Sức khỏe

Việt Nam thu hút bệnh nhân ngoại

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50.000 bệnh nhân ra nước ngoài điều trị với chi phí khoảng 2 tỉ USD; ngược lại, người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh cũng ngày càng nhiều, mang lại nguồn thu khoảng 1 tỉ USD

Anh Carthay (41 tuổi, quốc tịch Áo) bị khúc xạ ở 2 mắt nhiều năm và đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật nhưng không mang lại kết quả. Biết tại Việt Nam đã ứng dụng kỹ thuật femtosecond laser tiên tiến của thế giới trong phẫu thuật khúc xạ, anh quyết định sang chữa trị. Tại TP HCM, tật khúc xạ của anh đã được các bác sĩ Bệnh viện Mắt phẫu thuật thành công. Anh xuất viện với niềm vui không chỉ vì mắt sáng hẳn mà chi phí chỉ bằng 1/3 so với thực hiện tại quê nhà.

Điều trị bệnh, “kiếm con”

Các trường hợp đến Việt Nam chữa bệnh như anh Carthay không phải hiếm. Ông Dale Ewards Washington (56 tuổi, quốc tịch Mỹ, chuyên gia tư vấn luật quốc tế tại

TP HCM) bị tai nạn đứt gân gót chân trái, không thể đi lại. Mặc dù đủ điều kiện về nước điều trị nhưng ông lại chọn Bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sĩ ở đây đã nối thành công gân gót chân cho ông. Trong 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông chỉ tốn khoảng 1.000 USD trong khi tại Mỹ là 15.000 USD.  Ông thừa nhận kỹ thuật y học Việt Nam không thua kém xứ ông.

Người bệnh nước ngoài được điều trị tại Bệnh viện FV
Người bệnh nước ngoài được điều trị tại Bệnh viện FV

Tại một số bệnh viện trên địa bàn TP HCM như Chợ Rẫy, Đại học Y Dược, Nhân dân 115…, người nước ngoài đến khám chữa bệnh ngày càng đông. Chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy, trong năm 2014 đã điều trị cho gần 1.200 bệnh nhân người nước ngoài, trong đó có hơn 900 người đến từ các quốc gia có nền y học phát triển như Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản… Trong khi đó, tại Bệnh viện Đại học Y Dược, bên cạnh khoảng 18.000 người Campuchia sang điều trị mỗi năm còn có khoảng 1.000 bệnh nhân đến từ các nước châu Âu, châu Á, Mỹ, Úc. Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược, từ năm 2008 đến nay, bệnh viện đã điều trị nội trú cho gần 6.000 bệnh nhân người nước ngoài. Ở Bệnh viện FV, ngoài 20.000 lượt bệnh nhân đến từ Campuchia, Lào, Myanmar mỗi năm còn có khá đông lượng bệnh nhân đến từ Mỹ, châu Phi.

Không chỉ sang Việt Nam để được điều trị bệnh, không ít người nước ngoài còn muốn “kiếm con”. Theo Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM, 3 trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm gồm Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện An Sinh và Bệnh viện Vạn Hạnh luôn là địa chỉ quen thuộc đối với các cặp vợ chồng nước ngoài hiếm muộn. Riêng Bệnh viện Từ Dũ, mỗi năm có trên 200 trường hợp người nước ngoài đến điều trị hiếm muộn. Ở Bệnh viện An Sinh, con số này cũng khoảng 200. Ngoài ra, nhiều người còn sang Việt Nam để được chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền, châm cứu…

Tín hiệu tích cực

GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM, cho biết hiện Việt Nam là nơi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với tỉ lệ thành công cao, chi phí chỉ bằng 1/4- 1/3 so với các nước trong khu vực, nếu so với Mỹ thì chỉ bằng 1/8-1/6.

Lâu nay, người bệnh nước ta thường ra nước ngoài điều trị (phần lớn qua Singapore; kế đến là Thái Lan, Úc, Mỹ, Trung Quốc), nay xu hướng này có sự đảo chiều: Người nước ngoài tìm đến Việt Nam để khám chữa bệnh. Theo Bộ Y tế, nếu mỗi năm nước ta có khoảng 40.000-50.000 bệnh nhân ra nước ngoài chữa trị với chi phí khoảng 2 tỉ USD thì ngược lại, bệnh nhân từ nước ngoài, trong đó có Việt kiều, cũng đang tìm về Việt Nam trị bệnh, làm đẹp, tìm cơ hội sinh con. Nguồn ngoại tệ thu được mỗi năm khoảng 1 tỉ USD.

Theo các chuyên gia, y học nước ta ngày càng “hút khách” không chỉ do giá rẻ hơn 5-10 lần so với thế giới mà nhiều loại kỹ thuật y khoa đủ sức đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe. Vài năm gần đây, tiến bộ y học của Việt Nam đã phần nào bắt kịp trình độ thế giới. Nhiều trường hợp người nước ngoài chọn cách đến Việt Nam để du lịch và kết hợp trị bệnh theo kiểu “một công đôi việc”. Với việc phẫu thuật và điều trị thành công nhiều ca bệnh khó đã giúp đội ngũ y - bác sĩ nước nhà tự tin hơn.

“Người nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cho thấy y đức của ngành y nước nhà đang được tin tưởng. Đây là hiện tượng tích cực cho ngành y tế nói chung và từng bệnh viện nói riêng. Hy vọng tâm lý “sính ngoại” của người Việt sẽ thay đổi từ đây” - PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, nhấn mạnh.

Chi phí rẻ

Theo TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, hiện bệnh viện đã thực hiện hơn 20 kỹ thuật cao, phẫu thuật được nhiều bệnh lý khó. Theo tính toán, 19 kỹ thuật chuyên khoa của bệnh viện có chi phí rẻ hơn tại Singapore, chẳng hạn một ca ghép thận chỉ từ 180-200 triệu đồng trong khi tại Singapore từ 760 triệu đến 1 tỉ đồng; phẫu thuật đóng lỗ liên thất bằng DSA khoảng 45-60 triệu đồng, so với 320 triệu đồng ở Singapore.

Người lao động

© 2021 FAP
  18,705,194       130/1,251