Công nghệ - Sản phẩm

Cảnh báo tự động game trực tuyến: Giải pháp cần thiết?

(PCWorldVN) Chỉ thị số 82 của Bộ Thông tin Truyền thông vừa ban hành trong ngày hôm qua 24/12/2014 về tăng cường quản lý thông tin trên mạng quy định phải có cảnh báo tự động trong game khi người chơi đăng nhập.

Liệu đây thực sự là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ người chơi trước nạn lừa đảo trực tuyến? (Xem Chỉ thị số 82 của Bộ TT&TT)

Theo 1 số người chơi game, cảnh báo tự động hiển thị bắt buộc nếu đánh giá cục bộ từ thái độ người chơi, sẽ là sự phiền toái với những ai đang muốn cảm giác thoải mái giải trí với game.

Nhưng nếu chiếu theo bối cảnh chung về nạn lừa đảo trực tuyến hiện nay, đây lại là động thái cần thiết !

Game thủ đồng tình?

“Chơi game, thì phải sảng khoái. Điều ấy cũng như người ta đang muốn hút 1 điếu thuốc lá, hay uống 1 ly bia. Do đó, khi nhìn thấy những lời cảnh báo, cảm hứng sẽ bị tụt mất và người ta sẽ phàn nàn”, một đại diện nhà phát hành game cho biết.

Song cũng từ khía cạnh này, động thái hiển thị cảnh báo nạn lừa đảo với người chơi, lại là cần thiết. Việc này, nếu so sánh với thuốc lá, người ta có thể liên tưởng đến những hình ảnh về tác hại thuốc lá hiện nay đang được in trên các vỏ bao thuốc lá điếu trong nước.

Ban đầu, những hình ảnh ấy khiến cộng đồng phàn nàn vì “mất thẩm mỹ”. Nhưng khi tất cả đi vào áp dụng, chính những người nghiện thuốc lá cũng phải chấp nhận thông điệp nhắn gởi và cảnh cáo là cần thiết.

Với game online cũng vậy. Đa số những người chơi game đều nhìn thấy khía cạnh tích cực của game. Họ không chấp nhận sự đồng nhất giữa game với các tệ nạn xã hội và những thói quen xấu khác, như nghiện hút, đánh bài…

Khái niệm “ma túy số” một thời bị lạm dùng hiện vẫn bị ngành game Việt chỉ trích vì chỉ nhìn nhận phiến diện về hoạt động của ngành công nghiệp game.

chỉ thị 82,Bộ TTTT,game online,game thủ,chơi game,quản lí thông tin
Nhiều game thủ thắc mắc sẽ được cảnh báo khi đăng nhập game theo cách thức nào ?
Có điều, cảm giác bất an với game, vẫn là có thật. Nhất là với giới trẻ, khi khả năng kiểm soát hành vi hưng phấn không tốt, nhiều người sẽ bị lậm game, qua đó dễ dàng rơi vào tình trạng bị kẻ khác lợi dụng, hoặc tự làm điều xấu nhằm đạt mục đích chơi game, như lừa đảo, hack tài khoản…

Từ góc cạnh này, đa số game thủ đều phải chấp nhận việc cảnh báo khi đăng nhập game, về nạn lừa đảo, nguy cơ bị xâm hại quyền lợi, là cần thiết !

Một game thủ kỳ cựu tại TP.HCM nhìn nhận: “Cần nhìn thấy tính tích cực của giải pháp cảnh báo này. Đó không phải là cảnh báo game là tiêu cực, mà là lưu ý người chơi hãy tự biết bảo vệ mình. Điều này tốt hơn nhiều, so với quan niệm cũ rằng không nên chơi game”.

Cần sự chung sức

Dĩ nhiên theo cộng đồng game thủ, giải pháp cảnh báo tự động rất cần được các nhà phát hành và sản xuất game lưu tâm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để triển khai hiệu quả trong game.

Theo đó, họ phải tạo “cơ chế thông tin” cần thiết, nhắc nhở người chơi game phát hiện các nguy cơ lừa đảo, cách xử lý và báo cáo cho đội ngũ quản lý vận hành.

Bên cạnh đó, họ phải tổ chức lại đội ngũ hỗ trợ người chơi, làm sao có thể tiếp nhận nhanh chóng và thỏa đáng các dữ liệu từ người chơi, để kiểm tra phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi lừa đảo trực tuyến.

chỉ thị 82,Bộ TTTT,game online,game thủ,chơi game,quản lí thông tin
Những người đăng nhập trực tuyến thật sự cần được cảnh báo nhắc nhở về an toàn dữ liệu.
“Điều này nói ra thì dễ, nhưng áp dụng vào hoạt động trong game lại không hề đơn giản. Ngay với đội ngũ trực online của các game, không phải đơn vị nào cũng có đủ nguồn lực để duy trì 24/24. Nếu sử dụng các cơ chế phần mềm hỗ trợ, thì có thể khiến máy chủ nặng nề thêm và ảnh hưởng chất lượng trò chơi. Những nội dung cảnh báo phải như thế nào để tránh phản cảm cho người chơi, cũng rất cần được xác định rõ ràng”, anh Giang T., cán bộ vận hành của 1 công ty game phía nam nói.

Mở rộng phạm vi cảnh báo này trong quan hệ với các lĩnh vực nội dung số, có thể thấy yêu cầu mà Chỉ thị 82 đặt ra khá rộng, không chỉ cần nhìn nhận từ các trò chơi trực tuyến mà còn liên đới cả những nhà cung cấp mạng viễn thông. Điều này, liên quan đến cả tình trạng kiểm soát tin nhắn rác, spam lừa đảo phổ biến trong các mạng điện thoại di động lâu nay.

Một nhà đại lý viễn thông tại Đà Nẵng đánh giá: “Nếu người ta chơi game di động, mà cũng nhận được tin nhắn cảnh báo lừa đảo lúc vừa đăng nhập, thì liệu đó có bị xem là tin nhắn rác hay không, can thiệp kỹ thuật của nhà mạng cũng đã phiền phức rồi”. Từ góc cạnh này, có thể thấy những đơn vị làm phần mềm trực tuyến, làm game sẽ phải xem xét lại bài toán đầu tư của mình!

PCWorld

Bộ TTTT, chỉ thị 82, chơi game, game online, game thủ, quản lý thông tin


© 2021 FAP
  3,469,525       1/827