Công nghệ - Sản phẩm

Đánh giá smartphone pin khủng Gionee M5 mini

(PCWorldVN) Nếu Gionee chỉ hy sinh hoặc camera, hoặc chất lượng màn hình, thì năng lực pin ‘trâu’ và hiệu năng tương xứng với tầm giá của M5 mini sẽ rất được trân trọng.

Như PC World Vietnam từng thông tin, mẫu điện thoại pin kép dung lượng “khủng” Gionee Marathon M5 có tất cả 3 phiên bản gồm M5, M5 Lite và M5 mini với những khác biệt không chỉ trong thiết kế ngoại hình, mà còn gồm cả phần cứng bên trong.

Trong 3 phiên bản này, Gionee M5 mini là đại diện mới nhất vừa xuất hiện cách đây không lâu và cũng đã chính thức cập bến thị trường Việt Nam với giá bán ở mức 3,49 triệu đồng.

Trước khi đi vào những đánh giá cụ thể, Test Lab điểm qua những chi tiết thay đổi đáng chú ý trong cấu hình của chiếc Gionee M5 Lite. Theo ghi nhận tại Test Lab, Gionee M5 Lite trang bị màn hình 5 inch độ phân giải HD, bộ xử lý 4 nhân MediaTek MT6580 xung nhịp 1,3GHz, đồ họa Mali-400 MP tích hợp, RAM 2GB, camera chính 8MP kèm đèn flash LED, camera selfie 5MP, pin 4.000mAh, kết nối 3G, Wi-Fi, Bluetooth, OTG và chạy Android 5.1 với giao diện Amigo 3.1 đặc trưng. 

Gionee M5 mini.

Từ những tiếp xúc thực tế, Test Lab nhận thấy Gionee M5 mini có thiết kế ngoại hình cứng cáp dù nhà sản xuất sử dụng phần lớn vật liệu nhựa. Gionee M5 mini nhìn chung khá liền lạc và trông như những chiếc smartphone có thiết kế nguyên khối - nhưng thực tế là máy có thể tháo rời nắp lưng và pin khá dễ dàng.

Nếu xét trên thang điểm trong thiết kế ngoại hình và sự tiện dụng, Gionee M5 mini cũng xứng đáng vượt qua mốc 7,5/10 trong đó 10 là điểm số cao nhất biểu tượng cho một thiết kế hoàn hảo. Sở dĩ Gionee M5 mini chưa chỉ dừng lại ở điểm số này là vì máy vẫn tồn tại vài nhược điểm như thiếu đèn nền LED trợ sáng cho dãy phím cảm ứng dưới màn hình, cách bố trí camera chính chưa thật tiện lợi và thiết kế loa vẫn còn gây cản trở cho việc truyền tải âm thanh.

Dãy phím cảm ứng không được trang bị đèn nền LED nên cũng gây ít nhiều bất tiện khi dùng máy trong môi trường thiếu sáng.

Xuyên suốt quá trình sử dụng cũng như tổng hợp những kết quả đánh giá về chất lượng hiển thị, Gionee M5 mini đều cho thấy chất lượng màn hình 5 inch của máy chỉ dừng lại ở mức trung bình. Màn hình của Gionee M5 mini trong các phép thử khả năng hiển thị màu đơn sắc đều cho thấy những hạn chế về độ bão hòa. Chính nhược điểm này cộng thêm hạn chế về độ tương phản đã khiến Gionee M5 mini mất đi khả năng tái hiện sắc màu ưa nhìn như một số sản phẩm từng thử nghiệm.

May mắn là độ chi tiết hình ảnh của Gionee M5 mini vẫn đủ điểm để vượt qua các vòng đánh giá tại Test Lab. Độ nhạy điều khiển cảm ứng tuy không thật tốt như mong đợi nhưng vẫn có thể giúp người dùng làm chủ tình thế trong các trò chơi 2D tốc độ. Có lẽ do quá tập trung vào tối ưu cho thời lượng pin, nên Gionee đã hy sinh chất lượng hiển thị của M5 mini.

Chỉ số Prs (tô đỏ) cho thấy độ nhạy điều khiển cảm ứng trên màn hình 5 inch của Gionee M5 mini không có gì vượt trội.

Do M5 mini là một sản phẩm được Gionee xếp vào phân khúc smartphone pin dung lượng khủng nên Test Lab lần này cũng sẽ ưu tiên nói về pin của thiết bị trước khi bàn về hiệu năng của máy. Tựa như khi đánh giá thời gian dùng pin của những smartphone khác, PCMark for Android cũng là một công cụ lấy điểm hiệu năng pin của Gionee M5 mini.

Kết quả đánh giá hiệu năng pin dùng PCMark for Android thực sự khiến Test Lab hài lòng. Dù chỉ trang bị pin 4.000mAh - thấp hơn mức 5.000 mAh trên chiếc Marathon M3 từng giới thiệu và cả những tên tuổi xuất hiện gần đây như Asus ZenFone Max hay VIBE P1 của Lenovo – nhưng Gionee M5 mini vẫn cho kết quả đạt mốc 10 giờ. Test Lab đánh giá cao thời lượng dùng pin của Gionee M5 mini dựa trên kết quả thử nghiệm này vì so với người anh em Marathon M3, Gionee M5 mini được nâng cấp vài chi tiết về phần cứng đáng kể như CPU thế hệ mới sản xuất năm 2015, RAM có dung lượng gấp đôi. 

Gionee M5 mini cho kết quả thử nghiệm thời lượng dùng pin tốt như mong đợi.

Thực tế sử dụng cho thấy Gionee M5 mini cũng thừa sức “chạy đường trường” vì sau 2 ngày 2 đêm sử dụng (kích hoạt hầu hết kết nối ngoại trừ 3G, nghe-gọi-nhắn tin với tần suất vừa phải, liên tục cập nhật ứng dụng nền và đặt độ sáng màn hình tối đa), pin tích hợp vẫn còn lại gần 50%.

So với mẫu SoC MediaTek MT6582 từng được Gionee trang bị cho mẫu Marathon M3, bộ xử lý MediaTek MT6580 trên chiếc Gionee M5 mini cơ bản không nhận được nhiều cải tiến đáng chú ý về tốc độ nhưng lại khá hấp dẫn bởi khả năng tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Tuy nhiên, hầu hết kết quả đánh giá hiệu năng đều cho thấy Gionee M5 mini không hề kém cạnh so với chiếc ZenFone Go của Asus vốn cũng dùng SoC MediaTek sản xuất trong năm 2015 này cũng như cả những mẫu smartphone dùng bộ xử lý Qualcomm Snapdragon 410. Cụ thể, phép thử hiệu năng xử lý đơn nhân dùng Geekbench cho thấy kết quả mà Gionee M5 mini đạt được cũng không cách biệt quá lớn so với những sản phẩm cùng tầm giá như Coolpad Sky Mini E560 vốn cũng là một đại diện dùng bộ xử lý Qualcomm Snapdragon 410.

Quá trình hiện thực hóa số liệu cho thấy Gionee M5 mini cũng có thể mang lại những trải nghiệm mượt mà không thua kém mẫu Asus ZenFone 2 Laser hay mẫu smartphone pin khủng ZenFone Max từng thử nghiệm. Xuyên suốt quá trình sử dụng, Test Lab hầu như không phải gặp khó khăn nào khi đóng, mở các ứng dụng nặng, chuyển đổi sử dụng giữa các ứng dụng chạy nền.

Gionee M5 mini cũng có thể chạy vài tựa game lớn với thiết lập đồ họa cơ bản nhất. Nhưng lưu ý rằng Gionee M5 mini sẽ vẫn khó lòng tránh khỏi tình trạng giật hình ở những phân cảnh cao trào, đầy kịch tính khi chơi những tựa game nặng.

Ứng dụng camera cài đặt sẵn trên M5 mini cho phép người dùng thay đổi vị trí vùng đo sáng song không cung cấp nhiều tùy chọn chụp ảnh.

Như đã đề cập, Gionee vì cân đối giữa hiệu năng pin và hiệu suất tổng thể của M5 mini nên đã phải hy sinh ít nhiều chất lượng hiển thị. Riêng với tính năng bổ sung là camera, hãng dường như cũng chỉ “đính kèm” những thành phần cơ bản, nên lẽ đương nhiên chất lượng hình ảnh, tính năng chụp ảnh của Gionee M5 mini không thể sánh bằng Asus ZenFone Max hay Lenovo VIBE P1.

Khả năng chụp HDR của Gionee M5 mini cũng còn ít nhều hạn chế (chi tiết vùng sáng trong ảnh bị cháy khá nặng).

May mắn là nếu môi trường ưu đãi, cộng thêm chút tinh chỉnh về vùng đo sáng trên mỗi ảnh chụp, Test Lab vẫn có được kết quả khá vừa ý về độ chi tiết, cũng như độ tương phản. Nói như vậy cũng có nghĩa là Gionee M5 mini sẽ không phải là một lựa chọn tốt cho nhu cầu chụp ảnh thiếu sáng – vì ngay cả khi môi trường thiếu sáng nhẹ, hình ảnh đã xuất hiện nhiễu hạt với mật độ đáng kể.

May mắn là người dùng vẫn có thể xem trước các hiệu ứng màu trước khi áp dụng vào mỗi cảnh chụp của mình.

Tựu trung, Gionee M5 mini có hiệu năng không hề thua kém các sản phẩm trong tầm giá. Máy còn trang bị pin khủng, thừa năng lượng cho người dùng vi vu mà không phải canh cánh lo sạc cũng như dùng chính năng lượng này để “nuôi” một chiếc điện thoại khác. Tiếc là chất lượng hiển thị của máy vẫn còn ít nhiều hạn chế và hãng cũng đã phải hy sinh cả về camera trên Gionee M5 mini. 

Hình ảnh chi tiết smartphone Gionee M5 mini:

Gionee M5 mini có thiết kế nắp lưng kết hợp vật liệu nhựa và nhôm trông khá đẹp mắt.
Gionee M5 mini còn được viền thêm chi tiết khung nhựa giả kim chạy dọc thân máy.
Ngõ cắm tai nghe được bố trí ở đỉnh máy.
Đối lập với cạnh trái trơn láng là cạnh phải với nút nguồn/khóa màn hình và dãy phím điều tiết âm lượng.
Gionee M5 mini trang bị 2 khay SIM, khe cắm thẻ microSD, pin 4.000mAh có thể tháo rời khỏi thân máy một cách dễ dàng.

Kết quả thử nghiệm hiệu năng Gionee M5 mini: 

 Ảnh chụp thử từ Gionee M5 mini: 

PCWorld

đánh giá smartphone, Gionee, Gionee M5 mini, Lâm Vũ, Mai Hoa, smartphone Android, smartphone Gionee, smartphone pin khủng, smartphone pin trâu, Test L


© 2021 FAP
  3,349,775       1/259