Chuyện lạ

Ngón tay người có thể mọc lại sau khi bị đứt?

Liệu ngón tay người có thể mọc trở lại sau khi bị đứt, nếu thật vậy thì quả là thần kỳ.

Khi một đứa trẻ chẳng may bị mất một phần đầu ngón tay do bị dao cắt hoặc do bị kẹp tay vào cửa, vẫn có khả năng ngón tay sẽ mọc trở lại. Dù hoa tay không còn và phần mọc ra có thể trông khác hẳn với các ngón khác, nhưng ít nhất thì thịt, xương và móng tay sẽ mọc lại như trước.
Người ta đã ghi nhận trường hợp bé gái bị cụt phần đầu ngón giữa đã mọc lại như cũ sau vài tuần.

Các nhà khoa học đã phát hiện thấy hiện tượng mọc lại chi như thằn lằn này ở trẻ con nhưng chưa hiểu rõ bằng cách nào chúng có thể làm thế. Bác sĩ Christopher Allan, đến từ Trung tâm Y tế về Tay tại Đại học Washington (Mỹ) nói rằng: “Trẻ con thật ra có thể mọc lại khá hoàn hảo phần đầu ngón tay nếu không may bị cụt mất, nếu để nguyên.”

Bác sĩ Allan đã từng chứng kiến trường hợp một bé gái 8 tuổi bị kẹt tay vào nan hoa xe đạp của anh trai. Cái nan hoa đã cắt cụt phần đầu ngón tay giữa của em. Bố mẹ đã nhanh chóng đưa bé đi cấp cứu ở bệnh viện với hi vọng có thể nối lại ngón tay cho em.

Mặc dù chuyên môn là tái tạo lại tay, bác sĩ Allan không thể tìm thấy động mạch bé xíu mà ông cần để nối 2 phần lại với nhau. Thế là, ông đã quyết định chỉ gắn lại phần bị đứt vào, băng lại và hi vọng điều kì diệu sẽ xảy ra.

Ông chia sẻ: “Cô bé ấy quay trở lại sau vài tuần với phần đầu ngón tay bị đứt ra trong một cái túi và một đoạn ngón tay mới mọc ra thế chỗ cho nó. Điều này thực sự kỳ diệu như phép màu xảy ra”.
Chỉ có phần đầu ngón tay, tô bằng màu đỏ, mới có khả năng mọc lại.
Kể từ những năm 1970, các bác sĩ trên thế giới đã báo cáo lại những trường hợp tương tự ở trẻ nhỏ: đầu ngón tay sẽ luôn mọc trở lại nếu vết cắt chưa đến hết móng tay. Còn nếu ngón tay bị cụt ở vị trí thấp hơn thì hầu như không thể mọc lại được.

Các nhà khoa học đã nhận thấy hiện tượng mọc lại chi xảy ra ở bàn tay chuột. Thậm chí cả những con chuột trưởng thành cũng có thể làm điều này. Bác sĩ Mayumi Ito, đến từ Đại học New York (Mỹ) cho biết: “Hết sức kì diệu. Những con chuột trưởng thành có thể tự tái tạo bộ phận cơ thể y như cũ”.

Dù vậy, Ito và nhóm nghiên cứu của mình để ý thấy điều kiện tiên quyết là một ít móng vuốt của chúng phải vẫn còn dính lại. Họ đã cố gắng đi tìm nguyên nhân và biết rằng mấu chốt nằm ở tế bào gốc ở chỗ móng tay.
Tế bào gốc móng tay chuột không những mọc lại móng (màu cam) mà còn khôi phục các tế bào thần kinh và xương.

Móng giống với tóc ở chỗ chúng có thể mọc lại dù bị cắt ngắn đi. Cả hai bộ phận này đều cần một lượng tế bào được cung cấp liên tục để có thể tái tạo những cấu trúc cứng như móng hay ngọn tóc.

Với tóc, phần nang tóc có chứa một nhóm các tế bào gốc có chức năng như “nhà máy sản xuất tóc”. Những tế bào này có thể tạo ra đầy đủ các thành phần cấu tạo tóc, từ phần ngọn tóc cho đến màu sắc và gốc tóc. Ito và nhóm của mình đã phát hiện ra một nhóm các tế bào gốc tương tự nằm ở ngay gần chỗ biểu bì gốc móng và gọi chúng là “tế bào gốc móng tay”. 

Khi phần đầu “ngón tay” của chuột bị cắt cụt, các tế bào gốc này không những tái tạo lại móng mà còn gửi đi tín hiệu khiến xương và dây thần kinh cũng “mọc lại” ở chỗ vết thương. Ito nói rằng: “Ở các loài lưỡng cư, dây thần kinh là đủ để kích hoạt toàn bộ quá trình tái tạo bộ phận cơ thể. Chúng tôi không rõ ở động vật có vú có hiện tượng tương tự không, nhưng chắc chắn dây thần kinh đóng vai trò tối quan trọng trong việc tái tạo xương ở ngón tay chuột.”
Liệu các tế bào gốc móng tay có thể nắm giữ chìa khóa giúp con người tái tạo bất cứ bộ phận nào không?

Các tín hiệu được tạo ra bởi tế bào gốc móng tay có thể bố trí ở mọi chỗ trên cơ thể. Nó thậm chí còn can thiệp vào việc cấu tạo chi và các bộ phận bên trong cơ thể trong suốt quá trình thai nhi hình thành trong bụng mẹ.

Ito nói: “Chúng tôi tin rằng tế bào gốc móng tay có thể đóng vai trò đặc biệt trong việc kích hoạt quá trình tái tạo bộ phận, kể cả thần kinh lẫn xương”. Ito và nhóm của mình sẽ thử tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm trên chuột để tìm hiểu xem liệu tế bào gốc móng tay có thể giúp ích trong các ca cụt chi nghiêm trọng hơn không. Kế đó sẽ là tìm ra nhóm tế bào tương tự ở người.
Có cùng quan điểm với Ito, Allan và nhóm của mình nhận thấy ngón tay người có chứa một lượng tế bào gốc có thể biến thành bất cứ loại tế bào nào khác nếu được tiếp nhận tín hiệu thích hợp. Nhưng lí do người lớn không thể mọc lại đầu ngón tay có thể là do nhiều yếu tố, như không đủ tế bào gốc, các điều kiện môi trường chưa phù hợp, hoặc vì không có tín hiệu để bắt đầu quá trình tái tạo.
(Nguồn: Newsbeat, NPR)
aFamily

chuyện lạ, chuyện lạ về bộ phận cơ thể, ngón tay, hiện tượng kỳ lạ


© 2021 FAP
  834,746       3/1,016