Chuyện lạ

Mặc dù rất kì quặc nhưng hằng ngày con người vẫn cứ làm những việc này

Những sự thật được tiết lộ dưới đây sẽ khiến bạn thay đổi hẳn cách nhìn về những việc bạn cho là "quá bình thường".

Chúng ta vẫn thường cho những điều kì quặc là lẽ đương nhiên, ví dụ như việc tán dóc, nói dối, ngủ mơ, đãng trí... Nếu ngẫm nghĩ kĩ, bạn sẽ thấy những điều này thật là lạ lùng và tự hỏi tại sao chúng ta vẫn làm một cách vô thức và không hề thắc mắc làm thế nào mà chúng ta lại có những hành động như thế?
1. Thích dùng tay này hơn tay kia
Nếu dùng tốt cả hai tay, chẳng phải sẽ tiện lợi bao nhiêu không?
Hãy nhìn kĩ hai bàn tay bạn đi. Chúng giống hệt nhau phải không? Thế thì tại sao bạn lại cứ dùng một bên tay để làm đủ mọi việc?

Dù bạn là người thuận tay phải hay tay trái, việc bạn chỉ có một tay thuận đúng là lạ lùng. Rõ ràng là, nếu cả hai tay chúng ta đều có thể thực hiện công việc một cách trơn tru thì sẽ quá tiện lợi rồi đúng không?

Theo các nhà khoa học, có một giả thuyết lí giải tại sao chúng ta có một tay thuận hơn tay kia đó là do cách bộ não người xử lí ngôn ngữ. Bán cầu trái – nơi sở hữu trung tâm ngôn ngữ đối với hầu hết mọi người – có cấu tạo phức tạp hơn bán cầu phải. Sự tiến hóa đã khiến con người phát triển ngôn ngữ hơn và vì thế bán cầu não trái cũng có phần áp đảo hơn não phải. Và vì bán cầu não trái điều khiển nửa cơ thể bên phải nên thường thì con người sẽ thuận tay phải.

Dù vậy, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy không phải tất cả những người thuận tay phải đều có trung tâm điều khiển ngôn ngữ nằm ở bên bán cầu não trái, cho nên giả thuyết này có thể sai lầm.

2. Nói dối
Thực sự thì con người ta ai cũng nói dối, không ít thì nhiều. Chúng ta làm thế vì nhiều lí do, có thể là nghiêm trọng hay vô thưởng vô phạt. Nhưng tại sao chúng ta nói dối thì cũng chưa ai rõ.

Mặc dù các nhà khoa học chưa thể giải thích nổi tại sao con người nói dối nhưng họ thừa nhận rằng nói dối là việc làm phổ biến và có thể liên quan tới vài yếu tố tâm lý. Trong đó, yếu tố đầu tiên đó là lòng tự trọng, theo như Robert Feldman, một nhà tâm lý học ở Đại học Massachusetts (Mỹ) nghiên cứu nguyên nhân khiến con người nói dối. Ông phát hiện ra rằng khi lòng tự trọng của một người có nguy cơ bị tổn hại, có khả năng rất cao là người đó sẽ bắt đầu nói dối.
viec-lam-ky-quac
Ai cũng có lần nói dối.

“Chúng ta không phải là cố gắng để gây ấn tượng mạnh cho người khác mà là giữ hình ảnh của bản thân mình trong mắt người khác theo đúng cách mà họ muốn nhìn thấy ở mình”, Feldman phát biểu trước báo Live Science. Nói cách khác, người ta thường nói dối để cảm thấy thoải mái hơn trong các tình huống xã hội, tức là nói dối để tránh làm mất lòng người khác hoặc gây nên sự bất hòa.

Còn với những lời nói dối trắng trợn (tức là hoàn toàn bịa ra một thông tin hoặc nói sai sự thật) thì chúng thường xảy ra khi người ta đang cố né tránh sự trừng phạt hoặc sự mất mặt, theo như William Earnest, phó giáo sư ngành truyền thông ở Đại học St. Edward, Texas (Mỹ) đã nói.
3. Tán dóc
Việc ngồi lê đôi mách có tác dụng gì mà chúng ta thích làm đến thế?
Nếu như bạn giống hầu hết mọi người thì chắc chắn là bạn đã từng ít nhất một lần tham gia nói chuyện ngồi lê đôi mách rồi. Dù bạn thích hay không, tán dóc là một phần của cuộc sống thường ngày. Thực tế là, các nhà khoa học còn cho rằng việc tán phét có thể khiến chúng ta gần gũi với nhau hơn.

Robin, Dunbar, một nhà nghiên cứu bộ linh trưởng ở Đại học Oxford (Anh), so sánh việc tán dóc cũng giống như việc thường xuyên chải lông cho bạn cùng đàn ở các loài “anh em” của con người. Nếu khỉ đầu chó bắt chấy rận trên lưng cho nhau thì con người chúng ta bàn tán về người khác sau lưng họ. Dunbar khẳng đinh, tán dóc là “chất keo dính” giúp gắn kết mối quan hệ xã hội của chúng ta được vững bền.

Các nhà khoa học khác, ví dụ như Jennifer Bosson, giáo sư ngành tâm lý học ở Đại học Nam Florida, cũng đồng tình với ý kiến cho rằng khi chia sẻ sự yêu ghét của mình cho người khác thì mối quan hệ giữa cả người nói lẫn người nghe đều được củng cố: “Nếu cả hai đều tỏ ra ghét một người nào đó, họ sẽ thân thiết với nhau hơn.”

4. Đột nhiên đãng trí
Việc thỉnh thoảng quên một thông tin nào đó có thể không lạ lùng gì, nhưng nếu tự dưng quên mất một điều mà bạn đáng ra phải biết rõ – ví dụ như quên mất tên bố mẹ mình hoặc không nhớ nổi việc bạn phải làm khi vừa bước chân vào phòng – thì đúng là khó hiểu phải không? Ấy thế mà hiện tượng này xảy ra khá là thường xuyên đối với con người đấy.
viec-lam-ky-quac
Đi vào phòng rồi lại không nhớ mình định làm gì.
Các nhà khoa học cho rằng có nhiều yếu tố có thể làm cho trí nhớ bạn tự dưng bị lỗi, bao gồm căng thẳng và thiếu ngủ. Thậm chí, một việc đơn giản như mở cửa phòng cũng có thể “xóa tạm thời” trí nhớ của bạn, theo như một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Tâm lý học thực nghiệm vào năm 2011. Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể kể đến đó là bánh xe đang quay hoặc tiếng động đột ngột.

5. Thấy chán
Cảm giác chán chường thường xảy ra ở thanh thiếu niên.

Tất cả chúng ta một lúc nào đấy cũng từng cảm thấy chán chường. Rõ ràng là, trong thế giới rộng lớn này có rất nhiều thứ để làm, thế mà tại sao ta vẫn thấy chán mà không rõ lí do?

Hóa ra sự buồn chán không thực sự là do ta không có việc gì để làm. Cảm giác chán chường bắt nguồn từ sự thiếu thốn tác nhân kích thích thần kinh từ bên ngoài, làm mang lại tình trang tâm lí bất mãn, khó chịu, hay thờ ơ xuất hiện ở bên trong não bộ.
viec-lam-ky-quac

Thực tế là, một số người dễ bị chán hơn những người khác. Những người mắc chứng bệnh liên quan đến khả năng tập trung của họ (ví dụ như rối loạn tăng động giảm chú ý – ADHD) thì dễ cảm thấy chán chường, theo như một nghiên cứu công bố trên tạo chí Triển vọng về Khoa học Tâm lý vào năm 2012. Ngoài ra, tuổi tác cũng đóng vai trò quan trọng: những người quanh độ tuổi 22 – giai đoạn gần cuối thanh niên, ít khi thấy buồn chán hơn là thiếu niên.

6. Nghĩ về cái chết
Hầu hết mọi người trong số chúng ta đều đã nghĩ đến cái chết. Nó thường được coi như là một hiện tượng phổ biến và tự nhiên. Sự thật là chúng ta thường xuyên nghĩ đến sự kết thúc không thể tránh khỏi này, dù là nó xảy đến với chúng ta hay với người thân đi chăng nữa.
viec-lam-ky-quac

Mặc dù khái niệm này trái ngược với ý chí tồn tại mãnh liệt đã được “in sẵn” trong bản năng chúng ta, con người ta vẫn có thể ý thức được cái chết một cách rõ ràng. Theo Pelin Kesebir, phó giáo sư kiêm nhà tâm lý học tại Trung tâm Trí óc Khỏe mạnh thuộc Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), việc người ta nghĩ đến cái chết thường xuyên là kết quả của bộ não phức tạp của con người. 

“Ý nghĩ không lành mạnh này có thể gây ra nỗi lo lắng cho một số người, hoặc có thể khiến một số người khác suy nghĩ một cách thông suốt và minh mẫn”, Kesebir nói thêm.
7. Nấc cụt

Nấc cụt thực chất là sự co thắt không có chủ đích của cơ hoành nằm ở ngực chúng ta – thứ được cho là đóng vai trò quan trọng trong quá trình hô hấp. Điều này xảy ra thường là khi cơ hoành bị kích thích, do quá nhiều hoặc quá ít thức ăn trong dạ dày.

Tuy vậy, nấc cụt thực sự chẳng có tác dụng gì mà lại còn gây khó chịu nữa. Có một giả thuyết cho rằng đó là tàn dư của phản xạ bú thời nguyên thủy. Dù đóng vai trò gì ở thời xưa đi chăng nữa, nấc cụt bây giờ chỉ là một hành vi phiền phức và có thể chữa bằng nhiều biện pháp dân gian.
8. Mơ
Mơ là một trong số những hành vi khó hiểu nhất của con người.

Đúng là giấc ngủ có thể đóng vai trò tối quan trọng đối với con người, nhưng còn giấc mơ thì sao? Đó là việc chúng ta vẫn làm hầu như mọi đêm, vậy liệu nó có tác dụng gì không?

Sự thực thì các nhà khoa học chưa thể biết rõ tại sao chúng ta có thể mơ. Dù vậy, có khá nhiều giả thuyết về mục đích chúng ta mơ. Một trong số đó, được đề xuất bởi nhà tâm lý học đến từ Đại học Harvard (Mỹ) Deirdre Barrett, cho rằng con người mơ để giải quyết vấn đề. Cụ thể là, những khung cảnh mang tính trừu tượng cao (và thậm chí phi lí) trong giấc mơ có thể giúp ta có cách suy nghĩ khác với khi ta tỉnh táo, khiến chúng ta giải quyết vấn đề mà ta không thể xử lí trong cuộc sống thường ngày.

Một vài nhà khoa học khác, như nhà tâm thần học Pattrick McNamara đến từ trường Đại học Boston (Mỹ), lại cho rằng việc mơ giúp hình thành và củng cố trí sáng tạo ở ngoài đời thực.
9. Chớp mắt
Hành động chớp mắt chỉ kéo dài trong một phần mười giây nhưng có thể loại bỏ bụi bẩn và khiến lớp dịch mắt bao phủ lấy nhãn cầu để tránh bị khô mắt. Điều kì lạ ở đây là chúng ta hầu như không bao giờ nhận ra thế giới “chìm vào bóng tối” cứ mỗi 10 giây!

Các nhà khoa học đã khám phá ra rằng não bộ của người có khả năng lờ đi bóng tối hoàn toàn trong chốc lát. Bản thân việc chớp mắt sẽ tạm thời ngừng hoạt động của một số vùng trong não bộ phụ trách việc nhận ra sự thay đổi của môi trường xung quanh, vì thế bạn vẫn thấy thế giới vẫn liên tục diễn ra kể cả khi bạn không thấy gì trong thoáng chốc.

10. Ngây người
Khi ánh mắt bỗng trở nên xa xăm, đó là khi ta rơi vào trạng thái "ngẩn ngơ".
Bất chấp việc chúng ta có cố gắng đến đâu để giữ tập trung thực hiện một công việc nào đó, ví dụ như đánh răng hoặc xếp hàng chờ, bạn vẫn không thể dừng việc tâm trí cứ thả trôi đi đâu đâu. Rất may, những giây phút tâm trí trở nên vô thức như thế thực ra có ích cho bạn. Chúng rất quan trọng đối với trí tưởng tượng và óc sáng tạo.

Thay vì luôn luôn tập trung hoàn toàn vào một tác nhân bên ngoài đã quen thuộc và nhàm chán, các nhà khoa học thần kinh chỉ ra rằng sự tập trung của chúng ta có lúc lên có lúc xuống, và ta thường dành ra 13% thời gian để “ngẩn tò te”. Trong những lúc như vậy, chúng ta thoải mái trôi theo dòng chảy nhận thức, thả mình đến bất cứ nơi nào tâm trí đưa bạn đi và đến một lúc nào đó thì, rất có thể, nảy ra một ý tưởng đột xuất và hay ho.
(Nguồn: LiveScience)
aFamily

chuyện lạ, chuyện lạ về bộ phận cơ thể, thói quen, kỳ lạ, con người kỳ lạ


© 2021 FAP
  833,637       1/935