Công nghệ - Sản phẩm

TP.HCM góp ý dự án Luật An toàn thông tin

(PCWorldVN) Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chiều 21/4 tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật An toàn thông tin, nhiều ý kiến đề nghị luật cần có tên gọi cụ thể hơn, chẳng hạn: : "Luật ATTT mạng", hay "Luật ATTT điện tử".

Tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với việc cần thiết phải ban hành luật chuyên ngành về an toàn thông tin (ATTT) để nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với thông lệ quốc tế bảo đảm ATTT, tạo môi trường bình đẳng cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; bên cạnh đó cũng góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTT.

Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị điều chỉnh tên gọi Luật ATTT để giúp xác định phạm vi điều chỉnh cụ thể của luật, bao hàm ý nghĩa đầy đủ hơn.

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng tên gọi như hiện nay là quá chung chung vì nói về thông tin sẽ có phạm vi rất rộng như thông tin số, thông tin mạng, thông tin điện tử… Do trong nội dung dự thảo Luật ATTT sử dụng nhiều từ “mạng” nên có thể chọn tên Luật ATTT mạng.

Toàn cảnh Hội thảo góp ý dự án Luật An toàn thông tin.

Bà Hòa cho rằng cần thiết phải quản lý “mật mã dân sự” nhưng đề nghị cần làm rõ hơn định nghĩa “mật mã dân sự” và mức độ quản lý. Bà cũng đề nghị không nên đưa vấn đề chủ quyền quốc gia về không gian mạng vào dự thảo Luật vì hiện nay nhiều vấn đề pháp lý quốc tế còn chưa rõ và liệu chúng ta có đủ sức mạnh để bảo vệ chủ quyền không gian mạng hay không khi tuyên bố về vấn đề này?

Đại diện Thanh tra Thành phố cũng cho rằng nên nghiên cứu tên gọi của Luật cho sát với nội dung và đề nghị một số tên gọi như: Luật ATTT mạng, Luật ATTT điện tử, Luật ATTT an ninh.

Một số đại biểu cũng cho rằng cần định nghĩa cụ thể hơn đối với cụm từ “mật mã dân sự” (MMDS) nhằm giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về khái niệm này. Việc chưa định nghĩa cụm từ này một cách rõ ràng có thể dẫn đến việc khó thực thi các quy định của luật khi ban hành.

Một số đại biểu đề nghị không cần thiết phải đưa quy định về MMDS vào nội dung luật, bởi vì hoạt động sử dụng MMDS đã không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Võ Thị Trung Trinh đề nghị chỉ nên quản lý các sản phẩm mật mã chuyên dụng có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và quản lý kinh tế, xã hội… Để làm được việc này, Chính phủ nên giao Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm lập và cập nhật thường xuyên các sản phẩm mật mã cần lưu ý.

Bà Trinh cũng cho rằng đối với các dự án ATTT của doanh nghiệp thì nên để doanh nghiệp tự quyết định và đề xuất điều chỉnh khoản 6 Điều 53 và Điểm c, khoản 2 Điều 54 liên quan đến quản lý đầu tư về ATTT các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật ATTT gồm 9 chương, 56 điều với nội dung cơ bản như sau: Chương I: Quy định chung; Chương II: Bảo đảm ATTT trên mạng; Chương III: Bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; Chương IV: Mật mã dân sự; Chương V: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTT; Chương VI: Kinh doanh ATTT; Chương VII: Phát triển nguồn nhân lực ATTT; Chương VIII: Quản lý nhà nước về ATTT; Chương IX: Điều khoản thi hành.

PCWorld

An ninh mạng, an ninh thông tin, An toàn thông tin, chiến tranh mạng, hacker, Luật an toàn thông tin, tấn công mạng


© 2021 FAP
  3,469,350       1/826