Chỉ là những vật lạ hình bầu dục màu vàng trong bụng gà nhưng chúng lại có giá trị hàng tỷ đồng.
Vài ngày trước, một người nông dân họ Lôi ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc trong khi làm thịt gà đã vô tình nhìn thấy 25 vật thể lạ hình bầu dục màu vàng trong bụng con gà, mọi người nghi ngờ đó là “kê bảo”.
Anh Lôi cho biết, chú gà trống mang trong mình 25 viên “kê bảo” đó là con gà trống gầy yếu nhất trong đàn, nuôi hơn 1 năm mà mào vẫn rất nhỏ, nặng chưa đến 2kg.
Thường ngày anh hay cho gà ăn ngô, lúa mì… Sau một thời gian không thấy nó lớn, anh mới quyết định làm thịt ăn thì bất ngờ thấy trong mề gà có nhiều viên dị vật như vậy. Anh nói rằng mười mấy năm qua nuôi gà nhưng chưa từng gặp qua viên “kê bảo” này, hàng xóm xung quanh cũng không rõ đó là thứ gì.
Những vật thể kỳ lạ trong bụng gà được cho là "kê bảo" trị giá hơn 8 tỷ đồng.
Sau khi lên mạng tìm hiểu, anh mới biết thứ này tên gọi là “kê bảo”, có giá thị trường rất cao. Anh Lôi mang những viên “kê bảo” này đến nhiều cửa hàng thuốc Đông y hỏi nhưng họ đều nói rằng chưa từng thấy qua thứ này. Duy chỉ có một hiệu thuốc Bắc ngỏ ý muốn mua lại toàn bộ 25 viên đó với giá 1.000 nhân dân tệ nhưng anh Lôi không đồng ý vì chưa biết rõ giá trị của chúng.
Sau khi xem ảnh chụp, một công ty chuyên về các sản phẩm nghệ thuật ở Thượng Hải đã sẵn sàng trả giá hơn 300 triệu đồng cho 1 viên “kê bảo” với điều kiện anh Lôi phải đưa số “kê bảo” đó đến Thượng Hải kiểm định lại. Nếu như chắc chắn đó thật sự là “kê bảo”, anh Lôi sẽ nhận được số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Theo tờ báo địa phương, mặc dù trước dây đã có nhiều bài báo về “kê bảo” nhưng thực tế vẫn chưa có những lý giải chính xác về mặt khoa học.
Có người nói “kê bảo” là hòn sỏi mật của gà, sau nhiều quá trình chuyển hóa sẽ có hình bầu dục, nhẹ, màu sắc thường vàng hoặc vàng ngả nâu, bề mặt nhẵn mịn. Nhưng cũng có cách giải thích khác cho rằng “kê bảo” được hình thành trong buồng trứng của gà mái do sự tắc nghẽn ống dẫn trứng khiến cho nhiều lòng đỏ trứng kết lại thành “kê bảo”.
“Kê bảo” được tương truyền là có giá trị làm thuốc quý nên giá thị trường của nó rất cao. Tuy nhiên, các chuyên gia y học hiện vẫn chưa khẳng định “kê bảo” có giá trị chữa bệnh thật hay không vì chưa có tài liệu nào nghiên cứu qua.
(Nguồn: 3835.com)