Công nghệ - Sản phẩm

Baidu đem trí tuệ nhân tạo vào engine tìm kiếm

(PCWorldVN) Tại Trung Quốc, Baidu không chỉ là công cụ tìm kiếm thống trị mà còn là niềm tự hào dân tộc. Còn ở các nước khác, Baidu không thể dựa vào lợi thế sân nhà được. Họ làm gì khi muốn ra biển lớn?

Baidu đang mở rộng mạng máy tính để có thể tùy biến tìm kiếm cho di động, đưa trí tuệ nhân tạo vào engine tìm kiếm

Tại Trung Quốc, Baidu không chỉ là công cụ tìm kiếm thống trị mà còn là niềm tự hào dân tộc. Còn ở các nước khác, Baidu không thể dựa vào những lợi thế sân nhà ấy được. Một phần lý do là vì sự thiếu vắng của Google tại Trung Quốc, sau khi gã khổng lồ tìm kiếm dẹp hết máy chủ tại quốc gia này hồi năm 2010. 

Trên toàn cầu, Google chiếm đến 49% doanh thu quảng cáo internet, mà tính riêng năm ngoái, doanh thu này đã cao hơn gấp 10 lần doanh thu 5,2 tỉ USD của Baidu. Baidu vẫn xuất hiện trên toàn cầu nhưng có hơn 99% doanh thu đền từ "quê nhà" Trung Quốc.

Theo một nhà phân tích của ITG, engine tìm kiếm Baidu không thực sự "chuẩn" như của Google hay Bing của Microsoft. Trong khi đó, Baidu đang đưa ra các phiên bản bằng tiếng Nhật, Bồ, Ả Rập và Thái, và dường như họ đang muốn một điều gì đó bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục.

Robin Li, đồng sáng lập và là CEO hiện thời của Baidu, đã mạnh tay chi tiền cho nghiên cứu và phát triển đến 85%, đạt 1,74 tỉ nhân dân tệ (khoảng 284 triệu USD) hồi quý 2 rồi so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với Google, Google chỉ bỏ ra 1/10 doanh thu cho công tác R&D trong quý hai.

Hồi tháng 5/2014, ông Li thuê Andrew Ng, nhà khoa học máy tính hàng đầu và là chuyên gia về robot và công nghệ máy tính biết học (machine learning) làm kiến trúc sư trưởng của Baidu. Đến nay, ông Ng nghiên cứu sâu vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), cụ thể hơn là nhắm vào mảng học chuyên (deep learning) của máy tính, nhằm cải thiện kết quả tìm kiếm đưa ra khả năng đào tạo cho máy tính có thể suy nghĩ như não bộ của con người. Theo ông Ng, bất kỳ ai đạt tới được công nghệ AI thì sẽ giành được thị phần Internet tại Trung Quốc và khắp thế giới. Baidu đang tiến dần tới điều này.

Nghiên cứu về deep learning đang ngày càng trở nên đề tài nóng đối với các công ty tìm kiếm trong kỷ nguyên điện thoại thông minh và máy tính bảng, là mảng mà Baidu đã chậm chân nhiều năm so với đối thủ. Cho ra được kết quả tìm kiếm chính xác dựa trên cách ra lệnh bằng giọng nói và hình ảnh số yêu cầu phàn cứng và phần mềm có thể nhạn diện được vật thể, hiểu được ngữ cảnh và thiết lập được các mối liên kết như con người. Trước khi đồng sáng lập ra Coursera, là khóa học trực tuyến cho nhiều đại học hàng đầu và hiện có đến gần 10 triệu người dùng, ông Ng hiện là giáo sư tại đại học Standford, từng quản lý dự án deep learning cho Google hồi năm 2011. Đội ngũ Google thiết lập khoảng 16.000 máy tính để có thể lập ra được các mạng giống hệ thần kinh của não bộ. Hệ thống này từ từ tự học cách nhận biết một con mèo dựa trên hàng triệu ảnh chụp và vidoe trên YouTube, rồi Google đưa vào vài bài học cho phần nhận diện giọng nói của hệ thống.

Tại Baidu, Ng có khoảng 140 nhà nghiên cứu ở 3 phòng thí nghiệm: hồi tháng 5, Baidu mở một trung tâm nghiên cứu AI tại Sunnyvale, California, Mỹ, và một phòng lab phân tích dữ liệu ở Bắc Kinh chuyên nghiên cứu về deep learning hồi năm ngoái. Ông cho biết đội ngũ Baidu đang kết nối số lượng máy tính đủ để tạo ra gấp 100 lần giả lập hoạt động thần kinh so với dự án của Google, dự kiến hoàn thành vào đầu năm sau. Theo ông Ng, nghiên cứu deep learning của Baidu cũng giúp giảm tỉ lệ nhận diện giọng nói sai đến 25%, đồng thời cũng cải thiện nhận diện hình ảnh tốt hơn hoặc tạo ra nhiều quảng cáo phù hợp hơn với người dùng.

Theo công ty phân tích Riedel Research, nếu Baidu có được như vậy, đầu tư nhiều cho R&D thì họ sẽ có cơ hội thực sự để trở thành một thế lực trong những công nghệ mới, nhất là trong mảng trí tuệ nhân tạo. Đây là mảng mà Baidu có thể tạo sự đột biến, khác biệt so với các công ty công nghệ khác.

Còn với Google, hãng công nghệ Mỹ đón nhận tin này khá bình thản và họ "chào đón" sự cạnh tranh của Baidu. "Chúng tôi tiên phong về machine learning. Nhiều nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã có được những kết quả tuyệt vời với các mạng deep learning."

Baidu vẫn không tỏ ra dè chừng hay ngại ngần gì khi luôn bám theo Google cả ở những lĩnh vực khác. Hồi tháng 9 vừa qua, họ giới thiệu Baidu Eye, là chiếc kính có camera, có thể chụp hình một sản phẩm trong cửa hàng và sử dụng một điện thoại thông minh có kết nối để xem được bài đánh giá hoặc so sánh giá của sản phẩm đó bằng văn bản hoặc bằng giọng nói.

Liệu deep learning có giúp Baidu thoát ra khỏi cái bóng của Google hay không sẽ còn tuỳ thuộc vào những tiến bộ trong công nghệ này biến chuyển như thế nào. Nếu Baidu muốn trở thành một thế lực công nghệ thì đầu tiên họ cần cho mọi người trầm trồ thán phục về một thứ gì đó trước đã.

PCWorld

AI, Baidu, deep learning, machine learning, tìm kiếm, trí tuệ nhân tạo


© 2021 FAP
  3,039,630       3/880