho con vật trở nên điên dại và chết. Nguồn mang bệnh dại chủ yếu là chó (90%), mèo nuôi (5%) và động vật hoang dã. Bệnh nhân đã lên cơn kịch phát thì chắc chắn không cứu được.

Bác sĩ Thông lưu ý khi bị chó cắn, nếu con vật mang virus dại thì người bệnh có thể phát dại từ 2 tuần đến 1 tháng sau đó. Song cũng có trường hợp phát bệnh sau 4 ngày hoặc thậm chí vài năm. Do vậy, cần phải tiêm vắc-xin kháng dại ngay từ đầu và tiêm song song với huyết thanh kháng dại vì trong vòng 2-4 tuần đầu, vắc-xin chưa tạo ra miễn dịch bảo vệ cơ thể.

Cách tốt nhất là tiêm phòng cho thú nuôi. Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, ngoài việc tiêm huyết thanh kháng dại, người bị cắn cần phải tiêm đủ số mũi vắc-xin trong vòng một tháng mới an toàn. 

Hiện giá một liều vắc-xin tiêm phòng chó dại cắn rất rẻ, chỉ  khoảng 8.000 đồng nhưng nhiều người vẫn chủ quan không đi tiêm. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới số ca tử vong do bệnh dại tăng cao. 

Người lao động

© 2021 FAP
  18,836,030       54/1,010