Tết đến, bàn thờ gia tiên của người Việt không thể thiếu mâm quả trái cây, và mỗi loại quả lại mang một ý nghĩa tốt lành khác nhau mà không phải ai cũng rõ.
Tết đến Xuân về, ngoài việc dọn dẹp bàn thờ, cúng bữa cơm mặn thì chưng mâm ngũ quả thắp hương cúng gia tiên cũng là một việc làm không thể thiếu. Bên cạnh lựa chọn những quả tươi nhất, ngon nhất thì mọi người cũng nên hiểu ý nghĩa và cách trưng bày cho đúng cách, không phải thích gì trưng nấy đâu nhé.
Thường một mâm quả sẽ bao gồm 5 loại trái cây tượng trưng cho 5 cung Kim – Mộc -Thủy -Hỏa – Thổ trong ngũ hành và ngũ phúc lâm môn Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh của người Việt. Vì vậy cần chọn những màu sắc trái cây hài hòa và mang ý nghĩa tương ứng.
(Ảnh: Internet)
Tùy theo mỗi vùng miền với khí hậu và thổ nhưỡng khác nhau, mâm ngũ quả mỗi nơi cũng có nhiều khác biệt, phù hợp riêng văn hóa tại địa phương. Nhưng chung quy, người dân vẫn lựa chọn ra những loại quả mang ý nghĩa tinh thần, ý nghĩa văn hóa sâu đậm để dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi độ Xuân về.
Những loại quả sau đây đều mang ý nghĩa tốt lành, hưng thịnh cho gia chủ, các bạn tham khảo và lựa chọn loại quả hợp với vùng miền nơi mình sống để bày biện bàn ngũ quả dâng lên tổ tiên nhân dịp Xuân mới này nhé.
(Ảnh: Internet)
- Phật thủ: Theo quan niệm xưa, hình dáng như bàn tay Phật của quả phật thủ được cho rằng có thể che chở, bảo vệ cho gia đình được bình an. Ngoài ra, Phật thủ còn được chưng với mong muốn gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới, sung túc, ấm no, khỏe mạnh. Không chỉ vậy, nhiều người còn cho rằng phật thủ còn ẩn chứa 3 ý nghĩa quan trọng "phúc - lộc - thọ".
- Nải chuối: cũng như quả Phật Thủ, nải chuối có hình dáng như lòng bàn tay ngửa, ôm lấy thức quả khác, tượng trưng cho sự giữ gìn tài lộc.
- Trái quất: phát âm của từ này gần giống với từ "cát" trong tiếng Hán. Vì vậy, trái quất cũng thường được ưa chuộng chưng bày trên mâm cỗ với ý nghĩa cầu mong làm ăn phát đạt, tấn tới.
- Trái bưởi: với mong muốn an khang, thịnh vượng
- Trái xoài: phát âm xoài khá giống với "xài" trong chữ "tiêu xài" của người miền Nam, vì vậy người ta thường cúng xoài với sự cầu mong tiền tài tiêu xài không thiếu thốn.
- Trái đu đủ: chữ "đủ" tượng trưng cho sự no đủ, đông đủ về cả tiền tài lẫn hạnh phúc gia đình, vì vậy đó là lí do tại sao đu đủ là loại quả rất được ưa chuộng trong mâm ngũ quả.
- Trái thanh long: ở một số vùng miền còn gọi là "thăng long" tức chỉ rồng bay lên trời, trưng trái này, gia chủ cầu mong một năm đầy cát tường, thịnh vượng.
- Trái sung: sung trong chữ "sung túc", vì vậy người dân thường không quên quả sung trong mâm quả ngày Xuân với ước mong một năm mới sung túc.
Ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Xuân
Thuyết ngũ hành tương sinh sẽ được vận vào mâm ngũ quả với Kim là màu trắng, Mộc là màu xanh, Thổ là màu vàng, Hỏa là sắc đỏ và Thủy mang sắc đen. Các bà các mẹ sẽ dựa vào đây để chọn ra mâm ngũ quả tươi ngon, đầy sung sắc nhất chưng bày một cách khéo léo để dâng lên bàn thờ gia tiên.
Ngũ quả còn ẩn chứa hàm ý cầu ngũ phúc, bình an cho gia đạo. Năm tháng trôi qua, mâm ngũ quả đã có nhiều đổi thay so với trước nhưng chung quy vẫn mang tấm lòng trân trọng của người sống gửi đến gia tiên đã khuất, nhờ về nguồn cội như câu dạy "uống nước nhớ nguồn" của ông bà xưa.
(Tổng hợp)
mâm quả ngày tết, Tết Đoan Ngọ, tết nguyên đán