Con mắt Sahara từng ẩn giấu suốt hàng triệu năm mới được khám phá.
“Con mắt của Sahara”, hay còn được biết đến là kết cấu Richat, hoặc “Guelb er Richat”, nằm ở phía Tây sa mạc Sahara, nước Mauritania. Trên mặt đất, nó trải dài khoảng 40 km.
Trong khi thực hiện chuyến du hành vũ trụ Gemini IV dài 4 ngày quanh quỹ đạo Trái Đất vào năm 1965, các nhà phi hành gia có nhiệm vụ chụp lại địa hình Trái Đất. Đặc biệt, họ phải tìm kiếm “những kiến tạo lớn có hình vòng tròn mà có thể là vết tích của sự va chạm, theo như văn bản và các bức ảnh liên quan đến chuyến du hành.
Con mắt Sahara rộng khoảng 40km.
Các vết nứt gãy do va chạm có ý nghĩa quan trọng về mặt địa chất vì chúng có thể cho biết thêm về lịch sử Trái Đất đồng thời biết được đã bao nhiêu lần các thiên thạch trong không gian đã va đập vào hành tinh xanh của chúng ta để giúp các nhà khoa học có thể đưa ra phỏng đoán trong tương lai.
Vòng tròn chính của con mắt là những gì còn sót lại của nhiều tầng vỏ Trái Đất đã bị xói mòn, có hình dáng tựa mái vòm. Các nhà khoa học đã nghĩ rằng “Con mắt của Sahara” cũng là một vết nứt do va chạm, nhưng họ không tìm thấy đủ bằng chứng về loại đá nung chảy hình thành do áp lực và sức nóng của cú va đập.
Vẻ đẹp huyền ảo của "Con mắt" là nhờ vào các loại đất đá đa dạng tạo nên.
Các giả thuyết hiện nay cho rằng có một câu chuyện phức tạp hơn nhiều đứng đằng sau sự hình thành đất đá khó tin này. Có hai nhà địa chất học đến từ Canada hiện tại đang có một giả thuyết chưa được chứng minh về nguồn gốc của "Con mắt".
Họ cho rằng nó đã bắt đầu hình thành khoảng hơn 100 triệu năm trước, khi mảng siêu lục địa Pangaea bị tách ra bởi các chuyển động quy mô lớn của thạch quyển Trái Đất, khi châu Phi và phần Nam Mỹ bị đẩy ra xa khỏi nhau.
Theo họ, các đá nung chảy bị dồn lại vào nhau và tạo thành một khối hình vòm gồm nhiều tầng đất đá, nhìn giống một vết mụn lớn vậy. Nó cùng tạo ra những đường vòng tròn gãy khúc bao xung quanh hoặc chạy qua con mắt. Những đá nóng chảy còn làm tan đá vôi gần trung tâm "Con mắt", hình thành một loại đá đặc biệt tên là breccia.
Con mắt này là một vị trí đánh dấu quan trọng trên sa mạc rộng lớn.
Ít lâu sau thời điểm 100 triệu năm trước, phần hình vòm của con mắt sụp xuống, và sự xói mòn đã làm nốt phần việc còn lại, tạo ra "Con mắt của Sahara" ngày nay. Những vòng tròn được hình thành từ nhiều loại đất đá mà bị xói mòn theo các tốc độ khác nhau. Vòng tròn nhạt màu ở gần chính giữa Con mắt là đá núi lửa mà được tạo ra khi Con mắt sụp đổ.
Các phi hành gia quan tâm đặc biệt đến "Con mắt Sahara" bởi lẽ nó là một trong số ít những đặc điểm nổi bật lên giữa “biển cát” mênh mông đơn điệu, biến nó trở thành một mốc đánh dấu quan trọng.
Có khi nào Con mắt Sahara là tàn tích của một nền văn minh?
Một vài người thì tin rằng "Con mắt Sahara" thực ra là những gì còn sót lại của thành phố Atlantis, mà theo như Plato mô tả là những vòng tròn đồng tâm tạo nên từ đất và nước.
(Nguồn: Sciencealert)