Công nghệ - Sản phẩm

Mỹ ra đối sách bảo vệ vũ khí khỏi nguy cơ tấn công mạng

(PCWorldVN) Bộ Quốc phòng Mỹ đang thực hiện hành động tích cực nhằm tăng cường an ninh cho các hệ thống vũ khí của nước này trước nguy cơ bị tấn công mạng, hãng tin Reuters cho biết.

Các hành động này bao gồm ban hành quy định mới về các hoạt động mua sắm vũ khí cũng như trang thiết bị phục vụ quân đội sẽ được hoàn tất trong những tháng tới, hãng tin Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây.

Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Katrina McFarland cho biết ngoài chính sách mua sắm, cơ quan của bà cũng đang chuẩn bị một cuốn sách hướng dẫn để giúp các nhà quản lý chương trình đánh giá chi phí và cân bằng rủi ro trong việc cơ cấu các chương trình vũ khí mới và làm cho chúng an toàn hơn.

Các tài liệu trên dự kiến được hoàn thành trong quý 4 của năm tài chính 2015 sẽ kết thúc vào ngày 30/9. Bà McFarland cho biết chúng đang được giới chức hữu trách xem xét để tránh tạo ra các lỗ hổng có lợi cho những kẻ tấn công.

 

Ảnh minh họa.

Giám đốc chương trình thu mua vũ khí của Mỹ Frank Kendall đầu tháng này cho biết các cuộc tấn công mạng nhằm vào vũ khí và các nhà sản xuất và vũ khí Mỹ là một vấn đề “phổ biến” cần phải chú ý nhiều hơn.

Hồi tháng 1/2015, giám đốc bộ phận kiểm tra vũ khí của Lầu Năm Góc nói với quốc hội rằng gần như mỗi chương trình vũ khí của Mỹ đều cho thấy “những rủi ro nghiêm trọng” đối với các cuộc tấn công mạng, bao gồm các phần mềm cấu hình sai, chưa được khắc phục và lỗi thời.

Việc tăng cường tập trung vào an ninh mạng có thể tạo ra cơ hội cho Lockheed Martin Corp, General Dynamics Corp và các nhà cung cấp khác đảm nhận công việc an ninh mạng cho Lầu Năm Góc.

Giám đốc thông tin của Bộ Quốc phòng Mỹ Terry Halvorsen nói với Reuters: “Mối đe dọa là rất, rất nghiêm trọng. Chúng tôi đang hành động tích cực để đương đầu với những mối đe dọa đó”.

Quan chức trên đã viện dẫn cái mà ông gọi những mối đe dọa ngày càng tinh vi từ các phần tử tội phạm, nhóm cực đoan và chính phủ nước ngoài. Ông cho biết chiến tranh mạng đã cung cấp cho những kẻ tấn công khả năng gây hại lớn với chi phí thấp.

Cũng theo ông Halvorsen, Lầu Năm Góc cũng đang đánh giá nguy cơ của cái gọi là những tay trong phá hoại các hệ thống vũ khí và đã thực hiện “một số hành động phủ đầu” để đảm ngăn chặn điều đó.

Bà McFarland cho biết tất cả các chương trình vũ khí quan trọng của Mỹ đã được rà soát để tìm những lỗ hổng cho tấn công mạng. Các chương trình mới như máy bay ném bom tầm xa của Không quân Mỹ, vốn sẽ được giao thầu vào mùa hè năm nay, sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp bảo vệ tốt nhất ngay từ đầu.

Các biện pháp mới tiếp nối một sự điều chỉnh trong các quy tắc thu mua quốc phòng được chính phủ Mỹ công bố hồi tháng 11/2014, theo đó các nhà thầu cho Lầu Năm Góc phải kết hợp những tiêu chuẩn an ninh được thiết lập trên các mạng không được phân loại mà họ sử dụng để giao tiếp với các nhà cung cấp và để trình báo bất kỳ cuộc tấn công mạng nào dẫn đến việc mất dữ liệu kỹ thuật từ những mạng đó.

Những tiêu chuẩn này hiện đã được đặt ra cho những hệ thống mạng được phân loại.

Ông Halvorsen nói một số lĩnh vực và hệ thống vũ khí đặc biệt dễ bị tin tặc nhắm đích, tuy nhiên ông đã không tiết lộ chi tiết về vấn đề này.

Cả ông Halvorsen và bà McFarland đều từ chối cho biết liệu các hệ thống mạng của chính phủ Mỹ hoặc các công ty tư nhân đã phải gánh chịu các đòn tấn công nào tương tự vụ tấn công đã hủy hoại khoảng 30.000 máy tính của tập đoàn dầu khí quốc gia Ả Rập Xê Út hồi năm 2012.

Đô đốc Mike Rogers, giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia và là người đứng đầu Bộ chỉ huy chiến tranh mạng cho biết Washington cần tăng cường các khả năng đối phó tấn công mạng.

Bà McFarland cho biết cuốn sách hướng dẫn sẽ đảm bảo rằng các nhà quản lý chương trình và giới chức phụ trách thu mua có thể làm tốt hơn việc chia sẻ dữ liệu về các mối đe dọa tiềm ẩn nhằm tránh nguy cơ trở thành con mồi lần thứ hai của các phần mềm độc hại.

PCWorld

An ninh mạng, bảo mật, chiến tranh mạng, hacker


© 2021 FAP
  3,349,521       1/259