(NLĐO)- Cho rằng nữ điều dưỡng đã sử dụng 1 ống kim tiêm cho nhiều bệnh nhân nên chị P. lo sợ bị lây các bệnh truyền nhiễm.
Theo trình bày của chị M.K.P (SN 1994; ngụ xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới; tạm trú tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), vào ngày 21-8, chị bị đau bụng dữ dội và xuất huyết bất thường nên nhờ người đưa vào Bệnh viện Sản nhi tỉnh An Giang khám bệnh.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ chỉ định cho chị P. mổ cấp cứu. Đến sáng hôm sau, chị P. phát hiện nữ điều dưỡng tên G.H tiêm thuốc cho chị và những người trong phòng với cùng 1 ống tiêm.
Ngày 27-8, chị P. dùng điện thoại quay lại cảnh tương tự này để làm bằng chứng phản ánh với giám đốc bệnh viện. Ngay sau đó, chị P. nhận được lời xin lỗi qua tin nhắn trên mạng xã hội được cho là từ đại diện Bệnh viện Sản nhi An Giang.
Chị P. yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra xem có mắc những bệnh lây nhiễm qua đường máu hay không và đã được chấp thuận. Kết quả xét nghiệm này đã được giám đốc bệnh viện gửi qua mạng Zalo cùng 1 toa thuốc (không rõ thuốc gì).
Chị P. cho biết mãi đến ngày 9-9, nữ điều dưỡng H. cùng 2 người (1 nam, 1 nữ) mang trái cây đến nhà chị để xin lỗi nhưng chị P. không nhận vì cho rằng bệnh viện chưa trả lời được câu hỏi của mình. "Nếu tôi bị lây nhiễm bất cứ bệnh gì qua đường máu thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?" - chị chất vấn.
"Hiện sức khỏe của tôi vẫn chưa ổn định và tâm trạng hoang mang lắm. Tôi mong ban Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi An Giang phải giải quyết thỏa đáng về vấn đề này và chịu chi phí cho tôi được đi xét nghiệm ở bệnh viện khác xem có mắc phải bệnh gì lây qua máu hay không"- chị P. nêu nguyện vọng.
Chiều 14-9, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Người Lao Động, TS-BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi An Giang, cho biết hiện đơn vị này đang làm rõ những vấn đề liên quan, trong đó có việc xác định 2 người đi cùng điều dưỡng H. đến nhà chị P. Đồng thời, bệnh viện cũng thành lập hội đồng chuyên môn để để xem xét lại quy trình làm việc của điều dưỡng này và sẽ có hướng xử lý.
Tuy nhiên, ông Hiền nói theo báo cáo của phòng chuyên môn thì nữ điều dưỡng H. chỉ sử dụng ống rút kháng sinh từ lọ thuốc của bệnh nhân này sang lọ thuốc của bệnh nhân khác chứ không phải dùng 1 kim tiêm cho nhiều người. Do đó, nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cho nữ bệnh nhân này cũng như nhiều bệnh nhân khác là rất khó có thể xảy ra.
"Tuy nhiên, việc làm này của điều dưỡng H. cũng đã sai về nguyên tắc nghề nghiệp. Chúng tôi đã gửi kết quả xét nghiệm cho chị P. và được hẹn tái xét nghiệm 2 lần/năm rồi. Còn nếu chị P. có nhu cầu đi xét nghiệm ở bệnh viện khác thì chúng tôi sẵn sàng đáp ứng"- giám đốc bệnh viện khẳng định.