(PCWorldVN) Vụ nổ đầu tiên xảy ra với tên lửa Antares của công ty Orbital Sciences khi vừa phóng lên đẩy NASA vào thế thiếu lựa chọn trong việc thuê vận chuyển hàng hóa lên trạm vũ trụ ISS.
Hôm 28/10 vừa qua đã xảy ra một vụ nổ tên lửa của hãng Orbital Sciences mang theo tàu chở hàng Cygnus cung cấp cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), thiêu rụi hơn 200 triệu USD chỉ trong nháy mắt. Đây là thảm họa đầu tiên kể từ khi cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) giao sứ mệnh cung cấp hàng hóa và thiết bị lên ISS cho các công ty tư nhân.
Ảnh: NASA. |
Theo BBC News, tên lửa Antares của Orbital Sciences dự kiến mang theo khoảng 2.200 kg hàng hóa và thiết bị cho 6 phi hành gia trên trạm ISS. Tuy nhiên, tên lửa đã khựng lại sau khi phóng lên mới được 15 giây, rơi xuống đất và phát nổ kinh hoàng vào hôm 28/10. Trang Click Orlando mô tả sức ép của vụ nổ đã làm vỡ cửa sổ và phá hỏng mái ngói của nhiều cửa hàng trong vòng bán kính vài kilomet quanh vị trí phóng tên lửa của NASA, tại căn cứ Flight Facility trên đảo Wallops, thuộc bang Virginia (Mỹ).
Thông tin ban đầu từ Orbital Sciences phát ra hôm 30/10 cho biết, sự cố xảy ra ở giai đoạn đầu tiên tên lửa phóng lên chứ không phải do bệ phóng. Không có thiệt hại về người.
BBC News cho biết, tên lửa Antares mang theo 600 kg thực phẩm cùng các thiết bị thí nghiệm dùng để kiểm tra lưu lượng máu đến não bộ con người, tìm hiểu việc di chuyển trong không gian ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể người ra sao, phân tích các thiên thạch và nghiên cứu sự phát triển của hạt đậu trên quỹ đạo.
Trả lời phỏng vấn của đài CBS News, NASA cho biết vụ nổ không ảnh hưởng tới hoạt động của các phi hành gia trên trạm ISS trong vòng từ 4 đến 6 tháng tới, vì tại đây đã tích trữ đủ thực phẩm cho họ. Hãng tin Reuters thì cho biết, Cơ quan vũ trụ Nga (Roskosmos) đã lên tiếng sẵn sàng hợp tác với NASA để tiếp ứng cho trạm ISS.
Orbital Sciences đang thực hiện hợp đồng trị giá 1,9 tỷ USD với NASA, cung cấp 8 chuyến bay chở hàng hóa và thiết bị cho trạm ISS kéo dài tới năm 2016. Đối thủ của Orbital Sciences, công ty vũ trụ SpaceX tại Silicon Valley, cũng có một hợp đồng vận chuyển cho ISS với NASA, trị giá 1,6 tỷ USD. Ngoài các công ty tư nhân này, trạm vũ trụ ISS cũng có thể tiếp nhận các nguồn cung cấp từ việc NASA thuê tàu vũ trụ của các cơ quan không gian, như tàu chở hàng Tiến bộ của Nga và tàu vũ trụ vận tải H-2 Transfer Vehicle của Nhật Bản, theo trang SPACE.com. (Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã kết thúc sứ mệnh tiếp tế chuyến thứ 5 cũng là cuối cùng cho ISS bằng các tàu vũ trụ vận tải tự hành vào tháng 8 năm nay).
Orbital Sciences đang tiến hành cuộc điều tra thảm họa, tập trung vào các động cơ đẩy ở giai đoạn đầu tiên của tên lửa Antares. Đây là các động cơ AJ26, do Liên Xô phát triển cho chương trình thám hiểm mặt trăng N-1 đã thất bại trong những năm 1960 và 1970. Aerojet-Rocketdyne đã mua và tân trang rất nhiều động cơ tên lửa của Nga, sau đó ký hợp đồng bán lại 20 động cơ như vậy cho Orbital Sciences, theo Los Angeles Times. Tờ báo này cho biết Orbital Sciences đã lên kế hoạch thải loại các động cơ tên lửa có vấn đề trước khi xảy ra thảm họa vừa qua.
Thảm họa xảy ra vào đúng thời điểm nhạy cảm của Orbital Sciences khiến giá cổ phiếu của công ty bị giảm. Orbital đang trong giai đoạn sáp nhập với Alliant Techsystems Inc. (ATK) – một công ty hàng không vũ trụ chuyên chế tạo các động cơ tên lửa đẩy cho tàu con thoi của NASA – để tập trung phát triển tên lửa vũ trụ và thiết bị quân sự. Tuy nhiên, theo Wall Street Journal, cả Orbital và các nhà phân tích cùng chung nhận định thảm họa vừa qua không mấy ảnh hưởng tới vụ sáp nhập.
Nhưng Orbital Sciences sẽ khó có khả năng nhanh chóng tiến hành chuyến vận chuyển hàng mới cho trạm ISS. Điều đó có thể tạo điều kiện cho SpaceX dành được các hợp đồng tiếp theo với NASA nếu cuộc điều tra bị kéo dài, theo Businessweek dẫn lại lời nhà phân tích Chris Quilty tại Raymond James. SpaceX cũng vừa thắng thầu hợp đồng trị giá 2,6 tỷ USD sản xuất và thử nghiệm tàu vũ trụ Dragon 2 của mình để đưa các phi hành gia Mỹ lên trạm vũ trụ ISS.
NASA đã tập trung vào việc phát triển hệ thống tên lửa hạng nặng để mang các phi hành gia vượt ra ngoài quỹ đạo Trái đất, nhiệm vụ tiếp tế trạm vũ trụ ISS được cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ giao lại cho các nhà thầu tư nhân.
ISS, NASA, nổ tên lửa, SpaceX, tàu vũ trụ, tên lửa