Sức khỏe

Người dân cần chăm sóc tổng quát hơn điều trị chuyên sâu

(NLĐO)- Mô hình bệnh tật ở Việt Nam đã thay đổi rất lớn trong 20 năm qua, cần có sự biến chuyển về đào tạo nhân lực y tế, nhất là mạng lưới y tế công cộng - chăm sóc sức khỏe tổng quát nếu không muốn quá tải chỗ này, thiếu nhân lực chỗ khác.

Sáng 30-9, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức lễ thành lập khoa Y tế công cộng. Theo PGS-TS-BS Ngô Minh Xuân, hiệu trưởng nhà trường, việc thành lập khoa nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế của xã hội.

Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tổng quát, chăm sóc để "sống chung" với các bệnh không lây càng ngày càng cao, đòi hỏi phải có một mạng lưới y tế công cộng đủ sức bao phủ. Việc này cũng nhằm giảm tải cho các bệnh viện lớn, bởi nếu những vấn đề sức khỏe không quá lớn, không cần điều trị chuyên sâu mà người dân vẫn phải đến bệnh viện lớn thì chắc chắn những nơi này sẽ quá tải.

Theo GS-T-BS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng, Cố vấn khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong vòng 20 năm kể từ năm 1990 đến 2010, tuổi thọ người Việt đã tăng đáng kể từ 65 lên 73. Đồng thời, nếu năm 1990, mô hình bệnh tật gồm 70% bệnh nhiễm trùng, 30% bệnh không nhiễm trùng thì năm 2010 ngược lai: 70% bệnh không nhiễm trùng, 30% bệnh nhiễm trùng.

Sự thay đổi về tỉ lệ ngoài nhờ những nỗ lực đánh bại các căn bệnh nhiễm trùng như thực hiện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm nguồn thuốc men đầy đủ, còn bởi việc nhóm bệnh không nhiễm trùng đang tăng cao do lối sống và thói quen ăn uống của chúng ta. Những năm qua, nước ta phát triển về kinh tế nhanh, đời sống được cải thiện theo. Như người đói lâu ngày thấy mâm cơm ngon, nhiều người bắt đầu lối dinh dưỡng thừa mứa và lối sống thiếu vận động, khiến các căn bệnh như béo phì, tiểu đường… có cơ hội tấn công.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đó, người dần càng cần đến mạng lưới y tế công cộng. Đó là mạng lưới có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe tổng quát, phát hiện sớm và giải quyết các vấn đề sức khỏe thông thường, quản lý về dinh dưỡng, phòng bệnh cho người dân, quản lý các bệnh không lây để chúng đừng có các biến chứng phải điều trị chuyên sâu…

"Phòng bệnh hơn chữa bệnh", giải quyết ban đầu các vấn đề sức khỏe không lớn, không những có lợi cho người dân, mà còn giúp các bệnh viện lớn, được đầu tư chuyên sâu, không quá tải bởi số lượng bệnh. Vì vậy, y tế dự phòng – y tế công cộng cần được đầu tư hơn nữa để phù hợp với mô hình bệnh tật và tình hình y tế ở nước ta.

Tin-ảnh: A. Thư
Người lao động

© 2021 FAP
  18,655,483       1/460