Trong đêm tối, bị lạc giữa rừng vắng mà nhìn thấy hình ảnh này chắc nhiều người chạy không dám quay mặt lại.
Ngày nay hẳn nhiều người không còn quá xa lạ với loại hình nghệ thuật đường phố graffiti nữa. Không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp hút hồn của những bức họa được phóng tác đầy ngẫu hứng trên các bức tường, nhà ga, khu đất trống. Không chỉ góp phần làm đẹp, tạo nên sức sống cho những con phố, bức tường nhà vốn cũ kỹ, ảm đạm mà những bức tranh đường phố còn truyền tải thông điệp của các nghệ sĩ, của chính người dân trong thành phố đến với tất cả mọi người.
Thế nhưng mới đây, nghệ sĩ người Pháp Philippe Echaroux đã tạo ra một phiên bản nghệ thuật đường phố với phong cách hoàn toàn mới bằng những tác phẩm từ cây cối kết hợp hiệu ứng ánh sáng trong khu rừng nhiệt đới Amazon, Brazil.
Nếu vô tình nhìn thấy hình ảnh này, nhiều người hẳn sẽ hoảng sợ, tưởng thần rừng xuất hiện.
Nhưng thực tế đây là tác phẩm nghệ thuật mang thông điệp bảo vệ rừng của nghệ sĩ người Pháp.
Philippe Echaroux thực sự đã "nâng tầm" loại hình nghệ thuật đường phố lên thành phiên bản 2.0 (Street Art 2.0) với phong cách hoàn toàn mới và đầy ấn tượng.
Philippe và những người bạn của mình đã sử dụng hiệu ứng ánh sáng chiếu từ nhiều góc kết hợp với việc cắt tỉa cành cây theo khuôn mặt đã được chụp sẵn để cho ra đời những tác phẩm đầy ấn tượng.
Quá trình để tạo ra một tác phẩm như vậy tốn rất nhiều công sức và thời gian. Đầu tiên, đoàn của Philippe sẽ chụp ảnh khuôn mặt của các cư dân thuộc bộ tộc Surui. Sau đó, họ phải nghiên cứu, khảo sát để cắt tỉa cành cây cho chính xác. Nếu không gặp bất lợi gì về thời tiết như mưa gió thì tác phẩm mới được trình chiếu.
Đây đều là khuôn mặt của các thành viên bộ tộc Surui.
Và đương nhiên, mục đích của nhóm Philippe không phải chỉ đơn thuần là làm ra những tác phẩm ấn tượng, độc đáo. Philippe đã nghe được lời kêu gọi của thủ lĩnh người da đỏ Almir Surui Narayamoga rằng môi trường sống của họ đang bị đe dọa.
Qua những tác phẩm độc đáo của mình, Philippe hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ quan tâm tới cuộc sống của cư dân bộ tộc Surui, việc bảo vệ môi trường sống cho họ. "Khi bạn chặt cây, đồng nghĩa với việc bạn đường sống của một con người", Philippe nói.
Anh cho biết: "Bộ tộc Surui đang là nạn nhân của nạn phá rừng bừa bãi và khai thác vàng trái phép. Chúng thản nhiênkhai thác các loại đá và kim loại quý mà không quan tâm đến cuộc sống của bộ tộc da đỏ này".
(Nguồn: Treehugger, Bored Panda)