Công nghệ - Sản phẩm

Google và cơ hội từ dịch vụ lưu trữ không giới hạn Nearline Storage

(PCWorldVN) Hồi giữa tháng 3/2015, Google giới thiệu dịch vụ lưu trữ trực tuyến Nearline, thích hợp để lưu dữ liệu khổng lồ, dạng không thể xóa được, mà lưu trên máy tính hay ổ cứng gắn ngoài cũng không xong.

Dịch vụ này thiết kế chủ yếu nhắm đến các công ty có nhu cầu lưu dữ liệu cực lớn, có thể hàng trăm terabyte. Thông thường, đối với dạng dữ liệu này, doanh nghiệp thường muốn lưu offline hoặc lưu “đóng băng” dữ liệu, nghĩa là dữ liệu khi được lưu thì không luôn ở tình trạng sẵn sàng, như lưu ở đĩa băng từ hoặc các loại thiết bị lưu trữ khác và được bảo quản ở đâu đó có môi trường thích hợp. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí điện năng và số lượng máy chủ, nhân viên bảo trì. Điều này cũng có nghĩa nếu bạn muốn lục lại những dữ liệu cũ ấy thì phải đến nơi lưu trữ, tìm kiếm và trích xuất ra.

Giải pháp Nearline của Google gần giống vậy, nhưng tiện hơn và nhanh hơn so với lưu trữ offline. Google cho biết dữ liệu lưu trên hệ thống này có thể trích xuất trong vài giây, nhưng mức giá là 0,1USD/GB/tháng, chưa tính phí trích xuất. Đây là mức phí mà Google cho là rẻ hơn các dịch vụ cạnh tranh khác. Mặt khác, Nearline trội hơn hẳn những dịch vụ lưu trữ chuyên xử lý lượng dữ liệu nhỏ như Dropbox hay Google Drive. Còn dịch vụ lưu trữ Cloud Storage thông thường của Google lại giống với dịch vụ S3 của Amazon, có giá tối thiểu là 0,26 USD/GB/tháng.

Hiện Nearline đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Chức năng chính của Nearline có thể là tạo những bản sao lưu (backup) offsite đối với những dữ liệu cực kỳ quan trọng. Google cũng cho biết đã hợp tác với vài đối tác lưu trữ truyền thống, trong đó có Veritas, NetApp và Iron Mountain, để giúp khách hàng đưa dữ liệu lên Nearline. Nhưng để tạo cho lưu trữ “đóng băng” dể truy cập hơn, Nearline cũng có thể đưa ra một số tính năng mới.

Tốt hơn một hộp lưu trữ chuyên dụng

Nearline sẽ không xử lý tốt thông tin cần hiển thị gần đạt thời gian thực, nhưng nếu người dùng có thể chờ được thì nó tỏ ra hoàn hảo. Ví dụ, Facebook có một phương pháp riêng để trích xuất những dữ liệu cũ, đôi khi họ phải tìm vài tấm ảnh cũ nào đó của người dùng từ lưu trữ “đóng băng”. Facebook lưu những dữ liệu ấy vào đĩa Blu-ray, có một hệ thống hộp lưu trữ robot quản lý. Các công ty khác hiện cũng tận dụng cách truy cập tương tự vậy để trích xuất thông tin từ chính ứng dụng của họ mà không cần đến hệ thống robot.

Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu thị trường Forrester, đối với Google, điểm chính của dịch vụ mới Nearline này là có thể lôi kéo người dùng từ Amazon và các dịch vụ lưu trữ trực tuyến khác sang.

Amazon có một dịch vụ lưu trữ “đóng băng” tên là Glacier. Giá của Glacier là 0,1USD/GB nhưng phải mất đến từ 3-5 giờ mới lấy được dữ liệu ra. Đồng thời, dịch vụ này cũng có nhiều hạn chế nếu trích xuất cùng một lúc quá nhiều dữ liệu. Google vẫn chưa cho biết cụ thể chi phí để trích xuất dữ liệu nhưng chỉ xét riêng về mặt tốc độ trích xuất thì đã là một lợi thế rất lớn trên thị trường cho Google.

Cũng theo Forrester, đây là lần đầu tiên có một dịch vụ cạnh tranh trực tiếp với Glacier.

Nhưng điều quan trọng nhất là qua Nearline, Google có thể lôi kéo được khách hàng đến với các dịch vụ đám mây khác của họ, như là dịch vụ phân tích dữ liệu, thống kê…

PCWorld

cloud computing, Google, lưu trữ, lưu trữ đám mây


© 2021 FAP
  3,469,505       1/827